Siêu dự án "Con đường tơ lụa" của Trung Quốc đang bị đe dọa bởi yếu tố này

Thứ năm, 19/07/2018, 16:54
Việc các công ty quân sự tư nhân nội địa chưa đủ khả năng hoạt động ở các khu vực thường xuyên xảy ra xung đột ở nước ngoài đặt ra nhiều thách thức với Bắc Kinh trong bối cảnh nhiều công ty Trung Quốc đang mở rộng hoạt động theo dự án ''Con đường tơ lụa'' mới.

Tian Buchou từng làm việc trong lực lượng quân đội đặc biệt của Trung Quốc và có kinh nghiệm 17 năm phụ trách các vấn đề an ninh cho các công ty, doanh nghiệp Trung Quốc ở Trung Đông và châu Phi.

Làm việc cho cả nhà nước và các công ty tư nhân, Tian giữ trọng trách chỉ huy, điều phối nhiệm vụ bảo vệ các khách hàng là doanh nghiệp Trung Quốc trước các mối đe dọa khác nhau như cướp bóc hay tấn công khủng bố.

Lực lượng lính đánh thuê tư nhân thuộc một công ty của Mỹ. (Ảnh: Flickr)

“Có tới hơn 80% nhân viên an ninh Trung Quốc bảo vệ các doanh nghiệp ở nước ngoài không được huấn luyện bài bản. Họ chưa có được một hệ thống vận hành toàn diện bao gồm hậu cần, vũ khí, công nghệ cao và hỗ trợ y tế”, Tian nói.

Các công ty quân sự tư nhân của Trung Quốc ở nước ngoài hiện nay bị hạn chế nguồn cung vũ khí và không được hoạt động tự do ở nước ngoài  bằng các công ty quân sự tư nhân của nhiều nước Âu-Mỹ khác.

Sự chênh lệch lớn về khoảng cách giữa công ty quân sự tư nhân Trung Quốc và các nước Âu-Mỹ là điều dễ nhận thấy. Nhưng hiện nay trong bối cảnh Trung Quốc đang thúc đẩy sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, dự án khổng lồ đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm kết nối 65 quốc gia ở Đông Á, Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu, sự cần thiết trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các công ty tư nhân của Trung Quốc với những đối thủ cạnh tranh tiêu biểu như Blackwater của Mỹ đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Các nhân viên công ty quân sự tư nhân Trung Quốc chụp ảnh cùng các đồng nghiệp Mỹ. (Ảnh: SCMP)

Theo thống kê, đã có hơn 30.000 doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài theo siêu dự án này và gần 1 triệu công nhân Trung Quốc được tuyển dụng cho các dự án đầu tư. Tuy nhiên, làm việc ở nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc rủi ro ngày càng tăng đặc biệt là ở các nước an ninh bất ổn.

Tính từ năm 2014, ít nhất 44 công dân Trung Quốc đã bị sát hại chỉ  riêng ở Pakistan, mặc dù Islamabad đã triển khai hàng ngàn nhân viên quân sự để bảo vệ công nhân Trung Quốc.

Trong quá khứ, các công ty Trung Quốc từng tìm tới các công ty quân sự tư nhân nước ngoài nhưng chi phí cực kỳ đắt đỏ. Đơn cử như 3 công ty năng lượng khổng lồ của Trung Quốc - CNPC, Sinopec và CNOOC đã phải chi hơn 2 tỷ USD/ năm cho công tác an ninh của các dự án ở nước ngoài.

Theo SCMP, Bắc Kinh đang rất muốn thành lập một cơ quan an ninh để điều phối nhân sự cho các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài. Một số nguồn tin độc lập cho hay, nếu kế hoạch trên được thông qua, Bộ An ninh nước này sẽ thu thập các thông tin tình báo và cung cấp hỗ trợ an ninh phi truyền thống cho cơ quan mới.

“Các quan chức an ninh từ các Bộ công an, an ninh quốc phòng, ngoại giao và thương mại đang làm việc cùng nhau để đưa ra chi tiết về cách điều hành cơ quan an ninh mới đóng vài trò hàng đầu trong việc điều phối hoạt động của các công ty an ninh Trung Quốc tại nước sở tại”, nguồn tin cho biết.

Huang Rihan, giám đốc điều hành của Viện Vành đai và Con Đường tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa tiết lộ hiện nay chỉ có 6 trong tổng số 5.000 công ty quân sự tư nhân Trung Quốc được chứng nhận hoạt động ở nước ngoài.

“Và hầu hết các hoạt động an ninh ở nước ngoài của các công ty này đều tập trung vào việc hộ tống các tàu thương mại của Trung Quốc trên biển,” Huang nói.

Ông Zhou Chenming, nhà phân tích quân sự tại Bắc Kinh cho biết tình hình an ninh bất ổn như hiện nay, nhiều công ty Trung Quốc đã không còn tin tưởng vào các nhân viên an ninh địa phương. Điều này buộc họ phải tìm kiếm những người bảo vệ mới, nhưng tới nay không một công ty quân sự tư nhân Trung Quốc nào được chọn mặt gửi vàng bởi rào cản ngôn ngữ và kinh nghiệm yếu kém khi hoạt động ở nước ngoài.

Theo VTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích