Luật pháp Mỹ quy định, mọi ứng viên cho vị trí tài xế xe tải đều phải được xét nghiệm ma túy qua nước tiểu trước khi được nhận vào làm. Tuy nhiên, quy định áp dụng từ năm 1991 bị cho không còn hiệu quả khi giữa năm 2018, Hiệp hội Xe tải Mỹ (Trucking Alliance) đề xuất quy định bắt buộc với mọi ứng viên tài xế xe tải: xét nghiệm nang tóc (chân tóc), theo Commercial Carrier Journal (CCJ).
Thông thường, xét nghiệm nước tiểu chỉ phát hiện được đối tượng sử dụng ma túy trong 2-3 ngày. Nhưng xét nghiệm tóc cung cấp kết quả chính xác trong vòng 90 ngày nếu ai đó dùng chất cấm, đại diện hiệp hội cho biết.
Các tài xế xe tải tại Mỹ sẽ phải xét nghiệm ma túy qua nước tiểu khi đi xin việc. |
Hãng J.B. Hunt, một thành viên của Hiệp hội Xe tải Mỹ, đã từ chối 5.000 ứng viên kể từ năm 2006. Những người này có kết quả dương tính với ma túy sau khi xét nghiệm tóc dù trước đó đã vượt qua lần xét nghiệm nước tiểu. Tuy nhiên, 5.000 tài xế này vẫn có thể tìm được việc làm ở những hãng chỉ kiểm tra nước tiểu khi tuyển dụng. "Nhân con số này với số hãng xe tải sẽ ra hàng trăm nghìn tài xế nộp đơn xin việc mỗi năm tại Mỹ. Chúng ta có một vấn đề rất nghiêm trọng", Lane Kidd, tổng quản lý của hiệp hội này nhận xét.
Một trong những lý do nhiều hãng chỉ kiểm tra nước tiểu thay vì nang tóc xuất phát từ chi phí. Kiểu thứ nhất truyền thống và rẻ hơn nhiều với mức 30-50 USD mỗi lần, trong khi xét nghiệm tóc tốn kém hơn, khoảng 80-120 USD mỗi lần. Xét nghiệm tóc thường tốn công và mất thời gian hơn nên chi phí cao hơn.
Tuy nhiên, chi phí không nên là nguyên nhân gây cản trở an toàn, Kidd phát biểu, đồng thời cho rằng dữ liệu từ kết quả xét nghiệm tóc sẽ rất hữu ích cho hệ thống thông tin của Hiệp hội. Theo dữ liệu của J.B. Hunt, 7,7% tài xế nộp đơn xin việc ở hãng này bị phát hiện dương tính với thuốc giảm đau có chất gây nghiện (opioid) nhờ xét nghiệm nang tóc.
Đã có hàng nghìn ứng viên bị hãng vận tải J.B. Hunt từ chối do dương tính với ma túy khi xét nghiệm nang tóc. Ảnh: Pinterest. |
Việc thắt chặt quy trình kiểm tra đầu vào đối với các hãng vận chuyển tại Mỹ xuất phát từ số trường hợp tử vong liên quan tới xe tải trong năm 2017 tăng 9% so với 2016. Cụ thể, 4.761 người chết và 145.000 bị thương trong các tai nạn, theo dữ liệu từ Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ NHTSA.
Ngoài đề xuất xét nghiệm nang tóc là bắt buộc, Hiệp hội Xe tải Mỹ cũng nỗ lực tăng cường công nghệ giám sát tài xế. Các thiết bị ghi chép điện tử ELD (Electronic logging devices) sẽ được áp dụng rộng rãi hơn, thậm chí có thể được yêu cầu lắp đặt trên mọi mẫu xe tải cỡ lớn.
ELD như một cuốn nhật ký điện tử ghi nhận số giờ làm việc của tài xế, là trang bị bắt buộc trên xe tải tại các nước châu Âu cũng như một số quốc gia khác như Brazil, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật, Hàn Quốc hay Singapore. Ở nhiều nước khác trên thế giới cũng có quy định về số giờ làm việc cũng như thời gian cần nghỉ ngơi của người điều khiển xe tải, nhưng không phải nơi nào cũng có thiết bị giám sát sự tuân thủ của tài xế.
Ví dụ ở Australia, tài xế xe tải, xe đầu kéo với trọng lượng toàn tải lớn hơn 12 tấn cần nghỉ ngơi 15 phút sau 5,5 tiếng lái xe liên tục, 30 phút sau 8 tiếng và 60 phút sau mỗi 11 tiếng. Sau mỗi 7 ngày làm việc, một tài xế phải có 24 tiếng rời xa khỏi chiếc xe và phải điền đầy đủ giấy tờ ghi chép số giờ cũng như số km đã lái xe.
Còn tại châu Âu, theo quy định có hiệu lực từ tháng 4/2007, không tài xế xe tải nào được phép lái xe liên tục quá 4,5 tiếng. Sau thời gian này, họ cần nghỉ ngơi ít nhất 45 phút.
Thiết bị ELD cho phép giám sát sự chấp hành của các tài xế đúng theo quy định, giảm tình trạng làm việc quá sức do lái xe liên tục quá lâu, từ đó giảm tai nạn giao thông liên quan tới sự thiếu tập trung, mệt mỏi, buồn ngủ của tài xế. Cũng do đặc thù của nghề lái xe, đặc biệt lái xe tải đường dài, không ít tài xế tìm đến các chất kích thích nhằm duy trì sự tỉnh táo. Nhưng chất kích thích cũng là nguyên nhân khiến người điều khiển dòng phương tiện cỡ lớn này có thể mất tỉnh táo bất cứ lúc nào, gây tai nạn với những hậu quả nghiêm trọng do xe thường chở hàng nặng và chạy tốc độ cao.
Dự kiến xét nghiệm ma túy qua nang tóc sẽ trở thành quy định bắt buộc tại Mỹ trong năm nay, sau khi được quốc hội Mỹ thông qua. Đến 2020, thông tin về kết quả xét nghiệm sẽ được lưu trữ và dữ liệu được chia sẻ giữa các hãng vận tải. Có nghĩa một khi có kết quả dương tính với ma túy, một tài xế được coi như không còn cơ hội xin việc.
Theo VNE