Vòng Chung kết World Cup tiếp tục sôi động với những trận cầu hấp dẫn và khó đoán. Nhiều người lún sâu vào cá độ đỏ đen và bóng đá, những kẻ thua độ, say máu đỏ đen lần lượt ra hiệu cầm đồ, cho vay thế chấp chính vì thế thời điểm này cũng là dịp dịch vụ cầm đồ vào mùa…
Ghi nhận của PV, tại các khu vực có đông các cửa hàng cầm đồ trên địa bàn Hà Nội như khu vực đường Láng, Cầu Giấy, Xã Đàn, Khâm Thiên, Đê La Thành,… những ngày này luôn tấp nập người vào, kẻ ra. So với ngày thường, lượng khách đến cầm đồ mùa World Cup 2018 đã tăng gấp 3 – 4 lần. Nhiều cửa hàng thậm chí phải thuê gửi nhờ xe máy tại một bãi trông giữ xe vì cửa hàng không đủ chỗ.
Tài sản cầm cố tại đây chủ yếu là điện thoại, xe máy, máy tính xách tay,… Những vật dụng này có thể từ những thanh niên trẻ đam mê trò đỏ đen hay sinh viên học xa nhà.
Tại đây, nếu cầm cố để vay số tiền càng thấp thì lãi suất càng cao. Nếu chỉ vay từ 1 đến 2 triệu đồng thì lãi suất tất nhiên cao hơn khi cầm từ 5 đến 10 triệu đồng. Còn nếu vay trên 10 triệu đồng sẽ được ưu tiên giảm lãi suất thấp hơn nữa.
Chủ hiệu cầm đồ tên Dũng trên đường Láng chia sẻ, sau mấy ngày khởi tranh World Cup 2018 đã nhận hàng chục lượt cầm cố xe máy, điện thoại, máy tính xách tay. Đối với xe máy, cửa hàng chỉ nhận khi có đăng ký xe chính chủ. Số lượng tiền cầm cố tùy thuộc vào dòng xe số, xe tay ga hoặc phụ thuộc độ mới, đẹp của xe. Phí cầm cố mức trung bình từ 1.500 đồng/triệu/ngày đối với thời gian cầm cố 20 ngày trở lên; 2.000 đồng/triệu/ngày đối với thời gian cầm cố ngắn hạn dưới 20 ngày.
“Những ngày này cửa hàng tôi hiện đã chật cứng đồ khách đến cầm. Xe máy thì cửa hàng tôi không nhận thêm nổi nữa vì đã nhận quá nhiều.. với tỷ lệ tiền cầm cố dao động từ 50-80% giá trị tài sản tùy thuộc dòng xe, thời gian đã sử dụng. Khách chủ yếu là nam thanh niên chơi cá độ, đánh bạc bóng đá với thời gian cầm cố ít ngày”, anh Dũng cho biết.
Theo chia sẻ của anh Phong, một chủ tiệm cầm đồ trên đường Trần Cung, Hà Nội, những ngày qua, số lượng khách là sinh viên mê cá độ bóng đá tìm đến tiệm để cắm máy tính, điện thoại, xe đạp không ít. Số tiền vay của các khách dạng này thường dao động ở 10 – 15 triệu đồng, để nhận mức lãi ngày thấp, từ 5.000 – 7.000 đồng/ngày.
Cũng theo chủ tiệm, khi không còn laptop hay điện thoại, máy ảnh để cầm cố, nhiều sinh viên bí tiền cũng cắm cả giấy tờ tùy thân, trong đó, có cả thẻ sinh viên để lấy vài trăm nghìn đồng.
Anh Phong cho biết, thực tế cho thấy, sau các mùa giải bóng đá, chỉ có khoảng một nửa con bạc sinh viên có thể đến chuộc lại đồ. Đặc biệt, sinh viên mê cá độ có thể "bùng" tiền vay nợ bằng cách bỏ lại thẻ hoặc cầm cố bằng thẻ của người khác. Vì thế, vào các đợt cao điểm quá tải lượng khách cầm cố tài sản như World Cup, thì những giấy tờ tùy thân hay thẻ sinh viên chỉ được vay với mức thấp, khoảng vài trăm nghìn đồng.
Một số chủ cửa hàng tiết lộ, hầu hết các con bạc mang tài sản đi “cầm” là đang khát tiền. Nắm được tâm lý này, càng vào sâu trong mùa World Cup, các chủ tiệm cầm đồ đồng loạt làm “chảnh”, “hét” lãi suất cao ngất ngưởng, hạ giá tài sản cầm cố buộc con bạc phải đồng ý.
Để tăng thêm thu nhập trong thời gian ngắn, các chủ tiệm tiếp tục ra hạn thời gian cầm cố trong vòng vài ngày tới 1 tháng. Nếu không có tiền “cứu”, khách hàng chấp nhận bán rẻ tài sản cho chủ tiệm để có tiền thanh toán tiền vay và lãi suất.
Qua tìm hiểu, do lượng khách cầm đồ quá đông, một số cửa hàng còn áp dụng "chiêu bài" tăng lãi suất. Theo đó, trước thời điểm World Cup 2018, nếu khách cầm tài sản để vay dưới 3 triệu đồng phải chịu lãi suất 3000đ/1triệu/ngày, nếu vay hơn 3 triệu đồng số lãi sẽ được giảm còn 2000đ/1triệu/ngày. Nhưng trong thời gian này khách cầm tài sản để vay số tiền dưới 3 triệu đồng phải chịu lãi suất 4000đ/1triệu/ngày. Với tài sản có giá trị mới được vay số tiền từ 5 triệu đồng trở lên và khách hành sẽ phải trả 3000đ/1triệu/ngày.
Dù mới bước qua vòng bảng của mùa World Cup 2018, nhưng với những diễn biến bất ngờ khi nhiều đội được đánh giá yếu hơn lại liên tục thắng, thì việc những khách hàng mê trò “đỏ đen” phải ê chề chấp nhận mất tài sản vì không có tiền để chuộc sẽ rất phổ biến.
Không chỉ tăng lãi suất, hầu hết nơi này cũng áp dụng chiêu “ép giá” trả thấp hơn nhiều so với thị trường, hoặc chỉ nhận điện thoại smartphone có giá trị cao, xe máy đời mới để dễ thanh lý khi khách không đến chuộc đồ đúng hẹn.
Bị thua cá độ sau một số trận đấu của vòng bảng, bí tiền, anh Vỹ (40 tuổi, kinh doanh nhỏ ở Hà Nội) cho biết, anh đã phải cầm cố chiếc xe máy có giá gần 60 triệu đồng để lấy 30 triệu đồng tiền mặt. Đến nay vẫn chưa có tiền lấy xe mà tiền lãi mỗi ngày một tăng cao.
Theo anh Vỹ, các cửa hàng cầm đồ luôn nắm đằng chuôi, cầm với giá có lợi để nếu khách không quay lại thì thanh lý đồ vẫn có lãi. Còn đối với các con bạc, khi đã cầm đồ cá độ thì thường ham, chưa trả được nợ cũ đã cầm thêm nên lãi mẹ đẻ lãi con, cuối cùng không thể trả nổi.
“Dù có trốn nợ cũng bị tìm ra, không có tiền trả thì người nhà phải trả bằng được. Thế nên sau mỗi mùa bóng, dân mê cá độ thường khuynh gia bại sản, nợ nần đầm đìa”, anh Vỹ chia sẻ.
Theo VietQ