|
Công an tỉnh Hà Giang bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường vụ nâng điểm thi trước khi tiếp nhận tang vật. |
Chiều 19/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra việc điểm thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này có nhiều bất thường.
Trước đó, 11/7, điểm thi tại Hà Giang được công bố cho thấy tỉnh có nhiều học sinh đạt trên 27 điểm so với cả nước. Nhiều phụ huynh, học sinh trong tỉnh cũng phản ứng dữ dội vì nhiều em có học lực bình thường nhưng kết quả thi rất cao. Vì vậy, Bộ GD&ÐT đã ra quyết định lập đoàn thanh tra, Hội đồng chấm thẩm định rồi làm việc xuyên đêm tại Hà Giang nhằm làm rõ các nghi vấn. Lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng đồng tình và khẳng định sẽ xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.
Kết quả chấm thẩm định cho thấy, 114 thí sinh với hơn 330 bài thi trắc nghiệm được nâng từ 1 đến 8,75 điểm và có thí sinh được nâng hơn 29 điểm. Cụ thể, có 102 bài Toán đã chênh lên từ 1 đến 8 điểm; có 85 bài Vật lý chênh từ 1 đến 7,5 điểm; 56 bài Hóa chênh từ 1 đến 8,75 điểm (tức công bố là 9,5 nhưng điểm thẩm định là 0,75); 8 bài thi Sinh bị chênh từ 1 đến 4,25 điểm; 9 bài thi Lịch sử chênh từ 1 đến 7,25 điểm; 3 bài Ðịa lý chênh từ 1,25 đến 3 điểm; 52 bài thi Tiếng Anh chênh lên từ 1,4 đến 7,8 điểm. Riêng môn Ngữ văn thi hình thức tự luận không phát hiện sai phạm.
Xác minh ban đầu cho thấy, ông Vũ Trọng Lương - Phó phòng Khảo thí Sở GD&ÐT tỉnh Hà Giang là người nhận các tin nhắn chứa thông tin thí sinh rồi can thiệp vào bài thi để nâng điểm, mỗi trường hợp ông Lương chỉ làm trong 6 giây.
|
Trụ sở Sở GD & ÐT tỉnh Hà Giang trong những ngày đoàn công tác rà soát điểm thi. |
Con lãnh đạo được nâng điểm
Trước thông tin nhiều thí sinh là con em lãnh đạo, cán bộ trong tỉnh nằm trong số 114 em được nâng điểm bất thường và bị hạ sau chấm thẩm định, một lãnh đạo Sở GD&ÐT tỉnh Hà Giang cho biết không nắm được thông tin. Theo ông, Sở chỉ nắm được số báo danh, không được biết tên cụ thể của từng em.
Còn theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ông Trần Ðức Quý: “Con của lãnh đạo đi thi có, trong một kỳ thi có nhiều đối tượng nhưng tôi nghĩ không lãnh đạo nào nói phải đưa con tôi vào một trường đại học cả”. Về giả thiết các phụ huynh đã nhắn tin nhờ “chạy” điểm, ông Quý khẳng định: “Nói bố mẹ chạy, mua điểm cho các con cần thời gian của cơ quan điều tra và nếu có chúng ta sẽ xử lý theo pháp luật”.
Ðược biết, con gái của Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh, cũng bị hạ 5,4 điểm sau khi chấm thẩm định. Tương tự, con nhiều lãnh đạo, cán bộ Sở GD&ÐT tỉnh và con một số giáo viên, hiệu trưởng cũng nằm trong số 114 em được nâng điểm bất thường.
Các phụ huynh, học sinh thuộc diện “thi thật, điểm thật” cho biết, rất nhiều trường hợp được nâng điểm là con của lãnh đạo, cán bộ hoặc chủ doanh nghiệp lớn trong tỉnh. Ví dụ, con của lãnh đạo cấp phòng ở huyện Vị Xuyên bị hạ hơn 10 điểm sau thẩm định; con một hiệu trưởng bị hạ hơn 6 điểm; con một lãnh đạo khác có điểm Toán bị hạ từ 9,4 xuống 6 điểm…
Ðáng chú ý, các phụ huynh mà phóng viên tiếp xúc đều phản ánh đa số các trường hợp “chạy điểm” đều nộp đơn vào các trường khối ngành công an bởi chỉ cần thi đỗ là được “biên chế cả đời” và không phải lo học phí kèm nhiều quyền lợi khác.
Ðặc biệt thí sinh có tên T.K.T.T sinh năm 2000 có điểm bị hạ từ 28,6 xuống 18,45 sau khi chấm thẩm định. Theo tìm hiểu tại tổ dân phố, vợ ông Vũ Trọng Lương - Phó phòng khảo thí Sở GD&ÐT Hà Giang có tên T.T.H và cũng là cô ruột của thí sinh T.K.T.T, cả 2 gia đình sống trong cùng tổ dân phố.
Vắng thanh tra, vẫn chấm thi
Trước đó, cơ quan chức năng phát hiện ông Lương đã can thiệp vào 330 bài thi, nâng điểm cho 114 thí sinh. Có em được nâng tới 29,95 điểm hoặc trong môn Hóa, có em được nâng từ 0,75 lên 9,5 điểm. Ông Nguyễn Cáo Khương, đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ (A83), Bộ Công an cho biết ông Lương thực hiện nâng điểm một mình, không có ai giúp sức.
Ngoài ra, ông Lương tiến hành việc này khi có mặt tất cả các thành viên giám sát nhưng không bị phát hiện. “Những người giám sát chấm thi về cơ bản không nắm được đầy đủ quy trình, thao tác khiến ông Lương qua mặt. Ðây là kẽ hở cần củng cố và tập huấn kỹ càng trong các kỳ thi sau” - ông Khương nói.
Ngược lại, theo tìm hiểu, khi ông Lương xử lý bài thi, có 2 người của Ðại học Tân Trào là thanh tra được Bộ GD&ÐT cử đi giám sát việc chấm thi đã vắng mặt. Cụ thể, ngày 1/7, 2 người về Ðại học Tân Trào để giải quyết việc của trường, chiều 2/7 mới quay lại Hà Giang. Tuy vắng mặt thanh tra nhưng phía Hà Giang vẫn chấm bài thi trắc nghiệm.
Ðến nay, Bộ GD&ÐT đã có công văn yêu cầu đoàn thanh tra và lãnh đạo Ðại học Tân Trào làm rõ sự vắng mặt của 2 cán bộ trong đoàn đồng thời xử lý các vi phạm nếu có. Cả 2 thanh tra nói trên đã phải viết giải trình và khẳng định không liên quan tới sai phạm về điểm thi tại Hà Giang.
Ðược biết, trong thời gian tới, A83 sẽ tiếp tục củng cố hồ sơ, tham mưu, kiến nghị cho Bộ Công an xử lý sai phạm một cách đúng người, đúng tội và đảm bảo cho các thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển đại học đúng thời gian quy định.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Ðức - Hiệu trưởng Ðại học Tân Trào đã giải thích việc vắng mặt của 2 cán bộ giáo viên với tư cách là thanh tra giám sát kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang. Cụ thể, đúng ngày 2/7 - ngày chấm thi tại Hà Giang, Ban tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang tổ chức buổi lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo, hiệu trưởng trường Ðại học Tân Trào. Trước đó, nhà trường đã yêu cầu tất cả cán bộ, giáo viên gồm 2 thanh tra nói trên phải có mặt. Do sự trùng hợp như vậy, 2 vị thanh tra đã không có mặt ở Hà Giang. Việc này đã được ông Ðức giải trình với Bộ GD&ÐT tại Hà Nội chiều 18/7. |
Theo Tiền Phong