Dùng dằng chống ngập

Thứ tư, 05/09/2018, 10:56
Gần 5 tháng chờ đơn giá thuê dịch vụ nhưng chưa thấy, chủ đầu tư "siêu" máy bơm bất ngờ tự ý ngưng vận hành

Ngày 4-9, ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (gọi tắt là Tập đoàn Quang Trung), cho biết "siêu" máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) của công ty đã ngưng vận hành. Cùng ngày, lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư dự án "siêu" chống ngập 10.000 tỉ đồng khẩn trương cung cấp hồ sơ cho đoàn kiểm tra, sau khi dự án này tạm dừng thi công từ hồi tháng 5.

Do hết tiền …

Đi cùng với tuyên bố ngừng vận hành "siêu" máy bơm, trong văn bản thông báo đến Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (Trung tâm Chống ngập), Tập đoàn Quang Trung còn đề nghị Trung tâm Chống ngập chủ động chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh để không ảnh hưởng đến người dân.

Nêu lý do ngưng vận hành, Tập đoàn Quang Trung viện dẫn điều 11.1 của Hợp đồng kinh tế số 44/HDKT-TTCN đã ký ngày 19-4 giữa đơn vị này với Trung tâm Chống ngập TP để lý giải. Theo điều khoản trên, sau 45 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, doanh nghiệp (DN) sẽ được thông báo về mức giá thuê dịch vụ chống ngập. Tuy nhiên, đến ngày 4-6, tức là đủ 45 ngày nhưng vẫn chưa có nên DN thông báo sẽ tự nguyện vận hành thêm 1 tháng nữa để chờ. Mặc dù vậy, đơn giá vẫn chưa được ban hành. Lúc này, Tập đoàn Quang Trung tiếp tục đề nghị Trung tâm Chống ngập TP tạm ứng 30 tỉ đồng để có kinh phí vận hành trong lúc chờ ban hành đơn giá, tuy nhiên đề nghị này không được chấp nhận.

Ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh luôn khiến nhiều người khốn khổ, nhất là vào giờ cao điểm, vì đây là tuyến đường nối các quận phía Đông với trung tâm TP

Ông Cường cho biết DN đã mất 7 năm để nghiên cứu hệ thống máy bơm chống ngập, sau đó bỏ hơn 100 tỉ đồng để thiết kế, chế tạo rồi xây lắp, vận hành và đào tạo đội ngũ công nhân vận hành. Sau 2 mùa mưa, máy bơm đã vận hành 31 lần, trong đó thành công 29 lần, 2 lần thất bại do rác có kích thước lớn trong đường cống. "Lẽ ra sau khi máy bơm hoạt động hiệu quả, chống ngập thành công thì sẽ có một buổi liên hoan nhưng đến nay DN vẫn chưa nhận được đơn giá thuê dịch vụ chống ngập" - ông chủ "siêu" máy bơm viện dẫn.

Tương tự, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) do Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Trung Nam (viết tắt là Công ty Trung Nam) làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 10.000 tỉ đồng, được kỳ vọng sẽ góp phần giải ngập đáng kể cho TP trong mùa mưa năm 2018, cũng bất ngờ được chủ đầu tư tuyên bố ngừng thi công từ hồi tháng 5 đến nay.

Lý do được chủ đầu tư đưa ra là do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Sài Gòn dừng giải ngân cho dự án vì UBND TP chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán về giá trị giải ngân để ngân hàng thực hiện thủ tục tái cấp. Hiện dự án đã thi công đạt 72% khối lượng. "Việc dừng thi công là căn cứ trên hợp đồng giữa Công ty Trung Nam ký với UBND TP. Theo đó, khi gặp các vấn đề phát sinh thì chủ đầu tư sẽ thông báo cho TP, trong trường hợp này là ngân hàng không giải ngân vốn để tiếp tục thi công các hạng mục tiếp theo" - chủ đầu tư phân tích.

… hay chưa tìm được tiếng nói chung?

Liên quan đến dự án "siêu" máy bơm, ngoài lý do ông Cường đưa ra, theo tìm hiểu của phóng viên thì lý do chính khiến DN quyết dừng vận hành chính là đơn giá mà Trung tâm Chống ngập đề xuất trình UBND TP không giống với giá đề nghị của DN. Cụ thể,  mức giá Tập đoàn Quang Trung đưa ra là 24,4 tỉ đồng/năm còn phía Trung tâm Chống ngập đưa ra chỉ gần 10 tỉ đồng/năm.

Tuy không thừa nhận lý do phóng viên đưa ra nhưng ông Cường lại cho rằng tổng chi phí mà DN này bỏ ra đã hơn 100 tỉ đồng, lãi suất vay ngân hàng đã là 9,5% nên con số 10 tỉ đồng/năm chỉ đủ trả lãi ngân hàng. Phản bác lại, Trung tâm Chống ngập khẳng định con số mà đơn vị đề xuất đã được các sở, ngành liên quan cho ý kiến và thống nhất trình UBND TP đề nghị Thường trực Thành ủy TP chấp thuận.

Trước việc Tập đoàn Quang Trung tuyên bố ngừng vận hành máy bơm, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập TP, nói sẽ mời lãnh đạo Tập đoàn Quang Trung lên làm việc chứ không thể có chuyện muốn ngưng là ngưng (!).

Liên quan đến dự án chống ngập của Công ty Trung Nam, Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến liên quan đến dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) sau buổi làm việc với chủ đầu tư dự án. Cụ thể, ông Trần Vĩnh Tuyến đã đề nghị Công ty Trung Nam khẩn trương cung cấp toàn bộ hồ sơ cho đoàn kiểm tra để giám sát, đánh giá dự án đầu tư, phục vụ công tác thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư theo đúng quy định.

Đi kèm động thái trên là việc UBND TP có quyết định thành lập đoàn kiểm tra đánh giá dự án trên. Trách nhiệm của đoàn là thực hiện kiểm tra, giám sát đánh giá dự án theo đúng quy định hiện hành. Các vấn đề khác của dự án như tạm ứng cho nhà thầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép cho hạng mục cơ khí cửa van, thay đổi thiết kế cống kiểm soát triều Mương Chuối, đề nghị giảm chi phí lưu kho của Công ty Trung Nam…, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã giao các sở, ngành làm việc với các đơn vị liên quan để rà soát, nghiên cứu; báo cáo, đề xuất UBND TP giải quyết.

Trước đó, để gỡ khó cho dự án này, UBND TP đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để giải quyết những vướng mắc xung quanh dự án. Đặc biệt, theo UBND TP, trong quá trình thực hiện dự án trên, các bên liên quan gặp những khó khăn nhất định. Khó khăn đầu tiên là vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện UBND TP đang tập trung khắc phục công tác này. Riêng việc chưa ký xác nhận, theo lý giải của UBND TP là do là hợp đồng "tay ba" giữa nhà đầu tư - BIDV (chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra vòng vốn và thanh toán vốn trực tiếp) - UBND TP. Do đó, thủ tục thanh toán có "dích dắc" hơn, khó khăn hơn so với bình thường.

Công ty Thoát nước đô thị ra sức ứng cứu!

Anh Văn Minh Hùng, ngụ đường Nguyễn Hữu Cảnh, nói rằng cứ nghĩ lại cảnh vợ chở mẹ về giữa dòng nước ngập đến yên xe như trước đây là anh lo sợ.

Vì vậy, khi đề cập việc "siêu" máy bơm đã ngưng vận hành thì anh Hùng cảm thấy khó hiểu. Nghe chúng tôi nói lý do là do chủ đầu tư và Trung tâm Chống ngập TP chưa có tiếng nói chung thì anh Hùng nói: "Tôi là người dân nên chỉ quan tâm đến việc đường không ngập còn giá cả thế nào thì DN và cơ quan chức năng phải ngồi lại với nhau, chứ kiểu ông nói một đằng, bà nói một nẻo thì khó mà… chơi chung được!".

Máy bơm công suất nhỏ của Công ty Thoát nước đô thị TP được huy động để ứng trực chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh

Để giải quyết ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, theo Trung tâm Chống ngập TP, đơn vị này đã đề nghị Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị (Công ty Thoát nước đô thị) TP có giải pháp ứng phó trong thời gian Tập đoàn Quang Trung ngưng vận hành "siêu" máy bơm.

Ghi nhận chiều 4-9, các công nhân của Công ty Thoát nước đô thị TP đã lắp thêm một máy bơm di động công suất 500 m3/giờ cùng với một máy bơm cố định ở đây là 2.700 m3/giờ, nâng tổng công suất của 2 máy bơm lên 3.200 m3/giờ để ứng cứu cho tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Ngoài ra, Công ty Thoát nước đô thị TP còn cho hay trong hôm nay (5-9), đơn vị sẽ lắp thêm một máy bơm công suất 2.000 m3/giờ. Tổng công suất của 3 máy bơm sẽ là 5.200 m3/giờ.

Cũng theo Công ty Thoát nước đô thị, dự báo thời tiết cho thấy trong tuần này có thể có mưa xảy ra vào buổi chiều và tối, trùng với thời điểm nước triều xuống nên có thể để nước thoát tự nhiên hoặc kết hợp với máy bơm khi mưa lớn để nước thoát nhanh hơn. Tuy nhiên, đơn vị vận hành cụm máy bơm này cũng cảnh báo nếu mưa lớn xảy ra thì đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn có khả năng ngập.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn