|
Rà soát công tác chấm thi tại Hà Giang |
Chấm tập trung hay chấm chéo?
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (Hà Nội), cho rằng: Trong 9 môn thi thì 8 môn thi trắc nghiệm, chỉ có ngữ văn thi tự luận. Vì vậy, những năm tới nếu Bộ vẫn tổ chức kỳ thi như năm nay thì để bài thi tự luận chấm ở địa phương, còn bài thi trắc nghiệm của 63 tỉnh thành tập trung về 2 hoặc 3 địa điểm gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Tương tự, PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, nhận định việc chấm thi do địa phương thực hiện cho chính học sinh của mình sẽ không thể khách quan, sẽ có số ít bị tình cảm chi phối ảnh hưởng đến kết quả chung. “Đó là lý do trong cuộc họp về tuyển sinh do Bộ tổ chức mấy năm trước, trường tôi từng có đề xuất về việc bốc thăm chấm thi. Sau kỳ thi nên lập thành 3 hội đồng tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM để mã hóa bài thi trước khi các sở bốc thăm nhận bài về chấm”, ông Hải khẳng định.
“Cũng có nhiều người nói đề xuất này là tốn kém và mất thời gian, nhưng sự việc như hôm nay xảy ra thì mới thấy lo ngại trên là đúng. Ngay cả trước đây khi Trường ĐH Luật TP.HCM được giao tổ chức thi ở Bến Tre nhưng trường vẫn quyết tâm chuyển toàn bộ bài thi về TP.HCM để chấm”, ông Hải nói.
Theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, để giảm thiểu những vụ gian lận như Hà Giang, tốt nhất Bộ nên tổ chức chấm tập trung các bài thi trắc nghiệm. Cả nước có thể tập trung về 4 cụm để chấm: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ.
Giao trường đại học coi và chấm thi
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng nếu vẫn duy trì kỳ thi này, cần tiếp tục điều chỉnh để tránh những bất cập đang diễn ra. “Trước kia kỳ thi này được giao về cho địa phương nhưng các trường ĐH tự tổ chức thi và chấm thi. Khi đó là kỳ thi thật và tỷ lệ tốt nghiệp có nơi khá thấp. Vì vậy để công bằng và minh bạch, việc làm cấp bách cho năm sau là nên giao cho các trường ĐH có kinh nghiệm coi và chấm thi”, ông Dũng nói.
Nhưng theo ông Dũng, dù đưa về trường ĐH cũng cần thiết tăng cường các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn gian lận trong chấm thi. “Chẳng hạn với bài thi trắc nghiệm, thí sinh sau khi thực hiện tô đáp án bằng bút chì có thể sử dụng giấy keo trong để tự niêm phong các đáp án trong bài thi của mình, không thể xảy ra tình trạng xóa đi bôi lại. Còn bài thi tự luận, thí sinh phải gạch chéo phần giấy trắng còn lại cuối bài thi để tránh tình trạng viết thêm vào bài thi có thể xảy ra”, ông Dũng đề xuất.
Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Hoàng Hải nhấn mạnh cần thiết việc mã hóa bài thi trước khi bốc thăm chuyển về cho các địa phương chấm. Chỉ cách này mới đảm bảo tính an toàn, không xảy ra tình trạng “lỏng tay” với bài tự luận và tiêu cực trong trắc nghiệm.
Theo Thanh Niên