Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh thông tin trên tại hội nghị “Giải pháp kỹ thuật phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL” tổ chức vào chiều 26/7, tại Cần Thơ.
Theo báo cáo của Ủy ban sông Mê Kông quốc tế, có khoảng 70% lượng phù sa bùn cát sẽ bị giữ lại ở các đập thủy điện trên thượng nguồn. Trong kịch bản xấu nhất sẽ có 97% lượng bùn cát bị giữ lại, tức chỉ có 3% về ĐBSCL.
Lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng ít đi, trong khi sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra hết sức nghiêm trọng, ngày càng gay gắt hơn.
Toàn vùng hiện có 562 điểm/786km sạt lở. Trong đó, bờ sông có 513 điểm/520km, bờ biển có 49 điểm/266km.
Sạt lở bờ sông ở miền Tây, gây thiệt hại nặng nề đến đời sống người dân. |
Ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai, cho biết từ năm 2010 trở về trước, sạt lở, bồi lắng các sông ĐBSCL theo quy luật tự nhiên và tạo cân bằng tương đối.
Tuy nhiên, từ 2010 đến nay diễn biến sạt lở diễn ra nhanh, ngày càng phức tạp, tác động đến kinh tế xã hội. Xu thế bồi ít, xói lở nhiều và nhanh. Diện tích rừng ngập mặn cũng bị suy thoái, sạt lở.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu sạt lở bờ sông, bờ biển ở BĐCSL xuất phát từ việc phát triển các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong.
Phù sa về ngày ít đi, hoạt động khai thác cát quá mức gia tăng thêm sạt lở. |
Ngoài ra, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng gây sụt lún tăng dần trong những năm qua.
Cát trên sông Tiền và sông Hậu đã bị khai thác nhiều, tính đến năm 2016 có 65 giấy phép được khai thác tại vùng ĐBSCL. Tổng lượng khai thác 15 triệu m3/năm, chưa kể các dự án nạo vét luồng lạch giao thông đường thuỷ.
Cùng với đó là tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, lượng tàu bè, phát triển hạ tầng ngày càng nhiều ở ven sông, kênh rạch, ven biển cũng dẫn đến xói lở diễn ra ngày càng phức tạp hơn.
Khảo sát của Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, bồi lắng tiểu vùng ven cửa sông Cửu Long (từ TP.HCM đến Sóc Trăng) giảm rất mạnh do phù sa về đồng bằng suy giảm lớn.
Hệ thống rừng phòng hộ trước đê biển bị thu hẹp, có những vị trí rừng phòng hộ trước đê bị mất hoàn toàn. |
Tiểu vùng từ Sóc Trăng đến mũi Cà Mau có xu thế xói vượt trội, hiện tượng xói lở xảy ra trên hầu hết đoạn bờ biển này. Tuỳ theo vị trí, theo thời gian và mức độ xói lở ngày càng nhanh.
Hệ quả, rừng phòng hộ trước tuyến đê biển bị hẹp dần, có những vị trí rừng phòng hộ trước đê bị mất hoàn toàn...
Theo Zing