|
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước). |
Có chuyên gia kinh tế tính toán, quy mô tín dụng đen ở Việt Nam lên tới 500.000 tỷ đồng. Ông bình luận gì về con số này?
Không biết các chuyên gia tính toán hay sử dụng số liệu về tín dụng đen ở đâu, nhưng tôi cho rằng, con số này hoàn toàn không chính xác, thậm chí là vô lý, vì nó tương đương hơn 1/3 tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019; gấp hơn 1,56 lần tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế năm 2018 (319.600 tỷ đồng).
Số tiền này tương đương 22 tỷ USD, còn lớn hơn cả vốn đầu tư nước ngoài giải ngân năm 2018 (hơn 19 tỷ USD). Và nếu chia cho dân số, giả sử số tiền kia là có thật, thì bình quân mỗi người dân vay tín dụng đen khoảng 5,3 triệu đồng.
Ông có những con số nào thuyết phục hơn để chứng minh rằng quy mô tín dụng đen thấp hơn nhiều so với con số 500.000 tỷ đồng?
Dư nợ tín dụng cuối năm 2018 ước khoảng 7,2 triệu tỷ đồng, trong đó, tín dụng tiêu dùng chiếm gần 20%, tức là khoảng 1,44 triệu tỷ đồng. Cả hệ thống ngân hàng với hàng ngàn chi nhánh, cùng với 16 công ty tài chính, trong đó có 4 công ty tài chính 100% vốn nước ngoài tiếp cận người dân cho vay vốn bằng rất nhiều hình thức khác nhau, thủ tục cho vay đơn giản, không cần thế chấp tài sản, thời gian cho vay nhanh chóng mà chỉ có dư nợ 1,44 triệu tỷ đồng, trong khi tín dụng đen hoạt động bất hợp pháp có dư nợ lên tới 500.000 tỷ đồng, bằng hơn 1/3 dư nợ cho vay tiêu dùng là hết sức vô lý, vì người dân chỉ tiếp cận tín dụng đen khi không thể vay được ngân hàng và không thể vay tiêu dùng của các công ty tài chính.
Thưa ông, thế nào là tín dụng đen khi mà cho vay với lãi suất lên đến 99%/năm vẫn là hợp pháp?
Tín dụng đen tức là tín dụng phi pháp. Theo Bộ luật Dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Theo Bộ luật Hình sự, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự là phạm tội cho vay nặng lãi. Như vậy, giao dịch vay mượn với lãi suất 90 - 99%/năm vẫn không vi phạm pháp luật, trong khi nếu đi vay để kinh doanh mà phải trả lãi 40 - 50%/năm, thì chỉ có cách bán nhà để trả nợ lãi.
Vậy tín dụng đen là gì? Có thể hiểu, tín dụng đen là hoạt động cho vay với lãi suất cao và tổ chức, cá nhân cho vay sử dụng các biện pháp phi pháp để đòi nợ. Còn nếu cho vay với lãi suất cao, không vi phạm Bộ luật Hình sự và áp dụng các biện pháp đòi nợ đúng pháp luật, đúng hợp đồng khi người vay không trả được nợ, thì không phải là tín dụng đen, mà có thể gọi là tín dụng phi chính thức.
Khi vay vốn, người vay thế chấp tài sản, trong rất nhiều trường hợp không trả được nợ đã mất nhà cửa, đất đai. Tòa án, chính quyền địa phương, cơ quan công an biết rõ đây là hoạt động cho vay nặng lãi, nhưng không thể bảo vệ được người đi vay vì hoạt động vay mượn đúng pháp luật, có hợp đồng?
Hợp đồng vay mượn đúng pháp luật, nên dù biết rõ đây là hành vi cho vay nặng lãi, người vay mất nhà cửa, rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, nhưng cũng không có cách nào bảo vệ người đi vay được vì người đi vay đã ký vào hợp đồng, thậm chí hợp đồng còn được công chứng. Giải pháp duy nhất là phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu về tín dụng tiêu dùng. Hiện chỉ có khoảng 24% người Việt ở độ tuổi trưởng thành có hiểu biết về tài chính, thấp nhất so với các nước trong khu vực. Vì không hiểu biết về tài chính, nên người ta mới ký vào hợp đồng vay vốn với lãi suất “cắt cổ”, trong khi đánh giá nguồn tài chính trong tương lai quá cao và đánh giá mức độ rủi ro của khoản vay quá thấp.
Vì vậy, muốn đẩy lùi tín dụng đen, ngoài việc đẩy mạnh phát triển cho vay tiêu dùng, cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu về mức độ rủi ro khi đi vay với lãi suất cao, tương tự như tuyên truyền cho người dân về độ rủi ro khi tham gia bán hàng đa cấp, tài chính đa cấp.
Tín dụng phi chính thức dù có lãi suất “cắt cổ” cũng có mặt tích cực là kịp thời cung cấp tài chính cho người dân trong trường hợp cần kíp, như đi viện, mà không thể vay mượn được ở bất cứ đâu?
Muốn giảm tín dụng phi pháp, trong đó có tín dụng đen, phải mở rộng tín dụng chính thức, khuyến khích các tổ chức tín dụng cung cấp khoản vay nhỏ, thời gian ngắn, lãi suất cho vay có thể cao hơn lãi suất cho vay thông thường (vì mức độ rủi ro cao hơn), nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng, cấp thiết.
Để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, từ năm 2005, Chính phủ đã ban hành nghị định về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ. Gần đây nhất, theo Thông tư 03/2018/TT-NHNN quy định về cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, người dân có thể vay đến 50 triệu đồng tại một tổ chức vi mô và có thể vay đến 100 triệu đồng của các tổ chức tài chính vi mô.
Trong trường hợp người dân cần tiền ngay để giải quyết công việc cấp bách, như đóng tiền viện phí, thì giải pháp vay tiền qua hệ thống tín dụng phi chính thức cũng không phải là giải pháp tốt, mà giải pháp tốt là mua bảo hiểm y tế. Để làm được việc này, phải thực hiện cho được Nghị quyết 20-NQ/TW (ngày 25/10/2017) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tối thiểu có 95% dân số bảo hiểm y tế. Khi người dân có bảo hiểm y tế, nếu không may phải đi viện thì được bảo hiểm y tế hỗ trợ tài chính.
Theo Đầu tư