Đảo quốc nhỏ bé ở Thái Bình Dương chống lại người khổng lồ Trung Quốc

Thứ tư, 12/09/2018, 15:21
Quần đảo Paula từ chối cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan dù bị Trung Quốc gây áp lực, chấp nhận ngành du lịch chịu suy thoái lớn.

Palau gồm hơn 500 đảo nhỏ, nằm ở Tây Bắc Thái Bình Dương, vây quanh là Philippines, Guam, Indonesia và Papua New Guinea. Ảnh: Guardian.

Mặc áo phông Hawaii, tay cầm cốc trà đá, Ongerung Kambes Kesolei ngồi ở một quán bar nhìn ra bể bơi khách sạn vào một chiều chủ nhật yên ả. Trên đầu ông, vài cái quạt khẽ đung đưa, thổi không khí ẩm mát từ biển vào, theo Guardian.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ ở Paula đều yên tĩnh như khung cảnh ấy. Đảo quốc nhỏ bé trông như dấu chấm trên bản đồ góc Tây Bắc Thái Bình Dương, với dân số vẻn vẹn hơn 20.000. Theo Kesolei, hòn đảo quê hương đang nằm giữa tâm điểm của trận đấu địa chính trị với một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.

"Họ (Trung Quốc) muốn làm suy giảm ảnh hưởng của (lãnh đạo Đài Loan) Thái Anh Văn và đó là trận đấu mà Palau đang ở giữa", Kesolei, biên tập viên của một trong hai tờ báo chính tại Palau nhận định.

Palau là một trong số 17 quốc gia từ chối cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang Trung Quốc. Quần đảo này nằm dưới sự quản lý của Mỹ tới khi giành độc lập năm 1994 và công nhận quan hệ ngoại giao với Đài Loan năm 1999. Vài năm sau, đảo quốc này trở thành "con cưng" của cả Bắc Kinh lẫn chính quyền Đài Loan.

"Người Palau nào cũng có chuyện để kể về Đài Loan, như từng du lịch đến đó, hay đi du học, hoặc đi chữa bệnh", Kesolei nói về tình hữu nghị bền chặt 20 năm giữa Palau và Đài Loan.

Tuy nhiên, các đồng minh của Đài Loan đang dần ít đi vì Trung Quốc gây áp lực buộc Đài Loan phải thừa nhận chính sách một Trung Quốc. El Salvador đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào tháng trước, còn Burkina Faso và Cộng hòa Dominica đã cắt đứt quan hệ hồi đầu năm nay.

Những quốc gia tiếp tục công nhận Đài Loan - đặc biệt là 6 đồng minh của Đài Loan tại Thái Bình Dương, nơi Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng, cảm thấy vô cùng áp lực.

Đối với hòn đảo Palau nhỏ bé, nơi du lịch chiếm hơn 42% GDP, áp lực này đến từ cái mà người dân địa phương gọi là "lệnh cấm của Trung Quốc". Tháng 11/2017, chính phủ Trung Quốc cấm các công ty du lịch bán tour đi Palau.

Leilani Reklai - chủ tịch hiệp hội du lịch Palau. Ảnh: Guardian.

Evan Rees, chuyên gia phân tích tình hình châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức Stratfor cho hay Bắc Kinh thường dùng những lệnh cấm như vậy làm lợi thế chính trị. Năm ngoái, chính quyền Trung Quốc cấm người dân tới Hàn Quốc du lịch sau khi Seoul cho phép triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Lệnh cấm ảnh hưởng nghiêm trọng tới du lịch Hàn Quốc suốt kỳ Thế vận hội mùa Đông PyeongChang.

Một doanh nhân Trung Quốc tại Palau cho hay từ khóa "Palau" bị chặn trên công cụ tìm kiếm của mạng Internet Trung Quốc. Tác động của lệnh cấm với Palau rất rõ ràng. Lượng khách du lịch Trung Quốc giảm mạnh tới nỗi một hàng hàng không đã dừng các chuyến bay thuê cho đoàn từ Trung Quốc tới Palau hồi cuối tháng 8 vì "chính phủ Trung Quốc coi Palau là điểm tới du lịch bất hợp pháp, nguyên nhân có thể do tình trạng ngoại giao".

Các nhà điều hành tour du lịch ở Palau và quan chức chính phủ nước này cho biết lệnh cấm khiến tỷ lệ lấp đầy khách sạn giảm hẳn, các ngành kinh doanh ở Palau bị tổn thương.

Trước lệnh cấm, lượng du khách Trung Quốc tới Palau đã tăng vọt từ 634 người năm 2008 - chiếm chưa đầy 1% tổng số khách du lịch tới Palau, lên hơn 91.000 người năm 2015 - chiếm 54% tổng lượng khách du lịch.

Tại Elilai - nhà hàng được quảng cáo là "tiệm ăn ngon nhất Palau" trên các biển hiệu treo khắp đảo, phóng viên Guardian là người duy nhất trong cửa tiệm có sức chứa 50 người.

Cô phục vụ Donita Rose Cagaoan-Tipay tỏ ra áy náy vì sự vắng vẻ này. Cô giải thích nhà hàng vắng khách do ảnh hưởng từ "lệnh cấm của Trung Quốc" và cũng chỉ biết đến thế.

"Tôi từng hỏi một người bạn lý do, anh ấy bảo đang có cuộc chiến giữa chính phủ Palau và Trung Quốc", Donita nói.

Nhà hàng ế ẩm khác hẳn cảnh tượng năm 2014 và 2015, khi các chuyến bay từ Trung Quốc hạ cánh mỗi ngày chở theo hàng trăm khách du lịch làm huyên náo cả hòn đảo.

"Họ (khách du lịch) chạy quanh thị trấn xem đất, mang tiền mặt trong vali và mua mọi thứ trong tầm mắt", Leilani Reklai, chủ tịch hiệp hội du lịch Palau cho biết.

Reklai từng sở hữu hai chiếc thuyền chở khách đoàn đến đảo Rock - điểm du lịch hấp dẫn nhất Palau. Khi đó, nhân viên của ông phải làm việc 7 ngày một tuần để căng sức phục vụ khách, mà chỉ riêng khách Trung Quốc đã chiếm tới 4 ngày một tuần trong mùa cao điểm.

"Một số người cảnh báo 'Đây là chiến lược của người Trung Quốc. Họ rót riền vào đây, làm cho chúng tôi như nghiện côca rồi sau đó tắt vòi bơm'. Nhưng tất nhiên là tiền mê hoặc hơn nên chẳng ai thèm nghe", ông nói.

Số lượng khách du lịch Trung Quốc tới Palau qua các năm.

Francis Toribiong, 70 tuổi, làm qua đủ việc trong ngành kinh doanh du lịch. Ông nhận định "mọi người dân Palau" đang bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Trung Quốc. Toribiong đã buộc phải bán một nhà nghỉ 25 giường nhưng đó chỉ là tổn thất nhẹ so với nhiều người.

"Có rất nhiều thanh niên tới ngân hàng vay hàng trăm nghìn đôla mua tàu thuyền. Giờ đây, nhu cầu thuê giảm nhiều tới nỗi nếu may mắn, họ chỉ đủ sức kiếm tiền mua nhiên liệu và trả lãi ngân hàng", ông nói.

Dù bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng hầu hết người dân Palau đều đồng ý với nhận định rằng du lịch bùng nổ không phải điều bền vững. Khi ngành du lịch phát triển tới đỉnh năm 2015, Palau đã đón tiếp 169.000 du khách. Hệ thống điện, nước và thu gom chất thải của hòn đảo bị quá tải. Lạm phát gia tăng, giá thực phẩm và thuê nhà tăng vọt.

"Giá cua tăng, giá cá tăng, giá nhà tăng, người dân phải tìm nơi khác sinh sống. Một số căn hộ trước tiền thuê chỉ 500 USD, nay tăng lên 1.200 USD. Thiếu phòng cho du lịch khiến người ta chuyển đổi nhà sang phòng khách sạn", Ngiraibelas Tmetuchl, chủ tịch Cơ quan Du lịch Palau cho biết.

Kevin Mesebeluu, người đứng đầu cơ quan du lịch Palau lại có cái nhìn lạc quan về lệnh cấm của Trung Quốc. Ông nhận định đây là cơ hội để đảo quốc này nhìn nhận lại cách tiếp cận du lịch.

"Tổng thống giờ rất rõ về hướng đi của đất nước. Đó là kinh doanh du lịch bền vững, giá trị cao, ảnh hưởng thấp", ông nói.

Thực tế, trước khi lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực, Palau đã bước vào con đường phát triển này. Năm 2015, Tổng thống Palau Tommy Remengesau tuyên bố cắt giảm số chuyến bay chở khách đoàn từ Trung Quốc sang Palau để khắc phục các vấn đề môi trường và xã hội.

Reklani đánh giá quyết định có hiệu lực tức thì này đồng nghĩa với việc giúp Palau thoát khỏi các vấn đề tài chính nghiêm trọng hơn có thể xảy ra. "Chúng tôi đã ra quyết định đúng lúc. Đất nước có thể trải qua cảnh tồi tệ hơn bây giờ", bà nói.

Sau khi Trung Quốc ban lệnh cấm, Tổng thống Remengesau tái khẳng định cam kết với Đài Loan, dù vẫn coi Trung Quốc là "đối tác quan trọng".

Tuy nhiên, một số quan chức Palau có quan điểm khác về ngoại giao. "Đây là khoảng thời gian chúng tôi tập trung lợi ích và quan điểm hướng về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa", Chủ tịch Thượng viện Palau Hokkons Baules phát biểu hồi tháng 7, trong lễ khởi công xây dựng một khu nghỉ mát do Trung Quốc rót vốn.

Tàu vắng khách neo đậu trên bến cảng ở Palau.

Câu hỏi về quan hệ ngoại giao với Trung Quốc hay Đài Loan sẽ trở thành yếu tố then chốt trong cuộc tranh cử Tổng thống Palau kỳ tới vào năm 2020. Tuy nhiên, Wallace Chow - đại diện cơ quan ngoại giao Đài Loan tại Palau cho hay không hề lo lắng về vấn đề này bởi mối quan hệ giữa hai bên rất "vững chãi".

Yếu tố góp phần tạo nên sự bền chặt này phải kể tới nguồn viện trợ 10 triệu USD mỗi năm mà Đài Loan cung cấp cho Palau. Quanh hòn đảo rải rác các dấu hiệu nhắc nhở về mối quan hệ giữa hai bên như biển báo các dự án đường bộ do Đài Loan tài trợ.

"Tôi rất tự tin. Người Palau biết chắc ai là đối tác thực sự và bánh mỳ bên nào nhiều bơ hơn", Chow nói.

Ngồi dưới những cánh quạt đang xoay chậm rãi, Kesolei cho biết khả năng chính phủ thay đổi quan hệ ngoại giao không lớn, bởi "nền văn hóa của chúng tôi rất coi trọng chữ trung với bạn bè".

Người dân Palau cũng thích hình ảnh đất nước nhỏ bé của mình đứng lên đối mặt một siêu cường.

"Một số người bạn trên mạng xã hội của tôi rất thích việc Palau trở thành tâm điểm dưới ánh đèn sân khấu khi đối mặt Trung Quốc. Một quốc gia nhỏ bé chống lại một đất nước đông dân nhất thế giới. Vài người bạn tôi nói: Nếu chúng ta có quyền quyết định, hãy là những người cuối cùng đứng cạnh đảo Đài Loan. Chúng ta sẽ gây ấn tượng bằng hình ảnh ở bên bằng hữu tới giây phút cuối cùng", Kesolei bày tỏ.

Theo VNE

Các tin cũ hơn