|
Đủ loại xe chen chúc nhau lưu thông chung làn đường |
Vụ xe container tông hàng loạt xe máy đang dừng đèn đỏ tại H.Bến Lức (Long An) vào chiều 2.1.2019 dấy lên nỗi lo lắng về hiện trạng giao thông ‘đủ loại xe chạy chung làn đường’.
Địa điểm xảy ra tai nạn, cách TP.HCM khoảng 20km, là một trong những ngã đường từ miền Tây hướng về TP.HCM.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, có 4 hướng giao thông chính từ các tỉnh lận cận đổ về TP.HCM, gồm: từ Đồng Nai lên theo tuyến xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1; từ Bình Dương lên theo hướng Quốc lộ 13 và Quốc lộ 1K; từ Tây Ninh xuống theo hướng Quốc lộ 22; từ các tỉnh miền Tây lên TP.HCM qua cửa ngỏ Long An có Quốc lộ 1 và Quốc lộ 50.
Các hướng giao thông này thường xuyên có mật độ lưu thông phương tiện rất cao với đủ loại xe: xe máy, xe ôtô con, xe tải và đặc biệt là xe container (gọi chung là xe ôtô)…
Tuy nhiên, chỉ có xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1 (đoạn từ cầu Đồng Nai đến vòng xoay An Lạc, H.Bình Chánh, TP.HCM), Quốc lộ 22 là có dải phân cách phân làn đường xe máy đi riêng, xe ô tô đi riêng.
Trong khi đó, Quốc lộ 13 và Quốc lộ 1K, Quốc lộ 50, đặc biệt là Quốc lộ 1 (đoạn từ vòng xoay An Lạc tiến về địa giới tỉnh Long An), và hầu hết các tuyến đường nhánh, giao lộ…, thì “đủ loại xe chạy chung làn đường”.
|
Đủ loại xe đi chung làn đường, trong trường hợp ôtô phía sau mất kiểm soát, thì rất dễ xảy ra tai nạn liên hoàn |
Riêng tại nội đô TP.HCM, theo thống kê của Sở GTVT, toàn địa bàn có hơn 4.000 tuyến đường với khoảng 5.000 giao lộ (chỉ tính các giao lộ mà ô tô lưu thông được). Trong hơn 4.000 tuyến đường này, tổng chiều dài khoảng 4.200km (đạt mật độ 2,05km/km², trong khi theo quy hoạch là 10 - 13,3 km/km²; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 8,89%, trong khi theo quy hoạch là 22,3%).
Trong khoảng 4.200 km đường giao thông hiện có của TP.HCM, mới chỉ có khoảng gần 200 km có bố trí làn đường dành riêng cho xe máy, làn đường dành riêng cho ô tô. Khoảng 4.000 km còn lại, đều lâm vào cảnh “đủ loại xe chạy chung làn đường”.
Trên thực tế, theo thống kê của Ban An toàn giao thông TP.HCM, nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra, do xe ô tô “lùa” xe máy khi đang cùng lưu thông chung làn đường.
Điển hình nhất là vụ xe BMW tông liên hoàn 5 xe máy đang dừng đèn đỏ ở ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh) khiến 1 người chết, 6 người bị thương, xảy ra vào khuya 21.10.2018.
Giao thông hỗn hợp… “nhức đầu lắm”
Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), để tránh thảm họa chết oan trên đường, về điều kiện hạ tầng giao thông, đòi hỏi tiên quyết đặt ra là phải có làn đường dành riêng cho xe máy.
“Giao thông hỗn hợp (đủ loại xe chạy chung làn đường) nhức đầu lắm. Nó vừa gây ùn tắc, kẹt xe mà đáng lo nhất là nguy cơ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Khi chung làn đường như vậy, có tình trạng xe máy chạy cũng ghê, xe ôtô chạy cũng ghê. Nhìn cảnh “trời kêu ai nấy dạ” mà xót xa”, ông Ngô Hải Đường nói.
|
Xe máy, xe ôtô chen nhau trên cùng làn đường |
Cũng theo ông Ngô Hải Đường, thì “đã biết thực trạng không ai mong muốn đó (xảy ra tai nạn xe ôtô húc xe máy liên hoàn từ phía sau), mà giờ thay đổi liền thì có thể nói là quá khó”.
Về lý do, ông Ngô Hải Đường cho biết, kinh phí đầu tư cho hạ tầng giao thông thiếu trầm trọng. Theo quy hoạch, TP.HCM cần khoảng 40 tỉ USD để cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng giao thông (số liệu tính toán năm 2013, đến nay có thể tăng cao hơn nhiều vì trượt giá, đội vốn); trong khi đó, mức vốn hiện có để dành cho đầu tư hạ tầng giao thông chỉ khoảng 10.000 - 12.000 tỉ đồng/năm.
Tại các nút giao thông, thường thấy cảnh "đủ loại xe chung làn đường" |
Đặc biệt, bài toán quy hoạch giao thông, đô thị hiện nay còn bất cập, khi mà khu dân cư, khu sản xuất công nghiệp, khu vực cảng xuất nhập khẩu hàng hóa… nằm xen cài nhau nên không thể nào tránh được tình cảnh “đủ loại xe chạy chung làn đường”.
|
Theo Thanh Niên