|
Cuộc họp công bố quyết định của Bộ trưởng GD-ĐT thành lập hội đồng chấm thẩm định toàn bộ bài thi trắc nghiệm tại Hà Giang |
Ghi nhận phản ánh của phụ huynh
Một ngày sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả rà soát với 330 bài thi của 114 thí sinh sửa điểm thấp thành cao, Thanh Niên đã nhận được hàng loạt phản ánh của người dân, đa phần là phụ huynh ở Hà Giang về việc nhiều trường hợp là con, cháu của lãnh đạo huyện, tỉnh và các sở ngành của Hà Giang, một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh.
Ông N.V.G ở H.Vị Xuyên, có con vừa thi THPT quốc gia, phản ánh một thí sinh học lớp chuyên toán Trường THPT chuyên Hà Giang, con một lãnh đạo cấp phòng H.Vị Xuyên có điểm chấm thẩm định hạ 13 điểm so với công bố ban đầu. Một thí sinh khác, cũng chuyên toán trường này, bị hạ mỗi môn gần 2 điểm (từ 8 điểm xuống còn 6,7 điểm) sau khi chấm thẩm định...
Cũng theo phản ánh của ông N.V.G, tại Trường THPT chuyên Hà Giang còn có 3 thí sinh khác là con và cháu của một lãnh đạo cấp tỉnh, cũng thuộc diện bị hạ điểm sau khi chấm thẩm định.
Từ phản ánh của một số phụ huynh tại TP.Hà Giang, PV Thanh Niên đã xác minh trường hợp thí sinh là con trai của một Phó giám đốc Sở tại Hà Giang, có tổng điểm xét tuyển khối A trên 28 điểm nhưng khi chấm thẩm định lại đã hạ xuống còn khoảng 16 điểm.
Trả lời báo chí ngày 17.7, về việc có hay không các trường hợp “con ông cháu cha” được nâng điểm tại kỳ thi vừa qua, ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho rằng: "Đương nhiên trong một kỳ thi, có nhiều đối tượng thi, người nhà có, người thân quen có. Tuy nhiên, tôi nghĩ không có người nhà nào lại làm những việc như chỉ đạo phải đưa con tôi vào trường đại học cả".
Công an sẽ làm rõ
Tại cuộc họp thường trực UBND tỉnh Hà Giang ngày 18.7, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết đã giao Công an tỉnh Hà Giang điều tra, xác minh các dấu hiệu hình sự liên quan kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Giang. Được biết, trước đó, Sở GD-ĐT Hà Giang đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định.
Theo nguồn tin Thanh Niên, trong những ngày qua, Công an tỉnh Hà Giang cũng đã làm việc với Sở GD-ĐT Hà Giang, cá nhân ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang - người có hành vi sửa chữa nâng khống điểm số 330 bài thi của 114 thí sinh, để làm rõ hành vi, động cơ, mục đích. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, trong ngày 18.7, ông Vũ Trọng Lương vẫn đến nhiệm sở làm việc như bình thường.
Theo một số chuyên gia pháp lý, hành vi sửa đổi điểm số của ông Lương có tính chất nghiêm trọng và có thể bị truy cứu về tội giả mạo trong công tác hoặc nhận hối lộ nếu như chứng minh được động cơ, mục đích.
Tuy nhiên, vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay là hành vi sửa đổi điểm của ông Lương và mối liên hệ giữa việc nhiều thí sinh có thể là “con ông cháu cha”. Ông Lương có thể thực hiện việc sửa điểm một mình hay còn có sự giúp sức, thông đồng của nhiều người khác?
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Bộ Công an cho biết đã cử đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ (A83) tham gia cùng đoàn thanh tra tại Hà Giang, đồng thời từ ngày 14.7, trên cơ sở trao đổi với Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã cử các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Bộ GD-ĐT, cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang làm rõ các dấu hiệu vi phạm.
Một lãnh đạo Cục A83 cũng cho hay trên cơ sở báo cáo của Bộ GD-ĐT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với Bộ GD-ĐT điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định pháp luật. “Thông tin nhiều thí sinh có điểm cao bất thường hay có quan hệ “con ông cháu cha” đều đã được chúng tôi ghi nhận. Việc Bộ Công an sẽ điều tra hay Công an tỉnh Hà Giang điều tra thời điểm này chưa thể nói trước. Song, tôi có thể khẳng định, nếu công an địa phương thực hiện thì Bộ Công an cũng sẽ thực hiện vai trò giám sát để xử lý theo đúng quy định pháp luật”, vị này cho hay.
Bộ thành lập tổ công tác kiểm tra bất thường chấm thi ở Sơn La và Lạng Sơn
Sau Hà Giang, tâm điểm của dư luận xã hội hiện hướng tới Sơn La và Lạng Sơn, bởi hai tỉnh miền núi phía Bắc này cũng có một số thí sinh điểm thi THPT quốc gia 2018 đầy “ấn tượng”.
Với Sơn La, sự nghi ngờ được dồn vào điểm thi môn toán và tiếng Anh của 2 thí sinh điểm rất cao môn toán và tiếng Anh nhưng cả hai đều có kết quả rất thấp ở kỳ thi thử mà Trường THPT chuyên Sơn La tổ chức hồi tháng 3. Theo thống kê của PV, hai thí sinh trên cũng không phải là những thí sinh hiếm hoi đạt điểm toán rất cao của Sơn La. Mặc dù điểm bình quân môn toán của tỉnh này rất thấp (3,43 điểm) so với cả nước (4,9), nhưng đây là một trong những địa phương có tỷ lệ thí sinh đạt từ 9 điểm môn toán trở lên cao nhất nước.
Còn ở Lạng Sơn thì những nghi vấn của dư luận xã hội đang dồn vào điểm thi môn văn sau khi có một danh sách điểm thi khối C03 (toán, văn, sử) của 35 TS tự do.
Ngày 18.7, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định thành lập hai tổ công tác của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ đến tỉnh Lạng Sơn và Sơn La để kiểm tra thông tin phản ánh bất thường về chấm thi của hai hội đồng thi này.
|
Theo Thanh Niên