Vụ việc gian lận điểm thi tại Hà Giang là cú sốc lớn khi 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng điểm. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Có những thí sinh được sửa lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95/3 môn.
Với trường hợp điển hình của Hà Giang, các trường đại học và xã hội hoàn toàn có quyền nghi ngờ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2018. Đặc biệt, dư luận đặt câu hỏi những thí sinh được nâng gần 30 điểm/3 môn trúng tuyển vào các trường đào tạo về y dược sẽ kéo theo hậu quả như thế nào.
Chia sẻ với PV, PGS.BS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, cho biết từ khi nghe tin vụ việc tiêu cực ở Hà Giang và nhiều tỉnh thành khác cũng có dấu hiệu nghi vấn điểm thi bất thường, ông rất lo lắng.
Theo ông Xuân, chất lượng đào tạo ở bậc đại học của các trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cùng với chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất…, đầu vào là yếu tố quan trọng.
Kết quả chấm thẩm định cho thấy hàng trăm bài thi ở Hà Giang được nâng điểm. Dư luận lo ngại những thí sinh không đủ năng lực, trình độ trúng tuyển các trường y dược sẽ gây hậu quả khôn lường vì liên quan sức khỏe con người. |
Nếu chất lượng đầu vào được đánh giá chính xác qua những kỳ thi nghiêm túc, trung thực, hạn chế yếu tố may rủi, nguồn đầu vào càng cao thì chất lượng đầu ra càng cao. Do đó, các trường luôn muốn tuyển được những học sinh giỏi để thuận lợi cho quá trình đào tạo.
Tuy nhiên, theo hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, một số trường dù chất lượng đầu vào không quá cao, quá trình đào tạo và thái độ học tập của sinh viên tốt thì chất lượng đầu ra vẫn ổn.
Ông Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Y Hà Nội, cho biết chất lượng đầu vào là yếu tố khởi đầu cho quá trình đào tạo và tỷ lệ thuận với chất lượng đầu ra.
TS Lê Nguyễn Đức Chính, Phó trưởng khoa Y, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết theo thống kê của khoa này và kinh nghiệm giảng dạy của giảng viên, sinh viên có điểm đầu vào càng cao thì khả năng tiếp thu bài, phân tích tình huống, tự học càng vượt trội so với bạn có điểm thi thấp.
Theo đó, thường những em đạt 21 điểm trở lên có thể lĩnh hội được chương trình giảng dạy của ngành y. Sức học của các em so với yêu cầu của khoa thường không có chênh lệch quá nhiều. Với mức đầu vào khoảng 15-16 điểm, sinh viên rất khó đáp ứng được chương trình đào tạo.
"Chúng tôi cũng theo dõi những em là thủ khoa, á khoa, top 10 đầu vào duy trì khá tốt năng lực học tập trong quá trình đào tạo. Năm nay, khoa Y có một trường hợp thủ khoa đầu vào, đồng thời cũng là thủ khoa đầu ra. Như vậy, có sự tương quan rất lớn giữa chất lượng đầu vào và chất lượng đầu ra", ông Chính thông tin.
Việc không chỉ Hà Giang mà nhiều tỉnh thành khác cũng xuất hiện nghi vấn điểm thi bất thường khiến các trường đào tạo khối ngành y, dược lo lắng về chất lượng sinh viên nhập học trong năm nay.
Tại Hà Giang, có môn thi được nâng lên đến 8,75 điểm. |
"Chắc chắn những trường hợp thí sinh gian lận điểm thi sẽ làm ảnh hưởng chất lượng đầu vào của các trường. Nếu những thí sinh ở Hà Giang không được phát hiện thì với mức điểm 27-28, các em sẽ vào ngành y. Điều này rất nguy hiểm. Đây là rủi ro rất lớn đối với các trường y khoa và cho cả xã hội, chưa kể sự bất công đối với những thí sinh có năng lực thực sự", ông Ngô Minh Xuân nêu quan điểm.
Theo hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chính ông và hội đồng tuyển sinh của trường đang đặt dấu hỏi lớn về chất lượng của các em tân sinh viên sắp tuyển. Liệu rằng điểm thi năm nay của các em có thực chất không?
Với những diễn biến vừa qua về điểm thi THPT quốc gia, ông Chính cho rằng lứa thí sinh năm nay nhập học sẽ bị hoài nghi rất lớn về thực lực, chất lượng. Niềm tin của các trường về nguồn đầu vào của mình sẽ giảm sút.
Những người làm công tác giáo dục đại học sẽ nghi ngờ vào tính công bằng, chính xác của kỳ thi, từ đó dẫn đến người dạy không tin người học.
Mặc dù nhận định những thí sinh điểm cao, đậu vào trường bằng cách gian lận sẽ không trụ được trong vòng 6 năm đào tạo, đại diện các trường y dược vẫn coi đây là một sự lãng phí.
"Chắc chắn các em này sẽ bị đào thải trong quá trình học. Dù vậy, đây cũng là sự lãng phí đối với nhà trường. Lãng phí thời gian, công sức cho những em này trong khi chúng tôi có thể nhận sinh viên chất lượng, thực lực hơn. Xã hội sẽ có nhiều bác sĩ thực tài, thực nghề hơn nếu thi cử một cách công bằng", ông Xuân nói.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng trong quá trình đào tạo, các trường sẽ có sự sàng lọc rất kỹ lưỡng, nhất là đối với nhóm trường top trên. Những thí sinh có gian lận để được vào trường thì cũng gặp phải tình cảnh "vào được mà không ra được".
Hơn hết, nếu những thí sinh gian lận không bị phát hiện, chính các em này đã cướp đi cơ hội, quyền lợi của những bạn có tài năng và thực sự yêu thích ngành y, dược.
"Nếu tuyển sinh điểm cao nhưng không thực chất thì rất nguy hiểm. Tôi nghĩ các trường y, dược đều đang rất lo lắng, không kể phía Bắc hay Nam. Không chỉ các trường mà người dân cũng sẽ lo lắng. Nếu các em này ra trường làm bác sĩ thì rất nguy hiểm cho xã hội", ông Chính nói.
Theo ông Chính, những vụ việc như Hà Giang sẽ hối thúc các trường đại học nhanh chóng tìm cho mình một phương thức tuyển sinh thích hợp, không chỉ dựa vào duy nhất kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Sinh viên sẽ bị đuổi học nếu liên quan gian lận điểm thi THPT quốc giaÔng Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - cho biết sinh viên đã và đang học tại các trường mà bị phát hiện gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia, sẽ bị xử lý theo quy định và pháp luật hiện hành. Hình thức cao nhất là buộc thôi học và có thể bị tước quyền vào các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo. Bộ GD&ĐT đang nhập điểm sau rà soát của thí sinh và không ảnh hưởng quá trình xét tuyển. |
Theo Zing