Dụng ý của Kim Jong-un khi cảnh báo Mỹ về "con đường mới"

Thứ năm, 03/01/2019, 14:34
Lãnh đạo Triều Tiên không có ý đe dọa quay lại với chương trình hạt nhân, mà chỉ muốn thể hiện sự thất vọng với Mỹ.

Kim Jong-un đọc bài diễn văn năm mới ngày 1/1. Ảnh: KCNA.

Trong bài phát biểu năm mới hôm 1/1, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng gặp lại Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng cũng cảnh báo rằng Bình Nhưỡng "có thể tìm một con đường mới" nếu Washington tiếp tục "đơn phương yêu cầu một số điều kiện nhất định và gia tăng các lệnh trừng phạt cùng sức ép".

Ông Kim không nói rõ "con đường mới" là gì, nhưng việc ông sử dụng cụm từ này làm dấy lên nỗi lo ngại về việc Triều Tiên quay trở lại với các vụ thử tên lửa và hạt nhân từng làm sôi sục căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên năm 2017. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng lãnh đạo Triều Tiên đã rất nỗ lực để đạt được tình hình tan băng như hiện nay, nên ông khó có thể để mất nó. Vì vậy, tuyên bố này nhiều khả năng là thể hiện sự thất vọng, mất kiên nhẫn của Triều Tiên với Mỹ hơn là đe dọa.

"Đây giống như chiến thuật đàm phán hơn là dấu hiệu rằng Triều Tiên sẽ nối lại chương trình hạt nhân", Bruce Klingner, chuyên gia tại Heritage Foundation, nhận xét. "Tôi nghĩ rằng họ vẫn cố gắng giữ mọi thứ trong khuôn khổ ngoại giao chứ không phải là tín hiệu rằng họ thấy các cuộc đàm phán đã thất bại và muốn từ bỏ nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng".

"Đó không thực sự là lời đe dọa. Đó là một cảnh báo mềm mỏng vì ông Kim không muốn làm lu mờ tất cả những điều tích cực mà ông ấy đã nói", Robert Carlin, chuyên gia từ trung tâm Stimson, nhận xét.

Bình Nhưỡng đã yêu cầu Washington xóa lệnh trừng phạt và tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 để đáp lại việc Triều Tiên dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri và một cơ sở thử động cơ tên lửa quan trọng.

Washington có những phản ứng thiện chí như dừng một số cuộc tập trận lớn với Hàn Quốc và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Triều Tiên không bị buộc phải cung cấp bản kê khai đầu đạn hạt nhân và các cơ sở chứa vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, bài phát biểu của ông Kim hôm 1/1 kêu gọi "kết thúc hoàn toàn" tất cả hoạt động tập trận chung Mỹ - Hàn và chỉ trích các lệnh trừng phạt.

"Thông điệp của ông ấy là 'chúng tôi đã thực hiện những gì đã cam kết ở Singapore, nhưng Mỹ làm rất ít để đáp lễ'", Vipin Narang, nhà khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận xét, theo Reuters.

"Bài phát biểu của ông chủ yếu nhấn mạnh sự cần thiết của một thỏa thuận công bằng, việc họ quay trở lại với các cuộc thử tên lửa, hạt nhân là điều rất khó xảy ra",  Cheong Seong-chang, chuyên gia từ Học viện Sejong của Hàn Quốc, đánh giá.

Trump (trái) và Kim Jong-un trong hội nghị thượng đỉnh tại Singapore tháng 6 năm ngoái. Ảnh: AFP.

Theo Kim Joon-hyung, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Toàn cầu Handong, điều Triều Tiên muốn có thể là thay vì cam kết phi hạt nhân hóa, họ sẽ chỉ từ từ thực hiện từng động thái để đổi lấy nhượng bộ tương đương từ Mỹ, chẳng hạn Triều Tiên tháo dỡ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon để được nới lỏng các biện pháp trừng phạt, trong đó có việc khởi động lại một số dự án kinh tế liên Triều.

Theo 38North, cảnh báo về "con đường mới" của Kim Jong-un có thể xuất phát từ sự hỗ trợ ngày càng tăng của Trung Quốc với Triều Tiên. Năm ngoái, Kim Jong-un đã ba lần gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông có thể cho rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng bảo vệ và hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên trong bối cảnh quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh căng thẳng vì chiến tranh thương mại.

"Tôi cho rằng cảnh báo về con đường mới của Kim Jong-un không ám chỉ các cuộc thử hạt nhân mà là một thông điệp gửi tới Trump: Ông không phải là lựa chọn duy nhất của chúng tôi để phát triển kinh tế và an ninh. Nếu ông từ chối hợp tác, chúng tôi sẽ phớt lờ ông và quay sang Trung Quốc. Và chúng tôi còn có Hàn Quốc nữa", biên tập viên chuyên phân tích Triều Tiên Ruediger Frank viết.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích