|
Quân đội Hàn Quốc làm nhiệm vụ tại DMZ (Ảnh: AFP) |
Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều tổ chức ngày 27/4, lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã thống nhất sẽ nỗ lực làm hòa dịu căng thẳng giữa 2 miền, trong đó có việc Hàn Quốc giảm bớt hiện diện quân sự ở đường biên giới.
Một trong những phương án được tính đến là việc rút quân đang triển khai xung quanh khu vực DMZ, cụ thể là sư đoàn 2 lực lượng thủy quân lục chiến và quân đoàn cơ giới 7 lực lượng bộ binh. Tuy nhiên, ngay cả khi những kế hoạch có liên quan tới những đơn vị này được thông qua, thì Hàn Quốc vẫn cần phải vượt qua một trở ngại lớn để có thể thực thi: giá đất tăng mạnh.
“Ngay cả khi quân đội muốn di chuyển sang một khu vực lân cận khác, không có chỗ để cho họ đóng quân. Các đơn vị quân đội bị buộc phải đóng tại gần DMZ vì giá đất ở khu vực khác quá cao”, một quan chức quốc phòng giấu tên nói.
Trong khi 2 miền vẫn đang trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật, hầu hết các đơn vị quân sự Hàn Quốc đều đóng quân gần biên giới với Triều Tiên. Khoảng 70% các đơn vị bộ binh đều ở phía bắc tỉnh Gyeonggi và khu vực miền núi tỉnh Gangwon.
Vì rủi ro có thể xảy ra đụng độ quân sự, cũng sự canh phòng nghiêm ngặt của quân đội, giá đất ở những khu vực gần biên giới rẻ hơn rất nhiều khu vực cách xa biên giới như phía nam thủ đô Seoul và khu vực lân cận.
Thêm vào đó, đặc thù các đơn vị quân đội sẽ khiến việc tìm một địa điểm thích hợp để có thể đóng quân ở khu vực xa biên giới là không dễ dàng, các chuyên gia nhận định.
Thay vì tập trung tất cả các lực lượng vào một căn cứ có kích thước lớn như trại Humphreys của Mỹ ở Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi, hầu hết các đơn vị quân đội Hàn Quốc đều có doanh trại riêng ở gần đường biên giới Triều Tiên.
Sự phản đối của người dân
Ngay cả trong trường hợp quân đội nước này tìm được địa điểm thích hợp cho các đơn vị trên, thì thách thức vẫn còn rất lớn: sự phản đối mạnh mẽ từ cư dân sống gần các khu vực bị quy hoạch trở thành doanh trại quân đội.
“Hầu hết người dân Hàn Quốc không thích sống gần căn cứ quân sự. Hãy nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu quân đội triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa hay căn cứ không quân tại những địa điểm đó”, ông Kim Dae-yong, nhà phân tích quân sự tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia Hàn Quốc (Seoul) cho biết.
Khi chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch đặt hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD của Mỹ ở Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, các cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra rầm rộ nhằm ngăn chặn việc triển khai hệ thống này.
Dù quân đội Hàn Quốc và Mỹ thuyết phục người dân rằng hệ thống phòng thủ tên lửa là rất quan trọng trong việc bảo vệ đất nước khỏi mối đe dọa tên lửa Triều Tiên, nhưng những cư dân này lo ngại rằng việc triển khai các hệ thống có thể gây ra mối đe dọa tới sức khỏe của họ và phá hủy nền nông nghiệp địa phương.
Người Hàn Quốc ở Hwaseong cũng từng biểu tình hồi năm 2017 khi chính phủ muốn di chuyển căn cứ không quân từ Suwon, Gyeonggi tới. Chuyên gia Kim cho rằng người dân không muốn bị làm phiền bởi tiếng ồn của máy bay cũng như sự xuất hiện của các khí tài quân sự quanh căn cứ.
Theo Dân Trí