|
Một cửa ra vào của Đại sứ quán Triều Tiên tại Madrid. (Ảnh cắt từ clip của CNN) |
Theo tờ El Pais của Tây Ban Nha, vụ tấn công này diễn ra vào ngày 22/2. 10 đối tượng đã mang theo súng giả đột nhập vào tòa đại sứ, thẩm vấn và đánh đập những người bên trong. Các hung thủ đã khống chế nhân viên đại sứ quán bằng dây thừng và đánh cắp nhiều đồ đạc trước khi bỏ đi trên những chiếc xe sang.
Một phụ nữ Triều Tiên đã trốn thoát khỏi đại sứ quán và tiếng la hét của cô đã báo động cho người dân xung quanh biết để báo với cảnh sát. Thế nhưng khi cảnh sát tới gõ cửa đại sứ quán, người ở đại sứ quán nói không có chuyện gì xảy ra.
Vụ việc diễn ra trước thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội.
Cảnh sát Tây Ban Nha từ chối tiết lộ các chi tiết về vụ tấn công ở đại sứ quán Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cũng từ chối trả lời câu hỏi của CNN. Tuy nhiên, một nguồn tin từ chính quyền Mỹ nói, họ tin rằng nhóm Bảo vệ dân sự Cheollima (viết tắt là CCD), một nhóm bất đồng chính kiến với chính quyền Triều Tiên, đứng đằng sau vụ tấn công này.
Washington Post là tờ báo đầu tiên đưa tin về sự liên quan của nhóm bí mật CCD, những người có âm mưu lật đổ chế độ của ông Kim Jong-un, mặc dù nhóm này không trả lời câu hỏi của CNN cũng như không công khai nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
CCD nhiều lần ủng hộ Kim Han-sol, con trai của ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Kim Jong-nam bị cho là bị ám sát bằng chất độc thần kinh VX vào năm 2017 khi đang ở Malaysia.
Báo chí Tây Ban Nha trích dẫn một số nguồn tin nặc danh đồn đoán rằng, vụ tấn công tại đại sứ quán Triều Tiên có thể có liên quan tới cựu đại sứ Triều Tiên Kim Hyok-chol. Ông Kim là nhà đàm phán hàng đầu của Triều Tiên, đã tới Hà Nội vào ngày 20/2 để đàm phán với đặc phái viên của Mỹ trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2. Ông Kim đã bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha vào năm 2017 sau khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa.
Theo Tiền Phong