|
Maria Butina, Ảnh: Sputnik news. |
Cô Maria Butina, 29 tuổi, bị bắt hôm Chủ nhật tại Mỹ với lý do “âm mưu làm gián điệp” và “gây ảnh hưởng” đối với “điệp viên của một chính phủ nước ngoài”.
Ông Anatoly Antonov tin rằng phía Mỹ đang cố gắng “hủy hoại” cô Butina khi nói rằng “đã có những nỗ lực ngăn cản nhân viên ngoại giao Nga gặp cô Butina”.
“Có lẽ cô ấy từng đến đại sứ quán Nga (tại Mỹ). Chúng tôi đón tiếp biết bao nhiêu đồng hương tới đây, liên quan rất nhiều sự kiện văn hóa, hòa nhạc...”, ông Antonov giải thích thêm, liên quan đến cáo buộc của phía Mỹ rằng cô Butina là điệp viên làm việc cho chính phủ Nga. Ông đại sứ nói thậm chí rất có thể cô Butina trong một sự kiện nào đó đã chụp ảnh chung với ông.
“Tôi không loại trừ khả năng ngày mai chúng ta lại thấy một tin tức giả nào đó, dựa trên sự thật rằng có thể cô Butina có nói chuyện với tôi, và hôm sau người ta tuyên bố cô ấy đến nhận chỉ thị của tôi”, ông Antonov nói thêm.
Trong buổi điều trần trước một tòa án liên bang tại Mỹ hôm thứ Tư, cô Butina bác bỏ mọi cáo buộc, tuy nhiên cô không được phép nộp tiền bảo lãnh để được tại ngoại. Nếu bị kết tội, cô có thể phải đối diện với mức án 15 năm tù vì “hoạt động tình báo không đăng ký cho một chính phủ nước ngoài”.
Ðại sứ quán Nga đã vào thăm cô Butina hôm thứ Năm. Cơ quan này cũng yêu cầu giới chức Mỹ chính thức có lời giải thích về vụ bắt giữ Maria Butina.
Butina là một người đấu tranh cho quyền sở hữu súng ở Nga, có quan hệ với một số người Mỹ trong Hiệp hội Súng tiểu liên quốc gia. Những người này cũng đấu tranh cho quyền sở hữu súng của người Mỹ.
Tổng thống Trump mời Tổng thống Putin thăm Mỹ
Trong một diễn biến khác, hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông dự định mời Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Mỹ vào mùa thu năm nay, sau cuộc hội đàm tại Helsinki bị chính giới trong nước chỉ trích nặng nề vì đã không “đối đầu” với lãnh đạo Nga về chuyện mà phía Mỹ nói là sự can thiệp bầu cử.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nói trên Twitter rằng ông Trump đã yêu cầu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton “soạn thảo giấy mời”, ngay cả khi các nhà lập pháp Mỹ và quan chức hàng đầu trong chính quyền của ông chưa được thông báo về nội dung ông và Tổng thống Nga Putin thảo luận trong phiên gặp riêng, chỉ có dự hiện diện của các phiên dịch viên.
Reuters cho hay, ngay cả giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Dan Coats cũng nói ông không biết chuyện gì đã diễn ra tại Helsinki, Phần Lan. “Ồ, anh nói đúng, tôi không biết những gì đã diễn ra trong cuộc gặp đó” ông Coats nói khi được hỏi về sự kiện nói trên.
Ðối với những người Mỹ không ưa gì Nga, lời mời của ông Trump được xem là một thắng lợi của ông Putin, người có chuyến thăm Mỹ gần nhất là từ tháng 7/2007.
Cả ông Trump lẫn ông Putin trước đó đều lên tiếng ca ngợi thành công của cuộc gặp ở Helsinki, lên án các thế lực ở Mỹ tìm cách “giảm nhẹ” những kết quả đạt được. Mặc dù chịu nhiều chỉ trích từ chính giới Mỹ, ông Trump nói ông trông đợi cuộc gặp thứ hai với ông Putin.
Ngay lập tức, thượng nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ Chuck Schumer lên tiếng chỉ trích lời mời của Tổng thống Trump. “Cho đến khi chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra tại cuộc gặp kéo dài hai giờ ở Helsinki, Tổng thống không nên có thêm cuộc gặp riêng “một đối một” nào với Putin nữa. Ở Mỹ, ở Nga hay bất cứ chỗ nào”, thượng nghị sỹ Schumer nói trong một tuyên cáo bằng văn bản.
Theo Tiền Phong