Vụ việc một công ty ở tỉnh Cát Lâm sản xuất và tiêu thụ hơn 250.000 liều vaccine kém chất lượng đang gây xôn xao dư luận Trung Quốc, khiến Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 23/7 phải lên tiếng dù đang công du châu Phi.
Theo Tân Hoa xã, ông Tập nói những vi phạm tại Công ty Khoa học Kỹ thuật Trường Sinh Trường Xuân (gọi tắt là Trường Sinh) "mang bản chất đê hèn" và "khiến người ta kinh hãi", chỉ đạo lập tức tìm ra "chân tướng sự thật".
Ông Tập cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp trừng phạt nghiêm khắc để "chữa trị căn bệnh tham nhũng kinh niên", hoàn thiện hệ thống giám sát vaccine và bảo vệ giới hạn an toàn để đảm bảo lợi ích nhân dân và ổn định xã hội.
Xung quanh sự việc rúng động này còn tồn tại một số nghi vấn lớn.
Hiện chưa rõ bao nhiêu trẻ bị tiêm vaccine kém chất lượng. Ảnh: Reuters. |
Ngày 15/7, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc cho biết Trường Sinh, công ty con của Công ty Sinh học Trường Sinh đóng ở thành phố Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, làm giả giấy tờ sản xuất vaccine bệnh dại. Việc che đậy số vaccine này do người trong nội bộ công ty trình báo, theo Voice of China.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm tỉnh Cát Lâm thu hồi giấy chứng nhận GMP (giấy chứng nhận với dược phẩm) đồng thời buộc Trường Sinh dừng sản xuất vaccine bệnh dại trong khi việc điều tra vẫn tiếp diễn.
Cho đến ngày 19/7, Trường Sinh cho biết công ty đã nhận quyết định xử phạt vụ vaccine DPT (phòng ba bệnh bạch hầu, uốn ván và lao) kém chất lượng bị điều tra từ tháng 10/2017.
Ngày 20/7, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Cát Lâm công bố trên website chính thức quyết định xử phạt này, ngày có hiệu lực là 18/7.
Quyết định được đưa ra sau gần 9 tháng kể từ khi vụ điều tra bắt đầu, nhưng chỉ 3 ngày sau khi vụ làm giả giấy tờ vaccine bệnh dại bị phát hiện. Điều này làm dấy lên nghi vấn về sự thông đồng giữa Trường Sinh và cơ quan chức năng, song cũng có nhiều đánh giá khác nhau.
Một quan chức của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Sơn Đông nói với Thepaper.cn rằng thời gian 9 tháng là "không bình thường". Người này cho biết từ khi bắt đầu điều tra đến khi kết thúc, dù là có nhiều khâu như kiểm nghiệm, đánh giá hành chính..., thì cũng không kéo dài lâu như vậy, "thông thường là 2-3 tháng". "Có khả năng quyết định xử phạt đã có lâu rồi", vị quan chức nói.
Tuy nhiên, theo giáo sư Vương Nguyệt Đan của Trường Y Cơ sở thuộc Đại học Bắc Kinh, khả năng là vụ phát hiện làm giả giấy tờ vaccine bệnh dại đã thúc đẩy Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Cát Lâm đẩy nhanh quá trình xử lý hành vi vi phạm của Trường Sinh trong vụ vaccine DPT. Bà cũng cho rằng việc đánh giá và xử lý vấn đề vaccine, bao gồm lấy mẫu thử, nghe doanh nghiệp giải trình… mất rất nhiều thời gian.
Công ty Trường Sinh đóng tại thành phố Trường Xuân thuộc tỉnh Cát Lâm ở Đông Bắc Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Quyết định xử phạt cho biết cơ quan chức năng đã thu giữ 186 liều vaccine DPT đang được lưu trữ. Song ngoài số này ra, 252.600 liều vaccine không đạt chuẩn đã được bán cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Sơn Đông. Vậy số vaccine này đang ở đâu?
Trong một bài viết đăng tải ngày 5/11/2017, Beijing News từng đề cập đến vấn đề này. Báo dẫn lời quan chức phụ trách về thị trường của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Sơn Đông cho biết các bộ phận liên quan đang tiến hành việc thu hồi, toàn bộ số dược phẩm có vấn đề đã được niêm phong.
Người này cũng nói vấn đề không phải là tính an toàn mà là hiệu quả không đạt tiêu chuẩn của vaccine, cũng như chưa phát hiện trường hợp nào gặp vấn đề sức khỏe vì sử dụng vaccine.
Liên quan đến vấn đề tính an toàn của số vaccine, các chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc nói rằng có thể hiệu quả bảo vệ của hệ miễn dịch bị ảnh hưởng, nhưng nguy cơ an toàn tiêm chủng không gia tăng.
Tuy nhiên, rốt cuộc có bao nhiêu liều vaccine không đạt chuẩn đã được bán ra thị trường vẫn là một trong hàng loạt câu hỏi mà nhiều người quan tâm. Liệu toàn bộ lô vaccine đã được niêm phong hay vẫn có trẻ em đã tiếp nhận số vaccine này và bao nhiêu trường hợp như vậy? Liệu có trẻ em nào mắc bệnh và sức khỏe bị ảnh hưởng vì tiêm chủng vaccine này? Cha mẹ làm sao phán đoán được con cái của mình có phải đã tiêm phải vaccine kém chất lượng và có biện pháp chữa trị khẩn cấp nào hay không?
Số vaccine không đạt chuẩn không rõ đi đâu. Ảnh: Reuters. |
Theo luật pháp Trung Quốc, khi một công ty bị điều tra vì tình nghi phạm pháp, các nhà đầu tư vẫn chưa hay biết, công ty phải lập tức công khai, nói rõ nguyên nhân sự việc, tình hình hiện tại và những ảnh hưởng có thể nảy sinh. Thế nhưng cho đến vài ngày trước, Trường Sinh mới phá vỡ sự im lặng, công bố quyết định xử phạt, đồng thời thừa nhận việc sản xuất vaccine DPT của công ty đã tạm ngưng.
Theo báo Chứng khoán Thượng Hải, trong báo cáo thường niên của công ty mẹ Sinh học Trường Sinh, lượng bán ra của vaccine DPT là 5,62 triệu liều, đứng đầu trong 6 loại vaccine mà công ty sản xuất. Trong báo cáo thường niên năm 2016 và 2017, Trường Sinh cho biết vẫn bán vaccine DPT nhưng lượng bán ra không được tiết lộ. Một điểm lạ nữa là danh mục hình ảnh sản phẩm của công ty hai năm nay không có vaccine DPT.
Rốt cuộc Trường Sinh đã ngừng sản xuất vaccine DPT khi nào? Các văn bản công khai không đề cập vấn đề này.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Cát Lâm cho quyết định thu giữ số tiền thu được từ việc bán vaccine kém chất lượng là 850.800 nhân dân tệ, (khoảng 125.000 USD) đồng thời phạt hành chính đối với hành vi vi phạm số tiền gấp ba lần giá trị hàng hóa, tức 2,6 triệu nhân dân tệ.
Hơn 250.000 liều vaccine kém chất lượng nhưng tổng cộng Trường Sinh chỉ bị phạt hơn 3,4 triệu nhân dân tệ. Điều này làm dấy lên nhiều nghi ngờ.
Theo Voice of China, quyết định xử phạt viện dẫn căn cứ pháp luật cho các biện pháp trên. Theo Luật Quản lý Dược phẩm của Trung Quốc, nếu phát hiện sai phạm, số dược phẩm được sản xuất, tiêu thụ cũng như doanh thu có được sẽ bị thu giữ, đồng thời phạt tiền gấp một lần trở lên nhưng 3 lần trở xuống so với doanh thu. Trong trường hợp đối tượng sử dụng thuốc là trẻ em và phụ nữ mang thai, việc xử phạt sẽ nặng hơn.
Tuy nhiên, luật cũng quy định rằng nếu việc sản xuất, tiêu thụ thuốc kém chất lượng có tình tiết nghiêm trọng, doanh nghiệp sẽ bị buộc dừng sản xuất, dừng kinh doanh, bị tước chứng nhận phê chuẩn dược phẩm, đình chỉ các giấy phép liên quan. Nếu cấu thành tội phạm, người liên quan sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Zing