|
Nước khoét sâu vào con đường thành khe sâu |
|
Hàng chục ngàn mét khối đất, đá từ trên đồi sạt xuống đường |
|
Đá lớn và cây trôi xuống chắn ngang đường cùng với bùn đất |
Anh A Toanh (29 tuổi, ở làng Kleng, TT.Sa Thầy, H.Sa Thầy, Kon Tum) cho biết tình trạng đồi núi bị trượt, sạt lở xảy ra khoảng 1 tuần nay.
"Chúng tôi có đất trồng mì và các loại nông sản ở xã Mô Rai, H.Sa Thầy, nhưng đường sạt lở kiểu này không thể đi được", A Toanh cho biết. Sáng 19.7, A Toanh tiếp tục chạy xe máy vào xã Mô Rai nhưng đành quay về vì đường không đi được và sợ sạt núi.
|
Ách tắc đường, người dân phải đi đường vòng quanh đồi |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Thạnh, Phó chủ tịch UBND H.Sa Thầy, cho biết tình trạng sạt lở nói trên xảy ra từ ngày 6.7 đến nay, nặng nhất là đoạn Km 10+500 đến Km 10+800. Khối lượng đất đá từ trên đồi đổ xuống ước 40.000m3, trong đó, điểm nặng nhất là 30.000m3 đất đá, làm tắc đường hoàn toàn.
|
Tỉnh lộ 674 là đường mới nên mưa kéo dài, xuất hiện nhiều điểm trượt từ trên đồi xuống |
Tỉnh lộ 674 là tuyến đường mới dài 36 Km, từ trung tâm H.Sa Thầy đi xã Mô Rai, vừa được đầu tư xây từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ là 482 tỉ đồng. Đến nay, tuyến đường này vừa thi công cơ bản hoàn thành thì gặp trời mưa liên tục hơn một tháng qua gây sạt lở.
Việc khắc phục cũng vô cùng khó khăn, vì mưa kéo dài, đồi núi ở đây kết cấu yếu nên rất dễ tụt, sạt, các đơn vị đã đưa xe múc vào để san lấp đường thì bị trợt xuống đồi nên không đảm bảo an toàn cho công nhân.
"Đợt hết mưa, chúng tôi sẽ đưa phương tiện và con người vào khắc phục tuyến đường này. Hiện chúng tôi cắm biển thông báo cho người và phương tiện không được đi tuyến đường này. UBND H.Sa Thầy cũng thông báo, muốn vào xã Mô Rai, người dân phải đi đường từ xã Rờ Kơi, dù xa hơn nhưng an toàn hơn" , ông Thạnh nói.
Theo Thanh Niên