Thế kẹt BOT của Bộ GTVT

Thứ hai, 05/11/2018, 09:54
Nhiều dự án BOT đang bị treo lại hàng năm nay, nhà đầu tư hết kêu khóc kể khổ đến dọa trả dự án trong khi bộ chủ quản vẫn lần khân đưa ra phương án xử lý.

BOT Cai Lậy, hầm Hải Vân... là những dự án Bộ GTVT chưa đưa ra được phương án xử lý

Doanh nghiệp há miệng mắc quai

Sự dễ dãi của cơ quan có thẩm quyền và cơ chế, chính sách BOT lỏng lẻo giai đoạn trước đã để lọt hàng loạt dự án có vấn đề từ khâu lập dự án, vị trí trạm đến phương án tài chính như đường một nơi trạm một nẻo, nhiều tuyến đường sửa chữa qua loa cũng thu phí...

Rõ ràng các dự án BOT bị người dân phản ứng phải ngừng thu hoặc phải thay đổi phương án tài chính như BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, BOT tuyến tránh Cai Lậy (Tiền Giang), BOT Tân Đệ (Thái Bình)... đều có vấn đề trong hợp đồng ký kết ban đầu.

"Bộ GTVT đang không có quyết sách cần thiết của một bộ chủ quản, khiến giải pháp cho BOT càng trở nên bế tắc".

Luật sư Trương Thanh Đức

Về mặt pháp lý, các hợp đồng này đều có sự đồng thuận 3 bên giữa nhà đầu tư - Bộ GTVT - địa phương. Nếu sai sót, về nguyên tắc cả 3 bên đều phải chịu trách nhiệm và chịu rủi ro như nhau. Nhưng khi hợp đồng bị phá vỡ như hiện nay, dường như chỉ nhà đầu tư sai và chịu trận, trong khi cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm rà soát, thẩm định dự án lại đang “vô can”.

Tai tiếng nhất là BOT Cai Lậy (Tiền Giang), chính thức thu phí từ 1.8.2017 nhưng lập tức phải ngừng thu sau đó vào 15.8.2017 khi tài xế phản ứng dữ dội việc không đi ki lô mét tuyến tránh nào cũng bị thu phí.

Cai Lậy sau đó thành tâm bão khi tái khởi động việc thu phí vào tháng 11.2017, đã tiếp tục bị phản đối quyết liệt, buộc phải đóng, xả trạm liên tục. Đến ngày 4.12.2017, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định tạm dừng việc thu phí trong 1 - 2 tháng và yêu cầu Bộ GTVT báo cáo toàn diện cũng như đề xuất phương án giải quyết với Trạm thu phí BOT Cai Lậy. Nhà đầu tư BOT Cai Lậy cho biết, mỗi tháng phải trả 9,6 tỉ đồng tiền lãi ngân hàng, chưa tính vài trăm triệu chi phí lương nhân viên, vận hành.

Thế nhưng đến nay đã hơn 10 tháng, số phận BOT Cai Lậy vẫn tiếp tục treo lại. UBND tỉnh Tiền Giang đã đề xuất phương án đặt thêm trạm thu phí trên tuyến tránh và thực hiện thu phí đồng thời cả 2 trạm để tạo công bằng. Nhưng Bộ GTVT vẫn “đang tiếp tục tính toán” giữa 2 phương án và chưa cho biết khi nào đưa ra kết luận cuối cùng cho Cai Lậy.

Chung số phận với Cai Lậy, nhà đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho biết, chưa tính số tiền hoàn vốn, các khoản chi bắt buộc trong hơn một năm qua của dự án đã lên tới 370,5 tỉ đồng, trong khi doanh thu thu phí chỉ được 16 tỉ đồng. Khó khăn này xuất phát từ việc doanh nghiệp (DN) không được thu phí tại 2 trạm như đúng hợp đồng BOT ký với Bộ GTVT. Dù Thủ tướng đã có chỉ đạo thống nhất phương án thu phí để hoàn vốn như dự án Thái Nguyên - Chợ Mới (tháng 6.2018), nhưng 4 tháng trôi qua Bộ GTVT đang... tính toán, cân đối 2 phương án.

Nhiều dự án bị “treo” hơn 1 năm qua do những sai lầm khi lập dự án giữa nhà đầu tư, Bộ GTVT và địa phương như BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, BOT Cai Lậy (ảnh dưới)

Liên danh nhà đầu tư dự án Thái Nguyên - Chợ Mới đã gửi đơn “kêu cứu” khắp nơi hơn một năm qua, thậm chí dọa trả lại dự án. Mới đây, công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cũng đã kêu cứu và dọa đóng cửa hầm Hải Vân do việc chậm trễ giải quyết tồn đọng của Bộ GTVT. Theo DN này, do buộc phải tuân thủ quy định hiện hành (Thông tư 35/2016) nên từ khi hầm Đèo Cả thu phí (tháng 9.2017) đến nay, nhà đầu tư vẫn phải áp dụng mức phí thấp hơn so với mức giá trong phương án tài chính đã được Bộ GTVT phê duyệt, khiến phương án tài chính của dự án không được đảm bảo. Dự án này đang thâm hụt nguồn thu khoảng 65,7 tỉ đồng, bình quân mỗi tháng 7,3 tỉ đồng.

Bộ GTVT lúng túng, né tránh

Dù BOT vẫn rất nóng và cấp bách, nhưng từ được trả lời nhiều nhất của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khi đại biểu chất vấn về BOT tại diễn đàn Quốc hội vẫn là “đang xem xét”, “sẽ báo cáo”.

Theo một nhà đầu tư BOT, một số dự án BOT giao thông được thực hiện giai đoạn trước khi có Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 (tháng 10.2017), Bộ GTVT đã ký kết hợp đồng với các nhà đầu tư và DN dự án theo các điều khoản cam kết. Nhưng Bộ GTVT chưa cho phép thu phí hoàn vốn hoặc chỉ cho thu phí một phần, không đúng như cam kết hợp đồng, có những dự án đã kéo dài gần 2 năm như Thái Nguyên - Chợ Mới, Cai Lậy...

“Càng kéo dài càng làm tăng chi phí đầu tư, thất thoát nguồn vốn của nhà nước chi trả cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến uy tín, giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào các dự án BOT”, nhà đầu tư này chia sẻ.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico: “Cái sai ban đầu của BOT từ nhiệm kỳ trước, nhưng cái sai sau khi để mâu thuẫn BOT kéo dài, không giải quyết được thì không thể chấp nhận. Các dự án BOT sai bị phản ứng có thể dừng một thời gian để xem xét, nhưng không thể ngừng vô thời hạn như hiện nay, phủi bỏ mọi rủi ro cho nhà đầu tư chịu”.

Quả bóng trách nhiệm xử lý các dự án BOT cụ thể vốn thuộc về người đứng đầu Bộ GTVT lại được đá lên Chính phủ rất nhiều lần. “Hơn một năm nay, Bộ GTVT hoàn toàn lúng túng, không có giải pháp dứt điểm để xử lý các dự án đang gặp tồn tại, vướng mắc. Có cảm giác ai sai Bộ cũng không có vấn đề gì, chỉ khi nhà nước nhắc, nhà đầu tư kêu, người dân phản ứng thì mới giật mình. Bộ GTVT đang không có quyết sách cần thiết của một bộ chủ quản, khiến giải pháp cho BOT càng trở nên bế tắc”, ông Đức cho hay.

Cũng theo luật sư này, BOT là vấn đề cấp bách, cần có cơ chế ưu tiên hàng đầu để xử lý trọn vẹn, dứt khoát, dù không thể hài hòa được tất cả các bên nhưng vẫn phải thực hiện, không thể né tránh như hiện nay.

“BOT là hợp đồng kinh tế giữa nhà nước, mà Bộ GTVT là đại diện, và nhà đầu tư, việc phá vỡ hợp đồng bằng mệnh lệnh hành chính như hiện nay sẽ tạo tiền lệ xấu gây mất lòng tin cho các nhà đầu tư, cộng thêm rủi ro cho xã hội, không chỉ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư trong tương lai của ngành giao thông mà cả các lĩnh vực kinh tế khác. Dự án tồn đọng hàng năm không giải quyết được thì rõ ràng bộ máy hành chính trì trệ”, theo luật sư Trương Thanh Đức.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích