Khó phạt kẻ quấy rối vì chưa có chế tài trong Luật hình sự?

Thứ ba, 19/03/2019, 14:01
Theo dõi diễn biến vụ việc cưỡng hôn trong thang máy, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng nếu thiếu chế tài xử lý hành vi quấy rối tình dục thì khó xử lý người đàn ông trong trường hợp này.

Nữ nạn nhân P.H.V. bị quấy rối trong thang máy - Ảnh cắt từ clip

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính pháp - Đoàn luật sư Hà Nội), nếu chỉ gọi hành vi của người đàn ông trong thang máy (xông vào ôm hôn, sờ soạng cơ thể cô gái) là "cưỡng hôn" thì chưa thể hiện được tính chất nguy hiểm cũng như bản chất của hành vi này.

Đây chính là hành vi quấy rối tình dục, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, có thể phát sinh những hành vi nguy hiểm cho xã hội khác. Vì vậy, theo luật sư Cường, đây là một hành vi phải bị lên án.

Theo luật sư, hiện nay pháp luật Việt Nam đang còn khoảng trống pháp lý về chế tài xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục. Bộ luật Hình sự 2015 đã coi hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô với trẻ em… là những tội phạm có tính chất rất nghiêm trọng và gắn với những chế tài xử phạt nghiêm khắc, nhưng với hành vi quấy rối tình dục thì chưa có quy định cụ thể nào.

Quấy rối tình dục thường là những hành vi rất khó chứng minh vì hầu như không để lại sự thương tổn rõ ràng về sức khỏe, cho dù các nạn nhân phải chịu những khủng hoảng tâm lý nặng nề. Có thể đây là một trong những lý do khiến quấy rối tình dục chưa được đưa vào Bộ luật hình sự như một tội danh.

Với quy định của pháp luật hiện hành, người "có hành vi, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác" bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng theo quy định tại điều 5 nghị định 167/2013 của Chính phủ.

Mức xử phạt như vậy, theo luật sư Cường, không tránh khỏi gây bức xúc trong dư luận và ấm ức đối với người bị hại. Hành vi này phải xử lý ở chế tài cao hơn, xử phạt hành chính như vậy là không đủ sức răn đe.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng chưa thể có căn cứ để xử lý về tội hiếp dâm, cưỡng dâm hay những tội danh khác bởi hành vi này diễn ra trong thang máy, thời gian rất nhanh và hành vi chỉ dừng lại ở ôm, hôn chứ chưa có hành vi chứng minh ý định muốn quan hệ tình dục hay chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Để buộc tội được người đàn ông sàm sỡ nữ sinh P.H.V., cơ quan điều tra cần thu thập chứng cứ chứng minh nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm. Trong tình huống này, nếu không đủ căn cứ để xử lý về tội làm nhục người khác thì với pháp luật hiện tại, rất khó để có thể áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn đối với người này.

Luật sư Cường kiến nghị sửa đổi các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội theo hướng có quy định riêng về hành vi quấy rối tình dục và mức xử lý đối với hành vi này.

"Có thể bổ sung quy định của Bộ luật Hình sự, hình sự hóa một số hành vi quấy rối tình dục thành tội phạm chứ không chỉ xử phạt hành chính. Như vậy mới đủ sức răn đe, mới đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong xã hội khi mà những hành vi quấy rối tình dục liên tiếp xảy ra gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội như hiện nay", luật sư Cường đề nghị.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích