Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) hai lần tái ngập nghiêm trọng dù có siêu máy bơm. Trong khi các chuyên gia cho rằng phương án này không khả thi, lãng phí... ông Nguyễn Tăng Cường (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, chủ đầu tư máy bơm) khẳng định tuyến đường không hết ngập là do "có người phá hoại".
Thùng xốp, chai nhựa, bao nylon lấp miệng cống khiến nước không về đến máy bơm. |
Sau một số lần công ty ông thử nghiệm máy bơm công suất lớn chống ngập thành công đường Nguyễn Hữu Cảnh, gần đây con đường bị ngập nặng trở lại. Theo ông, nguyên nhân là gì?
Theo hợp đồng với TP.HCM, chúng tôi có nhiệm vụ chống ngập đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh với lưu vực 75ha (từ chân cầu vượt Thủ Thiêm đến số nhà 125A thuộc phường 22). Trong 23 lần vận hành máy bơm khi mưa lớn, chúng tôi đã khống chế ngập thành công 21 lần, dù có trận mưa vũ lượng lên đến 125mm. Kết quả như thế là rất cao.
Ở hai lần thất bại, trận mưa ngày 17/10/2017, khi kiểm tra phát hiện cống có 28m3 rác kích thước lớn làm tắc tại 3 điểm hố ga. Việc này đã được lập biên bản dưới sự chứng kiến của cơ quan chức năng và báo chí. Còn trận mưa hôm 1/6 cống cũng bị tắc, nước không về trạm bơm. Khi các bên kiểm tra phát hiện cục bêtông rất to, dài 1,2m và 7 bao đựng đầy cát lấp diện tích cống tại 3 điểm trước số nhà 24D1, 12D1 và 4/6D1. Ngoài ra còn có tấm gỗ dài hơn một mét chắn ngang miệng cống.
Điều đáng nói là 3 ngày trước Công ty thoát nước thành phố đã nạo vét sạch lòng cống. Miệng hố thu nước cũng đã được chúng tôi hàn bằng lưới chắn rác. Những vật nặng như thế chỉ có phép thần mới chui qua được, nếu không có sự chủ ý. Người dân ở đây chắc chắn không làm thế vì chẳng ai muốn nhà mình bị ngập cả.
Công ty nhận nhiệm vụ chống ngập nhưng lại phụ thuộc vào đơn vị khác kiểm soát cống, để giúp máy bơm hoạt động hiệu quả. Ông đã có tính toán cho việc này thế nào?
Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, chỉ sản xuất máy móc công nghệ cao. Còn nhiệm vụ bảo vệ cống thoát nước là của thành phố, điều này cũng đã quy định trong hợp đồng. Hơn nữa, chỉ có UBND quận Bình Thạnh và các cơ quan chuyên môn mới có thể xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi hay tuyên truyền người dân không vứt rác ra đường, chứ doanh nghiệp như chúng tôi làm gì có quyền đó.
Trước khi vận hành máy bơm tôi cũng đặt ra trường hợp rác có thể làm ảnh hưởng dòng chảy và đã cho lắp đặt lưới chắn rác tại các miệng thu nước. Những loại rác như chai nước suối, hộp cơm... sẽ không vào cống được. Giờ phát hiện có cả bao cát, hay nguyên tảng bêtông làm tắc dòng chảy thì chỉ có cơ quan chức năng mới làm rõ được.
Siêu máy bơm được đánh giá chống ngập thành công sau hơn chục lần chạy thử nghiệm. |
Nhiều chuyên gia cho rằng chống ngập bằng máy bơm là không khả thi do thiết kế máy bơm không đúng quy chuẩn, máy bơm công suất lớn hút mạnh sẽ gây vỡ ống cống... Ông nói gì về điều này?
Việc chống ngập bằng máy bơm được nhiều nước áp dụng như: Indonesia, Singapore, Malaysia và thậm chí Hà Lan - nơi có cốt nền thấp hơn mực nước biển một mét, nên không thể nói giải pháp này không khả thi.
Do cốt nền của thành phố thấp, phải chia thành từng lưu vực để chống ngập cục bộ, rồi đẩy nước ra ngoài sông, sau đó ra biển. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, hy vọng sẽ đóng góp một công nghệ chống ngập cho thành phố.
Có thể nói giải pháp này hiệu quả và rẻ nhất hiện nay. Nó sẽ giải quyết bài toán ngập cho TP.HCM trong vòng 10-15 năm mà vẫn giữ nguyên được hạ tầng, không bị xáo trộn. Khi ngân sách thành phố nhiều hơn có thể nghĩ đến công nghệ khác.
Về ý kiến lo ngại máy bơm công suất lớn hút mạnh sẽ gây vỡ ống cống, tạo ra các hố tử thần, hay thiết kế công trình không đúng tiêu chuẩn... chúng tôi khẳng định không thiết kế công trình mà chỉ tận dụng hệ thống cống có sẵn của thành phố để đặt hệ thống bơm. Qua hàng chục lần hoạt động thành công, chưa thấy dấu hiệu nào về các vấn đề này cả.
Chúng ta phải nhìn vào thực tế rằng, đã có người dân vì ngập không nhìn thấy đường mà gặp tai nạn, một số trường hợp tử vong do ngã xuống cống... Trong khi đó, nhiều công trình được chuyên gia tư vấn cho thành phố với mức đầu tư hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng không mang lại hiệu quả nhưng chưa có tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm. Còn tôi cam kết "nếu đường Nguyễn Hữu Cảnh không hết ngập, không lấy tiền". Như vậy, thành phố chỉ phải trả tiền khi hiệu quả, hoàn toàn không lãng phí.
Hiện, thành phố có gần 100 điểm ngập trải đều từ quận 1 đến 12, nếu không có giải pháp nào hiệu quả hơn máy bơm thì mong các chuyên gia ủng hộ chúng tôi chống ngập cho thành phố như Hà Lan đang thực hiện.
Không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này, căn cứ nào để ông cho rằng dùng máy bơm chống ngập cho TP.HCM là hiệu quả nhất?
Theo tài liệu của Ngân hàng thế giới (WB), cốt nền của thành phố mỗi năm lún 1-3cm, tỷ lệ nghịch với mực nước biển dâng, nên hơn 60% diện tích bị ảnh hưởng do triều cường.
Các điểm ngập đều có cốt nền dưới 1,5m trong khi đỉnh triều là 1,65-1,68m. Để có hệ thống thoát nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng thì phải có độ dốc thủy lực 0,1-0,3%, nghĩa là cứ 1.000m cống thì độ dốc thủy lực 1-3m.
Ông Nguyễn Tăng Cường. |
Hiện, một số chuyên gia tư vấn thành phố nên nâng đường và thay cống lớn tại các điểm ngập trũng. Cách này sẽ không hiệu quả và gây lãng phí. Bởi nếu nâng đường từ cốt nền 1,5 m lên 2m thì nhà dân sẽ bị biến thành ao do thấp hơn mặt đường 50-80cm. Nếu thay cống thật lớn (2x2m) thì độ dốc thủy lực chỉ đạt 0,3-0,4m, tức 1/3 độ dốc tối thiểu so với tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng.
Với độ dốc này, khi có triều cường kết hợp mưa lớn thì dù có nâng đường lên và thay cống lớn vẫn bị ngập nặng, giống như ở đường Kinh Dương Vương, Nguyễn Văn Quá, Lê Văn Lương và kể cả đường Huỳnh Tấn Phát cũng sẽ vậy. Còn nếu để cốt nền như cũ mà thay cống lớn thì nước không thoát ra sông, mà ngược lại sông chảy vào cống gây ngập nặng hơn.
Thành phố tính đến phương án xây hồ điều tiết là rất tốt, song rất khó làm vì không còn quỹ đất. Giá đất đang từ 2 đến 300 triệu/m2 thì tiền đâu mà thành phố bồi thường.
Ông lý giải thế nào về việc ông đánh giá máy bơm của công ty hoạt động hiệu quả nhưng thành phố vẫn chưa ký hợp đồng thuê?
Trong hợp đồng ký kết hôm 19/4 có nội dung "sau 45 ngày thành phố phải đưa ra được giá thuê dịch vụ máy bơm" nhưng đến thời hạn quy định vẫn chưa có. Tuy nhiên, mỗi khi mưa lớn tôi vẫn cho vận hành máy bơm để hút nước chống ngập cho tuyến đường, chứ không lẽ không làm. Sau đó, tôi đồng ý gia hạn thêm một tháng, tức là đến ngày 4/7 thành phố sẽ chốt giá thuê.
Tôi đã nghiên cứu công trình này suốt một thời gian dài, đầu tư hơn 100 tỷ đồng và rất tự tin với hiệu quả chống ngập. Đây mới là kinh phí cho nghiên cứu, sản xuất máy bơm, còn từ ngày máy bơm đi vào vận hành, toàn bộ chi phí về nhân sự, nhiên liệu... chưa được thống kê cụ thể. Tất cả đều do công ty tôi bỏ ra, tôi chưa nhận một đồng nào của thành phố. Đây là tâm huyết của tôi, mong muốn được ứng dụng máy bơm để chống ngập cho thành phố.
Trong khi đó Trung tâm chống ngập, Sở Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư loay hoay suốt gần 2 năm vẫn chưa nghiên cứu được giá thuê dịch vụ, tôi cũng buồn. Tuy nhiên, tận đáy lòng tôi không quan tâm nhiều đến giá thuê đắt hay rẻ. Thậm chí thành phố không trả đồng nào, tôi cũng làm.
Việc chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh chưa được TP.HCM nghiệm thu, vì sao ông đề xuất lắp máy bơm chống ngập tiếp cho khu vực Tân Sơn Nhất và quận 12?
Đề xuất của tôi xuất phát từ quan điểm, người dân đã phải chịu khổ vì ngập trong nhiều năm qua, TP.HCM cần giải quyết cấp bách.
Trước khi đưa ra đề xuất chúng tôi đã khảo sát, nghiên cứu kỹ và khẳng định có thể làm hết ngập. Lần này, tôi vẫn tiếp tục cam kết "không hết ngập không lấy tiền", nghĩa là tôi đã đánh cược cả danh dự và tiền bạc của mình.
Theo VNE