Lý do sự kiện này thu hút sự chú ý của thế giới xuất phát từ tác động của nó đối với sự cạnh tranh dân chủ của Mỹ trên toàn cầu, chủ nghĩa dân túy và dân tộc trên thế giới cũng như cung cấp những manh mối về "độ bền" của chính quyền Trump và các chính sách đối ngoại của ông.
Về vấn đề dân chủ Mỹ, các đồng minh của Washington từng lo ngại mô hình mà Mỹ áp dụng hiện tại đang mất dần đi lực kéo, vô tình tạo điều kiện giúp Trung Quốc quảng bá mô hình của họ như một giải pháp thay thế khả thi cho các nước phát triển và đang phát triển.
Cả thế giới đang dõi theo cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ. (Ảnh: Reuters) |
Giống như những gì mà cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống George W. Bush, Stephen Hadley nói với CNN: “Nếu bạn lo lắng về Mỹ, chúng tôi có rất nhiều công cụ để thực thi các chính sách đối ngoại thành công và cung cấp sự thịnh vượng và an ninh cho người dân chúng tôi. Nhưng thương hiệu Mỹ không còn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trên toàn thế giới. Có lý do để mọi người đang nhìn nhận nghiêm túc về mô hình của Trung Quốc, đó là chúng ta làm chưa tốt".
Theo ông này, chính trị Mỹ đang ngày càng bị méo mó vì phân cực. Điều này khiến chính quyền không thể đưa ra các biện pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề cốt lõi.
"Nền kinh tế của chúng ta vẫn chưa tạo ra một sự tăng trưởng toàn diện bền vững. Chính trị của chúng ta đang bị rạn nứt. Có một danh sách dài các vấn đề xã hội, ngân sách, các khoản thanh toán, cải cách nhập cư vốn đã tồn tại nhiều năm qua mà vẫn chưa tìm ra được đường hướng giải quyết", ông Hadley phân tích.
Thứ hai, cả đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ sẽ nhìn nhận kết quả cuộc bầu cử tới đây như một gợi ý về tương lai 2 năm tại nhiệm còn lại của Tổng thống Trump cũng như khả năng tranh cử của ông trong nhiệm kỳ kế tiếp. Điều này sẽ ảnh hướng tới việc họ có ngay lập tức tham gia cùng Mỹ hay "chờ đợi” trước khi đưa ra quyết định về các vấn đề gây tranh cãi hiện nay như việc Mỹ trừng phạt Iran, các cuộc đàm phán với Triều Tiên, các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga và một loạt các xung đột thương mại từ Trung Quốc tới châu Âu.
CNBC nhận định, cuộc bầu cử không chỉ là cuộc trưng cầu dân ý về 2 năm đầu tiên của Tổng thống Trump trong văn phòng mà còn là về đường lối chính trị dân túy mà ông đại diện. Nó không chỉ xoay quanh nhà lãnh đạo Mỹ mà còn tạo ra môi trường chính trị và gây ảnh hưởng xã hội rộng lớn lên toàn cầu.
Chính sách ”nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump phần nào đã truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo có cùng chí hướng. Ở châu Âu, các nhà lãnh đạo mang phong cách Trump tập trung vào vấn đề chống nhập cư trong khi ở Mỹ La Tinh, nó xoay quanh các vấn đề chống tham nhũng. Nhưng ở cả 2 lục địa, các ứng viên nói rằng họ được truyền cảm hứng từ ông chủ Nhà Trắng.
Chỉ còn hơn 1 ngày nữa nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ, người Mỹ đang rất quan tâm liệu đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump có đánh mất quyền kiểm soát hiện tại ở lưỡng viện về tay đảng Dân chủ hay không cũng như tác động của sự kiện quan trọng này đối với những năm tháng còn lại trong nhiệm kỳ của ông Trump.
Trong khi đó, tương lai chính trị toàn cầu được dự đoán cũng sẽ có những thay đổi khó lường nếu đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump không có được kết quả có lợi trong ngày 6/11 tới.
Theo VTC