Nỗ lực ngăn cuộc chiến đẫm máu ở thành trì phiến quân Syria

Thứ tư, 05/09/2018, 13:53
Thổ Nhĩ Kỳ có một tháng để thuyết phục phiến quân đầu hàng nhằm tránh đụng độ với quân đội Syria, nhưng dường như không thành công.

Quân cảnh Nga tại một chốt kiểm soát ở khu vực vừa được giải phóng từ tay phiến quân ở Syria. Ảnh: AFP.

Các đại diện Nga, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 7/9 sẽ gặp nhau để thảo luận về một giải pháp cho cuộc chiến ở Idlib, thành trì cuối cùng của các nhóm nổi dậy cùng phiến quân Hồi giáo ở Syria, trong bối cảnh quân đội chính phủ nước này đang tập hợp lực lượng chuẩn bị cho chiến dịch quy mô lớn giải phóng tỉnh này.

Idlib là tỉnh có khoảng 3,5 triệu dân sinh sống ở phía Tây Bắc Syria, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Liên Hợp Quốc lo ngại xung đột quy mô lớn nếu nổ ra ở Idlib có thể trở thành "trận chiến đẫm máu" gây thương vong lớn cho cả hai bên, theo Reuters.

Khi các sư đoàn của Syria khép chặt vòng vây quanh Idlib từ tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã vội vã có các biện pháp gây sức ép để ngăn chặn chiến dịch này. Ankara có lợi ích rất lớn ở tỉnh Idlib, nơi các nhóm nổi dậy do họ hậu thuẫn đang kiểm soát khoảng 40% diện tích. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng lo sợ một chiến dịch quân sự lớn ở Idlib sẽ khiến hàng triệu người tị nạn tràn qua biên giới nước này.

Từ đầu tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường tiếp xúc với Nga, nước bảo trợ chính của Syria, để thảo luận về một biện pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Idlib. Theo Vox, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều không muốn biến Idlib thành một thảm họa nhân đạo lớn ở Syria.

Các chuyên gia cho rằng Moskva không muốn cuộc chiến ở Idlib biến thành một chiến dịch quân sự hao binh tổn tướng kéo dài, trong khi Ankara muốn bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình ở khu vực biên giới. Sự giao thoa lợi ích này biến họ trở thành đồng minh trong cuộc xung đột, dù trên danh nghĩa, Thổ Nhĩ Kỳ đang hậu thuẫn lực lượng nổi dậy muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad được Nga bảo vệ.

Trong các cuộc đàm phán tiếp theo, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị Nga "kìm chân" đồng minh Syria, không cho quân đội nước này mở cuộc tấn công vào Idlib bằng cách ngừng chiến dịch yểm trợ hỏa lực không quân, yếu tố không thể thiếu để giúp quân đội Syria giành lợi thế trên chiến trường.

"Quân đội Syria vẫn chưa đạt đến khả năng có thể tự lực tấn công mà không có sự yểm trợ hỏa lực của không quân Nga, bởi lực lượng của họ đã bị suy giảm đáng kể sau 7 năm nội chiến", Faysal Itani, chuyên gia về Syria tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói.

Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm cách thuyết phục các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan đang kiểm soát 60% tỉnh Idlib giải tán và gia nhập Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF), tổ chức được Ankara hậu thuẫn, quy tụ các nhóm nổi dậy và dân quân thân Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara kỳ vọng NLF sau đó sẽ tìm ra được một giải pháp đồng thuận và "xây dựng cơ chế" để đẩy các tay súng nước ngoài ra khỏi Syria.

Quân đội Syria đang bao vây ba mặt tỉnh Idlib, sẵn sàng mở chiến dịch giải phóng quy mô lớn.

Để đạt được mục tiêu này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải vượt qua thử thách khó khăn nhất là "thuyết hàng" nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), tổ chức có tiền thân là Mặt trận Nusra có liên hệ với al-Qaeda. HTS đã bị Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu liệt vào danh sách khủng bố, nhưng lại có quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ khi có chung mục tiêu là chống lại chính quyền Assad.

Asharq Al-Awsat, một trong những tờ báo có ảnh hưởng nhất trong cộng đồng Arab, cho biết Nga dường như đã chấp thuận với đề xuất này của Thổ Nhĩ Kỳ và cho Ankara thời hạn một tháng để dàn xếp với HTS nhằm đưa ra giải pháp ít đổ máu nhất cho cuộc chiến ở Idlib. Moskva được cho là yêu cầu Ankara phải đạt được giải pháp khả thi trước khi hội nghị ba bên diễn ra vào ngày 7/9.

Sự bất lực của Thổ Nhĩ Kỳ

Trong gần một tháng qua, Nga đã ngừng các cuộc không kích tại Idlib, nhằm tạo thuận lợi cho quá trình đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm phiến quân HTS do Abu Mohammed al-Golani cầm đầu. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thiết lập 12 chốt quan sát xung quanh tỉnh Idlib để giám sát tình hình.

Al-Golani là kẻ theo đường lối cứng rắn, thường xuyên trao đổi thông tin với lực lượng tình báo Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng kiên quyết không chịu phục tùng mệnh lệnh của Ankara. Lợi dụng mối liên hệ này, các sĩ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách thuyết phục al-Golani rằng cách duy nhất để tránh một cuộc "tắm máu" ở Idlib là nhóm HTS buông súng, giải tán và sáp nhập vào NLF.

Ngoài thuyết phục al-Golani, Thổ Nhĩ Kỳ còn tìm cách gây áp lực, mua chuộc các thủ lĩnh thấp hơn trong nội bộ HTS. Theo các nguồn tin của IRIN, Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm soát được ít nhất một nhánh trong HTS, những kẻ tin rằng đề xuất của Ankara là giải pháp duy nhất cho nhóm.

Tuy nhiên, al-Golani lại tin rằng giải pháp này sẽ đặt dấu chấm hết cho HTS, một trong những nhóm thiện chiến nhất trên chiến trường Syria, quy tụ hàng nghìn tay súng cực đoan từ khắp nơi trên thế giới. "Mọi nhượng bộ đều không thể chấp nhận được và chúng ta sẽ không bao giờ bị đưa lên bàn đàm phán", al-Golani tuyên bố hôm 28/8, chấm dứt kỳ vọng vào một giải pháp không đổ máu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung tâm Hòa giải Nga ở Syria cho biết HTS đã bắt giữ 500 người ủng hộ việc đàm phán hòa bình với chính phủ, động thái gần như đẩy nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ vào thế bế tắc, theo Sputnik. Đáp lại, Ankara cuối tuần trước liệt HTS vào danh sách tổ chức khủng bố.

Các tay súng phiến quân trên xe bán tải cắm cờ của HTS. Ảnh: AFP.

Ali Haidar, Bộ trưởng Các vấn đề Hòa giải Quốc gia Syria, hôm qua xác nhận Trung tâm Hòa giải Nga ở Syria đang nỗ lực liên hệ với phiến quân thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cuộc đàm phán không có nhiều triển vọng. "Hiện phương án quân sự có khả năng diễn ra cao hơn so với một thỏa thuận ngừng bắn", Haidar nói.

Tuyên bố của Haidar cho thấy thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực gây sức ép với HTS, trong bối cảnh hạn chót của Nga đã sắp hết. Không quân Nga và Syria hôm qua đã bắt đầu nối lại các cuộc không kích vào Idlib sau thời gian dài gián đoạn, dấu hiệu cho thấy chiến dịch tấn công có thể mở màn trong vài ngày tới.

Bình luận viên Alex Ward của Vox tin rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ không có bước đột phá trong đàm phán với HTS trong hai ngày tới, quân đội Syria chắc chắn sẽ tấn công vào Idlib, bất chấp những cảnh báo gần đây của Mỹ. Ward khẳng định Washington hầu như không có tiếng nói trong vấn đề này, dù một số nhóm nổi dậy từng được Mỹ huấn luyện và cung cấp vũ khí.

"Mỹ đang có khoảng 2.000 quân ở Syria, nhưng họ không hiện diện ở miền Tây nước này hay có mặt ở Idlib. Ngoài ra, vai trò chính của quân Mỹ ở Syria chỉ là chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, không tham gia vào cuộc nội chiến ở quốc gia này", Ward nhận định.

Nếu Nga và Syria quyết định tấn công vào Idlib, chiến dịch nhiều khả năng sẽ được thực hiện theo từng bước, xóa sổ dần dần từng cứ điểm của phiến quân, với trọng điểm là thị trấn Jisr Al-Shughur, nơi tập trung nhiều tay súng nước ngoài của HTS. Với chiến thuật này, Moskva sẽ tạo sức ép đáng kể lên HTS, đồng thời mở ra cơ hội để Ankara tiếp tục đàm phán với phiến quân, tránh kéo dài cuộc chiến đẫm máu ở Syria.

Theo VNE

Các tin cũ hơn