|
Bà May đang tìm kiếm việc kéo dài thời hạn Brexit càng ngắn càng tốt. |
Như vậy, gần ba năm sau khi người Anh bỏ phiếu nhất trí rời EU, việc ra đi có vẻ vẫn chưa chắc chắn và đang khiến các nước châu Âu mất kiên nhẫn và hối thúc bà May phải có kế hoạch cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng này trước khi họ có thể đồng ý vào việc kéo dài thời gian.
Hiện nay, nước Anh đang lâm vào cuộc khủng hoảng hiến pháp khi Hạ viện Anh bác bỏ các kế hoạch của thủ tướng. Quá trình Brexit hiện nay đang đứng giữa ngã ba đường: hoặc là kéo dài thời gian trì hoãn, hoặc rời EU theo thỏa thuận của bà May, hoặc là rời EU không thỏa thuận và thậm chí là thực hiện cuộc trưng cầu dân ý lần 2 xem người Anh còn muốn rời EU nữa hay không.
Chỉ còn đúng 10 ngày nữa là đến hạn chót Anh phải rời EU và hai ngày trước khi cuộc họp thượng đỉnh EU có cuộc họp quan trọng về Brexit, ngày 19/3, Thủ tướng Anh Theresa May đã phải viết kiến nghị gửi tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk yêu cầu việc kéo dài thời hạn, tuy nhiên thời hạn kéo dài bao lâu thì không được tiết lộ, nhưng bà May tin rằng càng ngắn càng tốt.
Trước đó, bà May đã cảnh báo quốc hội rằng, nếu họ không phê chuẩn thỏa thuận của bà, bà sẽ yêu cầu kéo dài thời hạn Brexit tới trước ngày 30/6.
Các thành viên EU sẽ thảo luận hai vấn đề chính tại cuộc họp thượng đỉnh của khối sẽ diễn ra vào ngày mai. Đó là thời gian trì hoãn sẽ kéo dài hai hay ba tháng nếu bà May thuyết phục được họ rằng bà có thể đạt được một thỏa thuận trong nước hoặc lâu hơn nữa nếu bà May chấp nhận rằng việc làm lại thỏa thuận là cần thiết.
Trưởng nhóm đàm phán của EU, ông Michel Barnier, cho biết, việc kéo dài thời gian sẽ chỉ có ý nghĩa nếu nó làm tăng cơ hội thỏa thuận của bà May được Hạ viện Anh phê chuẩn. Ông nói rằng các chi phí kinh tế và chính trị của một sự chậm trễ Brexit phải được cân nhắc với các lợi ích tiềm năng.
Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Coveney cho biết, Anh phải đưa ra một kế hoạch chi tiết về việc thúc đẩy thỏa thuận May được quốc hội thông qua nhằm được EU chấp thuận việc gia hạn.
Một quan chức trong văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Pháp sẵn sàng phủ quyết bất kỳ yêu cầu nào của Anh về việc trì hoãn Brexit nếu vấn đề trì hoãn không đưa ra được giải pháp thoát khỏi bế tắc hiện tại, hoặc ngăn chặn các thể chế Liên minh châu Âu.
Biên tập viên chính trị của BBC, Laura Kuenssberg, cho biết bà May có thể sẽ yêu cầu gia hạn cho đến ngày 30/6, điều này có thể cho bà một cơ hội khác để thỏa thuận của mình được thông qua hoặc lựa chọn trì hoãn đến hai năm.
Ngoài việc điều chỉnh các điều khoản rời khỏi EU, thỏa thuận của May có thể đưa Anh ra khỏi thị trường đơn lẻ và liên minh hải quan EU và các chính sách thủy sản và nông nghiệp chung cũng như quyền tài phán của Tòa án Công lý Châu Âu vào cuối giai đoạn cho tới khi một thỏa thuận thương mại mới được chấp thuận.
Theo Tiền Phong