Thi THPT quốc gia "2 trong 1" có còn giá trị?

Thứ sáu, 20/07/2018, 14:22
Đã nhiều lần từ năm 2015, năm đầu tiên tổ chức thi THPT quốc gia với mục đích "2 trong 1" vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH, Báo Thanh Niên đã liên tục phân tích sự bất hợp lý của kỳ thi này. Sự kiện gian lận điểm thi ở Hà Giang một lần nữa khẳng định điều đó.

Hôm nay, một lần nữa Báo đặt lại vấn đề này với mong muốn nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc để có thể tìm ra một giải pháp khả thi cho kỳ thi này chứ không đợi đến hết lộ trình năm 2020 như Bộ GD-ĐT vẫn khăng khăng giữ.

Dẹp bỏ sự khiên cưỡng

Ông Hồ Hoàng Minh
Ngay vào thời điểm khi Bộ GD-ĐT bắt đầu triển khai thực hiện kỳ thi 2 trong 1, tôi đã đưa ra những ý kiến phản đối. Tính chất và mục đích của 2 kỳ thi hoàn toàn khác biệt vậy mà khiên cưỡng ép vào áp dụng với học trò. Đây là thời điểm hoàn toàn phù hợp để dẹp bỏ sự khiên cưỡng đó.

Sau thời gian thực hiện, kỳ thi đã bộc lộ nhiều bất cập, tiêu cực, đồng thời tỷ lệ tốt nghiệp cao “chót vót” như vậy thì theo tôi càng cần quyết liệt không nên áp dụng hình thức 2 trong 1 nữa.

Nếu Bộ sợ giao việc xét tốt nghiệp dẫn đến tình trạng các trường THPT chạy theo thành tích… thì có thể tổ chức thi nhưng mục đích tốt nghiệp phải độc lập. Còn việc tuyển sinh ĐH là của các trường ĐH. Hà cớ gì Bộ nói giao quyền tự chủ cho họ mà lại ôm khư khư việc quản lý kết quả xét tuyển đầu vào.

Thêm vào đó, khi đã tổ chức thi thì không sử dụng cách thức kết hợp điểm trung bình lớp 12 vào xét tốt nghiệp. Đã thi thì phải thực chất vì kết quả thi ảnh hưởng đến vị trí người quản lý do vậy trong thực tế trường nào cũng muốn học sinh có hồ sơ học bạ đẹp.

Ông Hồ Hoàng Minh, nguyên Phó phòng Giáo dục quận Tân Bình, TP.HCM

Kỳ thi 2 trong 1 hoàn toàn không phù hợp

Theo suy nghĩ cá nhân, qua các kỳ thi, tôi nhận thấy việc biên soạn đề thi của Bộ GD-ĐT chạy theo dư luận. Khi xã hội lên tiếng đề dễ, “mưa điểm 10” thì ngay lập tức năm sau, đề khó khiến thí sinh “phát khóc” và người phụ trách đề thi lên tiếng sẽ rút kinh nghiệm… Như vậy, tôi cho rằng mục đích ra đề thi không rõ ràng, không có tiêu chuẩn, không có lập trường vậy thì kỳ thi đâu có ý nghĩa gì?

Bên cạnh đó, tỷ lệ tốt nghiệp gần như hoàn hảo do điểm trung bình lớp 12 rất cao nên điểm thi không chi phối việc rớt hay đậu tốt nghiệp. Và khi vai trò điểm để xét không có thì liệu rằng kỳ thi có ý nghĩa gì?

Thêm vào đó, việc tuyển sinh ĐH, nhìn tổng quan thì thấy các trường đều có phương án riêng. Những trường tốp trên thì có một kỳ kiểm tra năng lực, bài thi riêng, các trường tốp dưới thì quyết định xét bằng học bạ ngay khi học sinh chưa thi… Vậy thì việc tuyển sinh ĐH trả về để họ quyết định sao cho phù hợp với mục đích của họ. Còn việc tốt nghiệp, nếu Bộ GD-ĐT muốn giữ lại để chặn đầu ra mà không giao về các địa phương thì nên tổ chức nhẹ nhàng.

Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Trường ĐH cần chủ động xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp

Tiến sĩ Hà Thúc Viên

Kỳ thi THPT quốc gia gộp 2 mục tiêu vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH-CĐ như hiện nay có những ưu thế rõ rệt. Cụ thể là giảm tải cho thí sinh, giảm chi phí xã hội, giảm gánh nặng cho gia đình, không khí thi cử nhẹ nhàng hơn.

Tuy nhiên xét ở phương diện khác, mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH là khác nhau về bản chất. Trong đó kỳ thi THPT quốc gia nhằm đánh giá và xác nhận các em học sinh đã hoàn thành khối kiến thức và kỹ năng phổ thông theo yêu cầu đảm bảo chất lượng của hệ thống giáo dục phổ thông quốc gia. Trong khi đó để tuyển thí sinh vào các bậc học sau phổ thông (đặc biệt vào ĐH), các cơ sở đào tạo cần xác định các hình thức tuyển chọn thích hợp để chọn lựa các thí sinh có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của từng ngành học, bậc học cụ thể và theo yêu cầu đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo.

Từ góc nhìn đó, trong tương lai các cơ sở giáo dục cần có sự chủ động trong xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp theo yêu cầu đào tạo và đảm bảo chất lượng của cơ sở mình theo tinh thần tự chủ ĐH.

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức

Giao trường ĐH tổ chức chấm thi

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng

Kỳ thi THPT quốc gia nếu tổ chức đúng theo quy trình như hiện nay sẽ không xảy ra tình trạng trên. Tuy nhiên dù quy trình chặt chẽ nhưng vấn đề là nằm ở người thực hiện chưa nghiêm túc. Có thể nói, khâu coi thi như hiện nay đã tốt, bất cập là ở phần chấm thi.

Vì vậy, nếu Bộ GD-ĐT muốn tiếp tục duy trì kỳ thi này với mục đích “2 trong 1” để giữ ổn định đến năm 2020 thì nên thay đổi cách tổ chức chấm thi: không để đia phương chấm thi học sinh của mình. Thay vào đó có thể giao cho các trung tâm khảo thí hoặc trường ĐH có kinh nghiệm vừa tổ chức coi thi, vừa chấm thi. Dù trường ĐH chấm thi cũng không nên thực hiện khâu này tại địa phương mà chuyển bài thi về chính trường ĐH để chấm như trước đây nhằm tránh “khó” cho các trường.

Các trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển thí sinh cho thấy đã rất tin tưởng vào kết quả này. Tuy nhiên sự việc vừa xảy ở Hà Giang là sự cảnh báo. Tất nhiên kỳ thi THPT quốc gia chỉ phục vụ xét tuyển đầu vào, thí sinh không đủ năng lực dù trúng tuyển cũng sẽ bị loại thải trong quá trình học tập. Vì vậy nhiệm vụ của các trường ĐH còn ở quản lý chặt đầu ra.

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM

Trường ĐH lớn tổ chức thi, các trường khác có thể dùng kết quả

Nếu Bộ GD-ĐT khẳng định vẫn tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia đến năm 2020 như trước đó, thì phải cải tiến triệt để trong tất cả các khâu từ ra đề, coi thi, chấm thi, xét tuyển... đảm bảo nghiêm túc, trung thực, công bằng và chính xác.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa

Sự việc xảy ra tại Hà Giang là sai phạm chứ không còn là sai sót nữa. Việc coi thi, chấm thi trong thời gian qua tôi nghĩ có sự nới lỏng khi kỳ thi được giao về các Sở GD-ĐT tổ chức, mặc dù có sự phối hợp của các trường ĐH. Trước đây khi kỳ thi do các trường ĐH đứng ra tổ chức, trường hợp thí sinh vi phạm rất nhiều. Nhưng khi giao về cho Sở, các vi phạm ít hẳn đi. Điều đó chưa chắc phản ánh kỳ thi nghiêm túc, mà có thể là do nới lỏng.

Năm nào tỷ lệ tốt nghiệp cũng đạt gần 100% thì không nên tổ chức cả một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp kết hợp với xét ĐH nữa. Chúng ta nên giao việc công nhận tốt nghiệp về cho các Sở. Còn việc xét tuyển ĐH nên để các trường ĐH tự làm. Hiện nay đã có nhiều trường tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển chọn đầu vào như ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Luật… Trường nào có khả năng tự tổ chức thi thì tổ chức, không thì có thể sử dụng kết quả từ các trường lớn, có uy tín để xét tuyển. Chẳng hạn năm nay, Trường ĐH Thủ Dầu Một đã quyết định sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển. Đây là một xu hướng mà tương lai nên làm.

Nếu kỳ thi 2 trong 1 vẫn diễn ra đến năm 2020, thì trường ĐH có sử dụng kết quả thi đó để xét hay không, hãy để các trường tự quyết.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM

Một kỳ thi khó đảm bảo 2 vai trò

Tiến sĩ Phan Ngọc Minh

Hiện nay, có 3 nhóm xu hướng đang diễn ra trong các trường ĐH. Một là xét tuyển bằng học bạ. Nghĩa là các trường chỉ quan tâm tới quá trình học 3 năm hoặc năm lớp 12 của học sinh đã tốt nghiệp, không cần phải có điểm thi THPT quốc gia. Hai là tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng để làm cơ sở xét tuyển, không phụ thuộc vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Ba là các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Tuy nhiên, sau sai phạm lớn ở Hà Giang, kết quả của kỳ thi THPT quốc gia đang bị dư luận hết sức nghi ngờ. Điều đó bắt buộc chúng ta phải xem xét lại ý nghĩa cuối cùng của kỳ thi là gì? Chúng ta có nên khoác cho kỳ thi một chiếc áo với 2 chức năng là vừa đánh giá lại quá trình 12 năm học tập của thí sinh, vừa đánh giá năng lực đầu vào ĐH hay không? Ý tưởng ban đầu của những người làm chính sách là rất hay nhưng thực tế diễn ra thì khó đảm bảo được cả 2 vai trò.

Nên chăng, chỉ tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp, còn việc thi, xét ĐH thì để các trường ĐH tự chủ. Trường nào thấy tin tưởng vào kỳ thi tốt nghiệp thì có thể sử dụng kết quả đó xét tuyển, trường nào không thì có thể tổ chức kỳ thi riêng, hoặc sử dụng kết quả của các trường ĐH lớn hơn có tổ chức thi.

Còn thi tốt nghiệp sẽ còn gian lận
GS.TS Mai Hồng Quỳ, nguyên là hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết chuyện bà phản đối bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã phát biểu rất nhiều lần. Đó là khi tham gia cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sau đó là góp ý luật giáo dục ĐH cũng như cuộc họp đưa kỳ thi tốt nghiệp về các địa phương chủ trì.
Bà Quỳ cho biết: "Tôi vẫn bảo lưu quan điểm việc thi tốt nghiệp là lãng phí, không thực chất, không phản ánh đúng thực chất. Những năm qua việc thi cử chỉ có một điểm sáng duy nhất là thi ĐH thì lại bỏ mất. Bản chất của việc chỉnh sửa điểm thi tăng lên, gian dối là gì? Đó là để xét vào các trường ĐH uy tín. Nếu không thì chẳng cần điểm cao, thành tích làm gì. Chưa kể các em này sẽ dùng điểm để xét vào các trường ở nước ngoài. Việc tiếng Anh yếu, vào học các trường tốp dưới ở nước ngoài sẽ khiến uy tín giáo dục Việt Nam ảnh hưởng nghiêm trọng".
GS.TS Mai Hồng Quỳ
Theo GS.TS Mai Hồng Quỳ, ngay cả khi áp dụng kỳ thi đánh giá năng lực như Trường ĐH Luật TP.HCM cũng sẽ không có thành công khi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia không được tổ chức tốt. Kỳ thi năng lực chỉ tuyển 30% chỉ tiêu, 70% chỉ tiêu còn lại tùy thuộc vào việc xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp. Chưa kể, trường không thể sàng lọc lại số lượng thí sinh này vì Bộ GD-ĐT quy định không được tổ chức một kỳ thi lại. Những câu hỏi năng lực chỉ mang tính chất chung chứ không được ra lại câu hỏi liên quan các môn học.
"Tôi đảm bảo rằng còn giao kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia cho các địa phương là còn gian lận. Có thể sẽ không phát hiện được tiêu cực vì những năm sau sẽ tinh vi hơn thôi. Hãy mạnh dạn bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia trong Luật Giáo dục sửa đổi lần này. Việc thi hiện nay không còn ý nghĩa nữa. Nó chỉ có ý nghĩa với các trường tốp trên dùng để xét tuyển. Các trường tốp dưới đã xét tuyển cả học bạ để chọn lựa thí sinh. Thay vào đó, tại sao không bỏ kỳ thi, để các trường tự lựa chọn phương thức tuyển sinh? Một số trường sẽ xét điểm từ học bạ. Những trường có nhiều thí sinh đăng ký sẽ tự tổ chức hoặc tập hợp thành nhóm tổ chức thi. Bộ GD-ĐT chỉ có nhiệm vụ giám sát việc tổ chức này", bà Quỳ nhận định. Cũng theo GS.TS Mai Hồng Quỳ, việc này cũng là cách để phân tầng tự nhiên các trường ĐH.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn