Vai trò đặc biệt của cử tri gốc Á trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ

Thứ sáu, 02/11/2018, 11:06
Chỉ chiếm một phần nhỏ dân số, cộng đồng người Mỹ gốc Á không thể tạo nên những thay đổi bước ngoặt trong nền chính trị quốc gia. Tuy nhiên, họ có thể tạo nên sự khác biệt quan trọng trong các cuộc bầu cử ở địa phương trong khuôn khổ cuộc bầu cử giữa kỳ đầu tháng 11 này.

Ảnh minh họa

Theo SCMP, hai chính đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đang bước vào một trong những cuộc bầu cử giữa kỳ đặc biệt nhất trong hàng chục năm qua và việc kêu gọi các cử tri đi bầu cử sẽ là nhiệm vụ rất quan trọng.

Chiếm 6% dân số Mỹ, cộng đồng gốc châu Á khó lòng tạo nên sự thay đổi lớn trong cục diện nền chính trị vào thời điểm hiện tại, nhưng họ lại có thể tạo nên sự khác biệt tại các cuộc bầu cử cấp địa phương.

Đơn cử như cuộc bầu cử tại Hạt 39 ở Nam California. Khu vực này trải dài qua một phần địa phận của các hạt Los Angeles, Orange và San Bernadino, với 30% dân số tại đây là người gốc Á. Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa tại khu vực, Ed Royce, sắp về hưu. Ứng viên cho ghế nghị sĩ bỏ trống là Gil Cisneros, đảng Dân chủ, cựu quân nhân Hải quân, người trở thành nhà từ thiện sau khi trúng số 266 triệu USD. Đối thủ của ông Cisneros là Young Kim, một nhà lập pháp cấp bang gốc Hàn, từng làm việc cho ông Royce.

Từng được coi là địa phương ủng hộ đảng Cộng hòa, nhưng hạt này đã bầu cho bà Hillary Clinton, ứng cử viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, hai ứng viên Cisneros và Kim đang có tỷ lệ ủng hộ ngang ngửa nhau với chênh lệch chỉ khoảng 1%.

Các cử tri Mỹ gốc Á trong lịch sử thường có xu hướng đi bầu nhằm ủng hộ các ứng viên Mỹ gốc Á, động thái được cho là góp phần làm gia tăng tiếng nói của cộng đồng trong bối cảnh họ không có nhiều lợi thế về nhân khẩu học. Chính vì vậy, ứng viên Cisneros đã thường xuyên tham gia vận động tranh cử với Hạ nghị sĩ Judy Chu của Hạt 27 ở California, một người Mỹ gốc Trung Quốc.

Cả hai ứng viên đều rất nỗ lực để thúc đẩy cử tri gốc Á đi bầu. Một trong những phương án họ sử dụng là vận động thông qua nền tảng nhắn tin Wechat, mạng xã hội bằng tiếng Trung.

Ông Allen Chen, phó giám đốc chính trị và giám đốc tiếp cận cử tri gốc châu Á-Thái Bình Dương của chiến dịch vận động của ông Cisneros cho biết, họ cử hai nhân viện vận động tham gia vào các nhóm WeChat thay mặt cho ông Cisneros. “Thay vì buộc người Mỹ gốc Hoa thích nghi với các hệ thống nhắn tin mà chúng tôi sử dụng trước đây, lần này chúng tôi tiếp cận với họ thông qua kênh của họ,” ông nói.

Thêm vào đó, ông Chen cho biết nhóm vận động tranh cử đã tài trợ cho các bài đăng trên WeChat thông qua một trang blog do World Journal, một tờ báo Hoa ngữ được di dân gốc Trung Quốc ở Bắc Mỹ ưa chuộng.

Ông Patrick Mocete, giám đốc chiến dịch vận động của bà Young Kim, cho biết ban vận động của bà Kim cũng rất tích cực trên Wechat với các nhân viên nói tiếng Trung và các tình nguyên viên ủng hộ bà Kim, người đang nhắm tới mục tiêu trở thành phụ nữ gốc Hàn đầu tiên vào Quốc hội Mỹ.

“Một phần ba dân số của hạt là người gốc Á và phần đông trong số đó là người gốc Hoa và bà Kim có lý khi muốn tác động vào cộng đồng này”, ông Mocete nói.

Thêm vào đó, chiến dịch của ông Cisneros nhận được sự hỗ trợ của một tổ chức người Mỹ gốc Á có quan điểm đối ngược với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tổ chức này giúp ông Cisneros tiếp cận các cử tri gốc Trung, Hàn Quốc với vốn tiếng Anh hạn chế bằng việc đặt các biển quảng cáo bằng tiếng mẹ đẻ của họ trên các phương tiện truyền thông nhằm lôi kéo nhóm cử tri này đi bỏ phiếu.

Ở mỗi địa hạt tại California, người Mỹ gốc Á chiếm một bộ phận đáng kể trong dân số. “Mỗi lá phiếu của họ đều quan trọng, và thắng hay thua những hạt này có thể được quyết định chỉ bởi vài trăm phiếu,” Vincent Pan, một thành viên của AAAT nói.

Chiến lược vận động

Hai ứng viên Gil Cisneros và Young Kim (Ảnh: ABC)

Trên khắp nước Mỹ, các nhóm dân sự và cộng đồng tương tự như AAAT, đang nỗ lực trong nhiều năm qua nhằm kêu gọi sự tham gia của nhóm cử tri gốc Á vào chính trường Mỹ. Một ví dụ có thể kể tới là Câu lạc bộ Dân chủ người Mỹ gốc Á (AADC) bao gồm chủ yếu là người gốc Hoa tham gia do bà Ling Luo, một nữ doanh nhân gốc Hoa ở Texas, thành lập vào năm 2016. AADC có nhiệm điều phối các hoạt động của các cử tri đảng Dân chủ gốc Hoa.

Monica Chen, một thành viên phụ trách hoạt động của AADC ở California, nói rằng tổ chức này đang làm việc với chiến dịch tranh cử của ông Cisneros. Họ chọn ra 10.000 cử tri nói tiếng Hoa và tiếp cận, thuyết phục họ bầu cho ông Cisneros.

AADC hiện có 2.000 thành viên. Ngoài các thông điệp chính phát ra trên các nhóm Wechat, họ cũng tổ chức các hoạt động bên ngoài như vận động gây quỹ cho các ứng viên Dân chủ và gọi điện để thúc đẩy cử tri gốc Hoa đi bầu.

Bà Lou cho biết AADC luôn muốn kéo mọi người ra khỏi WeChat vì lo ngại rằng chiến lược vận động của họ sẽ bị những người ủng hộ ông Trump “trà trộn” trong các nhóm trò chuyện thu thập được.

Người Mỹ gốc Á là nhóm thiểu số tăng trưởng nhanh nhất ở Mỹ, theo các dữ liệu thống kê. Tuy nhiên, quyền lực chính trị tiềm năng của cộng đồng này khá thấp do truyền thống ít đi bầu cử. Trong cuộc bầu cử năm 2016, chỉ có 49% người Mỹ gốc Á đi bầu cử, trong khi 65,3% người da trắng không phải gốc Mỹ Latinh và 59,6% cử tri Mỹ gốc Phi đã đi bỏ phiếu.

Theo giáo sư Janelle Wong tại đại học Maryland, tỉ lệ đi bầu thấp đồng nghĩa với việc người gốc Á không được đại diện đầy đủ trong cơ quan quyền lực Mỹ và các đảng phái chính trị dường như cũng bỏ quên cộng đồng này khi đi vận động bầu cử.

Theo dữ liệu của tổ chức thống kê AAPI Data (Mỹ), có 27 quận hạt bầu cử trên khắp nước Mỹ mà người gốc Á chiếm hơn 8% dân số. Trong một cuộc đua gay cấn, số phiếu từ nhóm cử tri này đủ để thay đổi kết quả bầu cử.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn