|
Nhân viên công ty an ninh tư nhân của Trung Quốc |
Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn thống kê từ chính phủ Trung Quốc cho hay khoảng 30.000 doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư ở nước ngoài với gần 1 triệu lao động. Để đảm bảo hoạt động làm ăn, các doanh nghiệp phải chi tiền tỉ cho công tác an ninh. Trong bối cảnh sáng kiến Vành đai, Con đường tạo cơ hội cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài, các công ty an ninh tư nhân (PSC) của nước này cũng nuôi tham vọng thâu tóm thị trường béo bở ấy, nhưng lại vướng phải những thách thức nội tại. Trung Quốc hiện có hơn 5.000 PSC nhưng chưa tới 20 công ty đủ khả năng hoạt động ở nước ngoài.
Thiếu và yếu
Nhiều công ty an ninh Trung Quốc từng thuê cựu thành viên của đội chống hải tặc và lực lượng đặc nhiệm của nước này, nhưng không giữ được vì trả lương quá thấp. Theo SCMP, công ty an ninh nước ngoài trả cao gấp 10 lần so với thu nhập nhân viên Trung Quốc kiếm được. |
Dù phần lớn nhân viên an ninh có nền tảng tương tự đồng nghiệp phương Tây như từng làm cảnh sát hay quân nhân, PSC Trung Quốc khó cạnh tranh với các công ty Anh, Mỹ do không thể sở hữu và vận hành súng một cách hợp pháp, theo Hoàn Cầu thời báo.
Theo luật Hình sự Trung Quốc, những ai sở hữu vũ khí ở nước ngoài, dù tuân theo luật của nước sở tại, có thể đối mặt tối đa 7 năm tù giam. Hồi năm 2014, sau vụ tranh chấp giữa công ty Trung Quốc và một trưởng bộ lạc ở Iraq về quyền sở hữu bất động sản, nhiều dân làng Iraq có vũ trang xông vào trụ sở công ty và lấy đi mọi thứ, trong khi các nhân viên bảo vệ Trung Quốc đứng nhìn với tâm trạng lo sợ. Sự việc khiến nhiều doanh nhân Trung Quốc không tin vào PSC do những người đồng hương điều hành. Chỉ ít công ty vẫn chuộng PSC Trung Quốc nhờ sự tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ, trong khi nhiều doanh nghiệp khác sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp đôi để chọn PSC phương Tây.
Một trong những điểm yếu đáng kể nữa của PSC Trung Quốc là không có khả năng thiết lập mạng lưới trong cộng đồng địa phương và thiếu kỹ năng ngoại ngữ, theo SCMP. Những kỹ năng này giúp tạo nên sự khác biệt ở nước ngoài, theo ông Fred Wang, quản lý cấp cao của một công ty thủy điện nhà nước Trung Quốc đang đầu tư ở Trung Đông và châu Phi. Ông Wang chia sẻ: “Theo những gì tôi đã chứng kiến, đối thủ nước ngoài của các công ty an ninh Trung Quốc có quan hệ tốt với cảnh sát, chỉ huy quân sự, thậm chí băng nhóm và cả phần tử khủng bố ở nước sở tại”. Ngoài ra, PSC Trung Quốc ít khi tổ chức huấn luyện thường kỳ cho nhân viên, thậm chí mặc cho họ vướng vào ma túy, đánh bạc.
Giải pháp lính đánh thuê
Chuyên gia quân sự Châu Thần Minh ở Bắc Kinh cho biết một số PSC Trung Quốc muốn thuê các cựu đặc nhiệm từ Ấn Độ và Pakistan vì họ có thể nói tiếng Anh, Pháp, Ả Rập - những ngôn ngữ phổ biến ở Trung Đông và châu Phi. Một giải pháp khác được tính đến là mô hình lính đánh thuê như Blackwater của Mỹ. Blackwater là công ty an ninh do cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ Erik Prince sáng lập vào năm 1997 và đã được đổi tên thành Academi.
“Không giống như các đội an ninh Trung Quốc như người giữ cửa, nhân viên Blackwater biết nhiều ngôn ngữ, có nhiều quốc tịch khác nhau, được đào tạo tốt và cung cấp dịch vụ bảo vệ con người lẫn hàng hóa. Blackwater có một hệ thống điều hành toàn diện từ hậu cần, vũ khí, công nghệ cao và thậm chí có sự hỗ trợ y tế”, theo ông Điền Bổ Thù, cựu quản lý an ninh cho các công ty nhà nước Trung Quốc ở Libya, Djibouti và Nam Sudan.
Nhân viên kiểu Blackwater biết nhiều ngôn ngữ nên họ có thể giúp thương lượng giữa khách hàng Trung Quốc và những đối tác kinh doanh, lực lượng chính phủ và phi chính phủ ở nước sở tại, nhất là tại vùng có xung đột. “Họ học và sử dụng các kỹ năng làm việc theo nhóm, ưu tiên tiến hành mọi biện pháp cứu người để giảm thương vong. Vì vậy, họ hầu như chỉ bị thương nhẹ sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong khi phân nửa thành viên trong đội Trung Quốc thiệt mạng hoặc bị thương”, SCMP dẫn lời ông Điền cho hay.
Theo Thanh Niên