|
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trao đổi tại phiên họp |
Tại phiên họp thứ 25
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 13.7, báo cáo về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết vấn đề xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý về nguồn gốc là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc ưu nhược điểm của từng phương án và tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu QH, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra của QH thống nhất chọn phương án thu thuế thu nhập cá nhân đối với loại tài sản, thu nhập này. Theo bà Nga, đây là phương án có nhiều yếu tố hợp lý, đáp ứng được các yêu cầu về PCTN, phù hợp với điều kiện hiện nay và có tính khả thi. Còn về mức thuế suất, mặc dù cho biết đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp cơ bản thống nhất với cơ quan trình dự án về mức thuế 45%, song bà Nga thừa nhận, bản thân bà cũng chưa cảm thấy thuyết phục.
Giải trình thêm về vấn đề này, ông Lê Minh Khái, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, loại tài sản này rất khó xử lý, hình sự cũng không được, dân sự cũng khó, hành chính cũng không xong. “Trong tình trạng như thế, cơ quan soạn thảo đề xuất phương án thu thuế”, ông Khái cho biết và nhấn mạnh, kể cả thu thuế rồi cũng không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu nếu như sau đó nhà nước chứng minh được tài sản, thu nhập đó là do vi phạm pháp luật mà có. Đối với mức thuế 45%, ông Khái giải thích, mức này được tính dựa trên khoản thuế phải nộp trước đó và có thêm một khoản phạt, tính đi tính lại vào khoảng 40 - 45%. Từ những giải trình trên, cả bà Nga và ông Khái đều đề nghị UBTVQH cho ý kiến một cách rõ ràng trong vấn đề này để có căn cứ chỉnh lý dự thảo luật.
Thu thuế 45% không có cơ sở thuyết phục
Cho ý kiến tại phiên họp, ý kiến thành viên UBTVQH và đại diện các cơ quan liên quan cũng khá khác nhau về phương án thu thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc mà cơ quan soạn thảo và thẩm tra trình. Một số ý kiến đồng tình với phương án thu thuế, song cho rằng, mức thuế 45% vẫn thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn thuyết phục. Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ nêu quan điểm: tài sản không chứng minh được tài sản bất hợp pháp thì phải coi là tài sản hợp pháp, cũng giống như trong hình sự, không chứng minh phạm tội thì là vô tội. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, phương án thu thuế là phương án mạnh nhất, khả thi nhất trong bối cảnh chống tham nhũng quyết liệt như hiện nay. Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị phải làm rõ cơ sở của mức thuế 45% cho thuyết phục.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy ban Quốc phòng An ninh không đồng tình với phương án thu thuế mà nên giải quyết theo con đường tố tụng dân sự. Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Trần Công Phàn cũng cho rằng, phương án đặt ra khó thực hiện vì tài sản, thu nhập đã đánh thuế thì phải là tài sản, thu nhập hợp pháp còn ở đây là tài sản không chứng minh được thì có thể là hợp pháp, cũng có thể là không. Do đó, nếu thu thuế mà sau đó chứng minh được đó là tài sản do phạm tội mà có thì lại chuyển sang xử lý hình sự như vậy một hành vi lại bị xử lý 2 lần. “Như vậy, nếu đặt ra việc không chứng minh được về nguồn gốc mà chuyển sang thu thuế ngay thì không có cơ sở. Tương tự, cũng không có cơ sở nào tự nhiên thu thuế 45% với loại tài sản này”, ông Phàn nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhìn nhận, việc xử lý theo phương án thu thuế 45% với tài sản, thu nhập mà nhà nước không chứng minh được là bất hợp pháp thì chưa có cơ sở để thuyết phục. Từ đó, bà Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục lắng nghe ý kiến, nghiên cứu, tổ chức họp bàn, thảo luận với các cơ quan trong Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN để có lý lẽ thuyết phục, sau đó tổng hợp những vấn đề còn ý kiến khác nhau để xin ý kiến Bộ Chính trị.
Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu tại kỳ họp thứ 6 Tại phiên họp UBTVQH thứ 25, ngày 13.7, UBTVQH đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, QH khóa 14. Theo tờ trình Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tại phiên họp, dự kiến, kỳ họp thứ 6 sẽ kéo dài trong 21 ngày, bắt đầu từ 22.10 - 19.11. Tại phiên họp lần này, QH sẽ xem xét thông qua 11 dự án luật, trong đó có luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu); luật Công an nhân dân (sửa đổi), luật Bảo vệ bí mật nhà nước… Bên cạnh đó, QH cũng sẽ cho ý kiến 6 dự án luật khác, trong đó có luật Quản lý thuế (sửa đổi), luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đầu tư công…
Tại kỳ họp thứ 6, dự kiến QH cũng sẽ xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách, giám sát và các vấn đề quan trọng khác như đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2019; xem xét các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác PCTN năm 2018. Đặc biệt, QH sẽ dành 1 ngày để lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phải chuẩn bị chu đáo việc lấy tín nhiệm ngay từ bây giờ và đề nghị việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tiến hành vào giữa kỳ họp, còn việc chất vấn sẽ tiến hành vào cuối kỳ họp.
|
Theo Thanh Niên