Hạ viện Mỹ thông qua dự luật quốc phòng 716 tỷ USD nhắm vào đầu tư từ Trung Quốc

Thứ sáu, 27/07/2018, 11:32
Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật về chi tiêu quốc phòng trị giá 716 tỷ USD, trong đó đưa ra các quy định về việc xem xét kỹ các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ và cấm chính phủ Mỹ sử dụng công nghệ từ các công ty viễn thông lớn của Bắc Kinh.

Quốc kỳ Mỹ trước nhà Quốc hội. (Ảnh: AFP)

Theo Reuters, Hạ viện Mỹ ngày 26/7 đã thông qua dự luật ủy quyền quốc phòng John S. McCain với tỷ lệ ủng hộ - phản đối là 359-54. Đây là dự luật về việc chi tiêu quốc phòng trong năm 2019 của Mỹ với tổng chi phí ước tính 716 tỷ USD.

Dự luật này có những quy định rõ ràng về việc kiểm soát các nguồn đầu tư từ Trung Quốc đổ vào Mỹ, cũng như cấm chính phủ Mỹ không được sử dụng công nghệ từ công ty viễn thông Trung Quốc. Dự luật hiện đang được chuyển lên Thượng viện chờ phê duyệt.

Thông qua văn bản này, ủy ban đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS) trực thuộc Bộ Quốc phòng đã được trao nhiều quyền lực hơn trong việc xem xét các thương vụ đầu tư liệu có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Washington hay không.

Nhà Trắng đánh giá cao việc Hạ viện thông qua dự luật, bao gồm việc tăng lương cho quân nhân Mỹ. “Dự luật tạo nên những bước đi tích cực, phù hợp với cam kết của chính quyền trong việc duy trì một nền tảng sản xuất và quốc phòng mạnh mẽ”, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói.

Ngoài ra, dự luật cũng cấm Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC, cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới trong ít nhất 4 năm. Trước khi đồng ý cho Trung Quốc tham gia trở lại RIMPAC, Lầu Năm Góc cần sự đồng thuận của ủy ban quốc phòng lưỡng viện và Bắc Kinh cũng phải đạt được điều kiện cần: ngừng các hoạt động bồi đắp trái phép bên Biển Đông, loại bỏ toàn bộ vũ khí trên các đảo nhân tạo ở khu vực này và Mỹ sẽ theo dõi hoạt động này của Trung Quốc trong ít nhất 4 năm.

Ngoài ra, dự luật cũng cho phép Lầu Năm Góc chi 7,6 tỷ USD mua 77 máy bay chiến đấu F-35 từ hãng Lockheed Martin. Tuy nhiên, nó cũng có quy định rõ ràng về việc tạm chặn bàn giao máy bay trên cho đồng minh NATO, Thổ Nhĩ Kỳ của Mỹ do Ankara đã quyết định sẽ mua hệ thống phòng không S-400 bằng mọi giá. Theo đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ có đánh giá toàn diện về mối quan hệ giữa Washington và Ankara, được và mất khi duy trì hoặc hủy bỏ việc bàn giao F-35 trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn