Tuyến metro số 1 TP.HCM: Gàu múc đất hiện có chỉ thi công được 1,5m

Thứ tư, 26/12/2018, 09:05
Muốn làm tường vây có độ dày 2m thì gàu múc đất phải có kích thước tương ứng mới làm được, trong khi các gàu ở Việt Nam, kể cả của công ty Bachy Soletanche (Pháp) tối đa chỉ 1,5m nên việc điều chỉnh sẽ tạo thuận lợi cho công ty Bachy Soletanche trong việc thi công.

Gói thầu số 2 dự án tuyến metro số 1. Nhiều nhà thầu đã hết hạn hợp đồng nhưng vẫn phải thi công và không được thanh toán

Trao đổi với PV chiều 25/12, một chuyên gia (đề nghị không nêu tên) có học vị tiến sỹ, từng có hơn 20 năm kinh nghiệm về thi công công trình ngầm ở nước ngoài đang tham gia thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 cho biết tường vây nhà ga dày 2m được xây ở độ sâu tối đa là 60m. Việc xây dựng tường vây giống như đào rãnh nước, phải thi công bằng gàu cạp đất.

Muốn tường vây dày 2m thì gàu phải có kích thước tương ứng là 2m mới cạp đất được. Trong khi đó, các gàu ở Việt Nam kích thước tối đa chỉ 1,5m, kể cả công ty Bachy Soletanche (Pháp) cũng chỉ có gàu 1,5m. Việc thay đổi độ dày tường vây từ 2m xuống còn 1,5m sẽ thuận lợi cho nhà thầu thi công vì không cần phải đưa gàu từ nước ngoài sang.

Chuyên gia này cho biết muốn thay đổi độ dày tường vây phải thay đổi điều kiện đầu vào mới làm được. Về mặt kỹ thuật, khi tường vây mỏng hơn thì độ biến dạng của tường vây sẽ lớn hơn, dẫn đến độ lún, độ võng của nền đất và của các công trình lân cận sẽ lớn hơn. Nói cách khác là giảm độ an toàn của nhà ga và các công trình xung quanh. “Tường vây là bức tường nằm xung quanh chu vi nhà ga. Làm tường vây trong lòng đất bao quanh nhà ga thì phải theo nguyên tắc đào - chống, đào tới đâu chống tới đó. Tường vây mỏng thì mặt đất xung quanh sẽ bị “phình” ra dưới tác động của áp lực. Dưới phình ra thì phía trên lún xuống”, chuyên gia này giải thích.

Cũng theo vị chuyên gia, ban đầu, tiêu chí kỹ thuật đặt ra là nền đất, các công trình lân cận chỉ được biến dạng tối đa 20mm. Việc giảm độ dày tường vây đã chấp nhận độ biến dạng lớn hơn 1,5 lần, lên tới 30mm. Công trình thực hiện theo phương thức đấu thầu, việc thay đổi này là khá nhạy cảm và khó hiểu vì lúc đấu thầu là thực hiện theo tiêu chí ban đầu, lựa chọn nhà thầu phụ cũng theo các tiêu chí ban đầu.

“Hiện nay trong nội bộ các nhà thầu đang có một số dư luận cho rằng ông Lê Nguyễn Minh Quang ưu ái cho công ty Bachy Soletanche (gọi tắt công ty Bachy) bởi nếu không điều chỉnh độ dày tường vây, cần có gàu 2m thi công thì công ty Bachy không đáp ứng được”, chuyên gia này cho hay.

Công ty Bachy chuyên thi công tường vây cho các công trình ngầm và là nhà thầu thi công hạng mục nhà ga Nhà hát thành phố và làm tường vây cho gói thầu 1b dưới giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ. Trước khi được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM (ĐSĐT), ông Lê Nguyễn Minh Quang là Tổng Giám đốc công ty Bachy.

Chuyên gia cho rằng, việc giảm độ dày tường vây tuy có thể tiết kiệm chi phí nhưng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, độ an toàn, tuổi thọ của nhà ga và các công trình xung quanh nên cần hết sức cân nhắc, đặc biệt là phải xem xét một cách nghiêm túc ai là người gánh chịu hậu quả, bởi nếu độ biến dạng lớn thì sau này phải tăng chi phí bảo trì công trình.

“Chủ đầu tư từng đặt hàng một đơn vị tư vấn thẩm tra việc thay đổi thiết kế. Đơn vị tư vấn này không đồng ý việc giảm độ dày tường vây và đưa ra nhiều quan ngại nhưng Ban ĐSĐT không sử dụng kết quả này mà thay bằng một nhà thầu tư vấn khác. Gói 1a thiết kế kỹ thuật có sẵn, chỉ thi công theo thiết kế, nếu thay đổi phải được cơ quan có chức năng, thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt theo trình tự và quy định của pháp luật vì ở đây là thay đổi điều kiện thầu”, chuyên gia này cho hay.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích