Thêm nhiều địa phương bị nghi vấn điểm thi giống Hà Giang

Thứ sáu, 20/07/2018, 12:59
Sau Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, nhiều tỉnh thành khác cũng bị cho rằng có vấn về điểm thi THPT quốc gia 2018 khi phân tích phổ điểm. Đặc biệt là Kon Tum và Điện Biên.

Kết quả phân tích dữ liệu khối A.

Trao đổi với PV, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH FPT, cho biết ông đã phân tích toàn bộ dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2018 của 63 tỉnh thành với hơn 5 triệu bài thi.

Cũng theo TS Lê Trường Tùng đề xuất Bộ GD&ĐT nên nghiêm túc xem xét nghi vấn của các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Kon Tum và Điện Biên.

Điểm khối A ngưỡng 24.

TS Tùng phân tích tỷ lệ bài thi điểm cao cho 3 khối chính chỉ gồm các môn thi trắc nghiệm là khối A, A1 và B với 3 mức điểm cao là 24, 25,5 và 27 ứng với điểm trung bình mỗi môn là 8, 8,5 và 9.

Theo phân tích, ở khối A, tỉnh Hà Giang vượt lên hẳn so với mức toàn quốc (đường màu đỏ) ở cả 3 ngưỡng điểm. Cùng ở khối A, còn có những tỉnh đáng nghi vấn là Kon Tum, Điện Biên và Hòa Bình.

Kết quả phân tích dữ liệu khối B.

Còn ở khối B, tỉnh Kon Tum và Điện Biên vượt hẳn lên so với cả nước và các tỉnh thành khác. Đứng đầu các địa phương có tỷ lệ thí sinh 25,5 điểm trở lên là Hà Giang, Lai Châu, Kon Tum và Điện Biên. Đứng đầu các địa phương có thí sinh khối B điểm 27 trở lên là Điện Biên, Hà Giang, Kon Tum, Sơn La  vượt xa các địa phương được coi là đất học.

Ở khối A1, Hà Giang vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thí sinh có điểm thi cao.
Nhóm 4 địa phương có tỷ lệ thí sinh khối A1 từ 25,5 điểm trở lên cao nhất toàn quốc theo thứ tự là Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La.

Ở ngưỡng điểm 27 điểm, các địa phương có tỷ lệ thí sinh đạt điểm này cao nhất là Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Ông Tùng nhận định, chỉ phân tích một cách giản đơn như trên đã có thể thấy Hà Giang nổi trội trong cả 3 khối A, A1, B, và sự thật là đã được Bộ GD&ĐT kiểm tra, kết luận đúng là có sai phạm.

Cũng theo ông Tùng, Sơn La xuất hiện trong khối B, khối A1, và đang được Bộ kiểm tra. Tỉnh Hòa Bình xuất hiện trong khối A, A1. Lai Châu xuất hiện trong khối A1 và khối B. Kon Tum, Điện Biên thấp thoáng trong khối A và thực sự nổi bật trong khối B.

Kết quả phân tích dữ liệu khối A1.

Không thể xem xét hết cả nước?

TS Lê Trường Tùng cho rằng, cần xem xét nghi vấn Điện Biên và Kon Tum vì mức độ phổ điểm của khối B xem xét dữ liệu không kém gì Hà Giang cả. Còn một số tỉnh như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình điểm thi cũng có dấu hiệu như vậy nhưng tương đối mờ nhạt hơn.

“Điểm khối A bất thường thì nổi bật nhất là Hà Giang đã xử lý rồi. Đối với khối B hai điểm nổi trội khả năng bất bình thường là Điện Biên, Kon Tum. Những nơi khác dữ liệu “nói” như vậy nhưng cũng có thể có vấn đề, nhưng mức độ nhẹ hơn”- TS Tùng nhấn mạnh.

TS Tùng cũng nêu quan điểm, chắc không cần phải kiểm tra tất cả điểm thi trên cả nước vì trên nguyên tắc bao giờ cũng là kiểm tra điểm, mà không có gì có thể kiểm tra được 100% cả.

“Kiểm tra điểm sau đó xử lý nghiêm minh, nếu phát hiện sai phạm. Việc quan trọng số một là làm thế nào để những chuyện tiêu cực như thế này sẽ không xảy ra nữa, chứ còn chuyện xem xét điểm hiện tại như thế nào và chuyện điểm thi những năm trước hay không thì chắc không phải là việc ưu tiên”- ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, nếu còn phát hiện ra nghi vấn thì làm, những sai phạm lớn như ở Hà Giang thì Bộ cần vào cuộc còn nếu ở mức độ nhỏ thì nên để các địa phương tự giải quyết: “Sức của Bộ không thể làm hết được. Bộ nên khuyến khích các địa phương tự kiểm tra, tự phát hiện còn các địa phương báo không có mà Bộ về thấy có thì sẽ xử lý”.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn