Đúng năm 5 năm kể từ ngày Bán đảo Crưm sáp nhập vào Nga (18/3/2014), phi đội máy bay ném bom chiến lược Tu-33M3 được Matxcơva triển khai tới bán đảo này. Trong bối cảnh cả Mỹ và Nga đều tuyên bố ngừng tuân thủ các điều khoản trong Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Mỹ tăng cường triển khai tổ hợp tên lửa phòng thủ ở Romania và Ba Lan, động thái này của Matxcơva được giới chuyên gia nhìn nhận là một bước đi chiến lược, khiến Mỹ cùng NATO phải cân nhắc lại tham vọng kiềm tỏa Nga.
Tu-22M3 và ông Putin cùng hiện diện tại Crưm ngày 18/3. |
Tại sao NATO lo ngại?
"Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania là một thách thức nghiêm trọng. Để đáp trả, Bộ Quốc phòng Nga quyết định triển khai phi đội máy bay ném bom mang tên lửa tầm xa Tu-22M3 đến căn cứ không quân Gvardeyskoye, Crưm. Bước đi này đã thay đổi hoàn toàn cán cân lực lượng trong khu vực", Viktor Bondarev, người đứng đầu Ủy ban Hội đồng Liên bang về quốc phòng và an ninh cho biết.
Máy bay ném bom mang tên lửa tầm xa Tu-22M3. |
Khi được triển khai tại căn cứ ở Crưm, thời gian để Tu-22M3 bay đến lãnh thổ các nước NATO, nơi đặt các cơ sở có thể đe dọa đến an ninh của Nga, sẽ giảm xuống đáng kể.
“Máy bay ném bom Tu-22M3 ở Crưm sẽ được hiện đại hóa và trang bị vũ khí mới trong vài năm tới. Điều này cho phép chúng mang đầu đạn tới bất kỳ đâu ở châu Âu, hạ gục mọi cơ sở phòng thủ của kẻ thù”, ông Bondarev cho biết thêm.
Và cơ sở đầu tiên như vậy là căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania. Theo như cáo buộc trước đó, Mátxcơva khẳng định bệ phóng tên lửa MK-41 ở Romania có thể được sử dụng để phóng tên lửa hành trình tầm trung Tomahawk – loại tên lửa bị cấm triển khai theo Hiệp ước Các lực lường hạt nhân tầm trung (INF).
Các chuyên gia quân sự khẳng định rằng việc Nga triển khai các đơn vị máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân đến Crưm đã làm thay đổi cán cân sức mạnh thực sự trên khắp khu vực châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông.
Những chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 cũng đang nằm trong dự án nâng cấp được lên kế hoạch trong 2-3 năm tới. Sau khi dự án này hoàn thành, khả năng chiến đấu của chúng sẽ tăng lên đáng kể thông qua việc sử dụng tên lửa có tầm bắn 1000 km X-32, tương tự như các vũ khí siêu thanh “Kinzhal” và “Calibre”.
Việc triển khai Tu-22M3 tại Crưm sẽ cho phép Nga tránh phải thực hiện các biện pháp đối ứng với Mỹ sau khi Hiệp ước INF không còn. Theo đó, Nga sẽ không cần phải triển khai các loại tên lửa hành trình mặt đất, tên lửa tầm ngắn hay tên lửa đạn đạo tầm trung để đối phó với căn cứ tên lửa của Mỹ tại Romania.
Mỹ đã triển khai lá chắn tên lửa ở Romania từ năm 2015 và trong cùng năm bắt đầu xây dựng một cơ sở lá chắn tên lửa khác ở Ba Lan. Washington tuyên bố nước này cần phải đối phó tên lửa đạn đạo do Iran và Triều Tiên triển khai, tuy nhiên, Matxcơva mô tả những bước đi này của Mỹ là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh quốc gia Nga.
Tín hiệu ông Putin gửi tới NATO
Hai sự kiện trùng hợp một cách thú vị - chuyến thăm của ông Putin đến Crimea vào ngày 18/3 nhân kỷ niệm 5 năm Bán đảo Crưm sáp nhập Nga diễn ra đồng thời với sự xuất hiện của Tu-22M3 tại sân bay Gvardeysk gần Simferopol.
Do đó, sự xuất hiện của chiếc máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân ở Crưm gần như không được chú ý mấy. Tuy nhiên nhìn cùng lúc hai sự kiện chúng ta sẽ thấy sự hiện diện của Tổng thống Putin chính là chứng nhận cho tầm quan trọng hàng đầu của Tu-22M3 ở Crưm.
Sự hiện diện của Tu-22M3 và ông Putin tại Crưm cùng lúc là một tín hiệu đối với phương Tây - Nga có kế hoạch nghiêm túc nhất để bảo vệ bán đảo như là một phần lãnh thổ của Nga.
Nguyên mẫu của máy bay ném bom chiến lược siêu thanh tầm xa Tu-22M3 được chế tạo vào năm 1977. Cho đến nay vẫn là chiếc máy bay ném bom hàng đầu trong biên chế không quân Nga. Xét trên nhiều tham số thì mẫu máy bay này tỏ ra vượt trội so với mẫu máy bay B-52 của Mỹ (được sử dụng từ năm 1955).
Theo VTC