Anh toan tính gì khi xây dựng căn cứ quân sự ở Đông Nam Á?

Thứ sáu, 04/01/2019, 17:15
Một căn cứ quân sự của Anh ở Đông Nam Á sẽ phục vụ cho toan tính chiến lược của London và hứa hẹn sẽ mang về cho Anh những hợp đồng quân sự tiềm năng mới.

Khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tiết lộ trong tuần này này rằng London đang xem xét xây dựng căn cứ ở Đông Nam Á, các nhà phê bình đặt nghi vấn liệu Anh có đủ tiềm lực hay tầm nhìn chiến lược để thực hiện kế hoạch như vậy hay không.

Nhưng một số chuyên gia cho rằng Anh có thể đã tính toán kỹ lưỡng và chuẩn bị sẵn sàng đường đi nước bước trong một thời gian dài trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh đưa ra tuyên bố này.

“Đây là thời điểm để chúng tôi trở thành quốc gia có tầm hưởng trên toàn cầu lần nữa và tôi nghĩ rằng lực lượng vũ trang đóng vai trò quan trọng như là một phần của điều đó”, ông Williamson nói trong cuộc phỏng vấn với Telegraph.

Tàu đổ bộ HMS Albion. (Ảnh: UK Defence Journal)

Việc Anh tuyên bố xem xét xây căn cứ ở Đông Nam Á được giới phân tích nhìn nhận như một tuyên bố thách thức sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Động thái này chắc chắn sẽ phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa London và Bắc Kinh vốn đã tăng nhiệt đáng kể sau vụ Anh điều tàu đổ bộ HMS Albion đi qua quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi tháng 8.

Việc HMS Albion đi qua khu vực tranh chấp trên Biển Đông được cho là hưởng ứng lời kêu gọi đồng minh thực hiện chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ tại vùng biển này. Vì vậy, nếu Anh xây dựng căn cứ ở Đông Nam Á chắc chắc sẽ nhận được sự đồng thuận từ Washington, theo CNN.

“Đó là bước đi bổ sung cho chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington và Mỹ sẽ hài lòng”, Ni Lexiong, chuyên gia hải quân tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải nói với SCMP.

Bên cạnh ý nghĩa chiến lược, một căn cứ ở Đông Nam Á chắc chắn sẽ mang lại ý nghĩa kinh tế lớn đối với Anh.

Theo CNN, một căn cứ mới sẽ đóng vai trò như một “phòng trưng bày” khí tài quân sự giúp Anh tiếp thị, quảng bá thiết bị của mình. Và nếu các thỏa thuận vũ khí được tạo ra từ đây, nó sẽ tạo ra một cú hích lớn cho kinh tế Anh thời hậu Brexit.

Nếu Anh kéo khí tài về căn cứ ở Đông Nam Á, chắc chắn sẽ không thể thiếu sự xuất hiện của tàu hộ vệ. Điều đáng nói là Trung Quốc hiện là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Anh trong thị trường xuất khẩu tàu hộ vệ. Vì vậy, tàu Anh khi được chuyển về căn cứ cách không xa Trung Quốc sẽ giúp London nâng cao khả năng cạnh tranh thị phần với Bắc Kinh. 

Tàu hậu vệ HMS Argyll của Anh (giữa) tham gia vào cuộc tập trận Bersama Lima 2018. (Ảnh: CNN)

Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, thị trường vũ khí đang mở rộng ra châu Á, châu Đại dương và thu hẹp ở châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng Indonesia là khách hàng mua sắm vũ khí lớn thứ 3 của Anh thứ 3 sau Ả-rập Xê-út và Ô-man.

Trong một bài phát biểu tại Australia năm 2017, Ngoại trưởng Anh khi đó là Boris Johnson cho biết hải quân nước này sẽ gửi tàu sân bay HMS Elizabeth và một con tàu khác đang được đóng mới là HMS Prince of Wales tới Biển Đông. Một căn cứ ở Đông Nam Á là nơi neo đậu cho các tàu chiến này sẽ giúp cho kế hoạch trên trở nên thuận lợi hơn.

Nhưng nếu Anh thực sự tính tới chuyện xây căn cứ ở Đông Nam Á, các nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh sẽ có phản ứng dữ dội.

Khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gặp người đồng cấp Jeremy Hunt tại Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2018 không lâu sau vụ Anh điều tàu chiến đi qua Hoàng Sa, ông Vương đã thúc giục Anh không nên ngả về bên nào trong vấn đề Biển Đông.

Ông Hunt trong khi đó đảm bảo London sẽ không làm như vậy. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10/2018 với Financial Times, người đứng đầu Hải quân Hoàng gia Anh, Đô đốc Sir Philip Jones đề nghị hỗ trợ các đồng minh của Anh ở Châu Á Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định London sẽ chống lại các hành vi đi ngược lại với luật pháp hàng hải quốc tế của Trung Quốc.

Theo VTC

Các tin cũ hơn