|
Các cơ quan chức năng sẽ quyết liệt chặt vòi bạch tuộc tín dụng đen. (Ảnh minh họa) |
Sáng nay (8/3) tại Gia Lai, diễn ra Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen.
Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai đặt vấn đề: tại sao có tín dụng đen? Theo ông đó là vì xuất phát từ nghèo, thiếu tiều. “Tiền của ngân hàng và nhà nước chưa đủ cho người nghèo. Do đó, có người gặp hoạn nạn khó khăn, hộ gia đình liên quan đến tín dụng đen thế chấp đất rồi mất đất, sau đó họ phải làm thuê trên mảnh đất bị mất của chính mình”, ông Trang nói.
Ngoài ra, theo ông Trang còn một thủ đoạn nữa, đó là người vay đã đủ tiền để trả gốc và lãi nhưng băng nhóm tín dụng đen không nhận gốc mà bắt họ phải vay tiếp - nông dân Gia Lai phải chịu cảnh này. “Chưa biết bao giờ Nhà nước chúng ta mới đủ tiền cho người nông dân người hoạn nạn cần tiền để vay. Mà chưa đủ tiền để cho đồng bào nghèo vay thì sẽ tồn tại song song là tín dụng đen. Đây là một bài toán rất khó“.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chia sẻ, tín dụng đen thực ra xuất hiện ở Lâm Đồng tương đối sớm từ 2016 và tỉnh này đã có rất nhiều giải pháp đến nay phát huy hiệu quả cao.
“Thứ nhất, tín dụng đen nó len lỏi tất cả địa bàn đặc biệt trong đồng bào dân tộc thiểu số nên rất khó khăn trong ngăn chặn. Thứ hai, với thủ tục đơn giản, gói vay đa dạng chúng đã tìm cách tiếp cận sát, thậm chí lợi dung các tổ chức quần chúng liên quan đến hoạt động tội phạm rất tinh vi. Năm 2017 tại Lâm Đồng có ra một loạt các xe 113 ngồi trên xe đòi nợ toàn thành phần 'hảo hán', có nơi dân tưởng công an đến đòi nợ”, Phó chủ tịch UBND Lâm Đồng cho biết.
Theo ông, trên địa bàn Lâm Đồng có 17 doanh nghiệp đòi nợ thuê . Năm 2018 tỉnh đã xử lý không cấp phép thêm DN nào . Từ 2018, Lâm Đồng khởi tố 28 vụ, các tổ chức tín dụng cố gắng cho vay đến từng hộ, cho vay lưu động.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Lê Minh Hưng. |
Đại diện Mặt trận Tổ Quốc của tỉnh Kon Tum thì cho biết tín dụng đen trên địa bàn này diễn ra hết sức phức tạp. Đơn cử: nếu người dân không trả được lãi, lập tức chúng sẽ đem con cái học hành ra đe doạ cho người vay. “Năm 2018 tỉnh đã thu giữ nhiều tang vật,. Có những thời điểm chúng tôi phải tổ chức ra quân để tháo gỡ tờ rơi, tuyến đường trụ điện công trình thì các đối tượng lại chuyển sang rải tờ rơi trên đường giao thông. Điều chúng tôi kiến nghị đó là ngân hàng cần tăng cho vay tín chấp,’ ông này nói.
Theo ông Trần Xuân Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông, việc tín dụng đen xuất hiện nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên có vấn đề là dân các tỉnh rất thưa, còn khó khăn trong khi nhu cầu vay vốn cao nhưng khả năng đáp ứng hạn chế. “Tại Tây Nguyên, do tình hình đất đai khó đầy đủ tính pháp lý”, ông Hải nói và thừa nhận trên thực tế có một bộ phận thanh thiếu niên cờ bạc, ăn chơi điện tử, ma tuý, nên rất dễ bị các đối tượng xâm nhập vào.” Chúng tôi đồng thuận các đề xuất triển khai giải pháp tín dụng và tiêu dùng; tín dụng cho vay tiêu dùng cần cơ chế rõ hơn”, ông Hải nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận tại Hôi nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng khẳng định thời gian tới đây các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng ngân hàng (NH) để rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay các gói tín dụng phù hợp từng phân khúc đối tượng khách hàng tháo gỡ được tin tưởng nâng cao khả năng giải quyết, góp phần tích cực hiệu quả ngăn chặn đẩy lùi tín dụng đen. “TCTD sẽ được cho phép mở rộng mạng lưới tại các nơi còn thiếu. NHNN đặc biệt khuyến khích các TCTD đáp ứng nhu cầu tín dụng qua hình thức NH lưu động như Agribank.”, Thống đốc Hưng nói.
Ông Hưng cũng cho biết tới đây ngành ngân hàng và ngân hàng thương mại (NHTM) phải xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh giúp người dân không phải vay nặng lãi trả nợ ngân hàng. “Các TCTD phải thực hiện nghiêm quy định ngành đặc biệt lãi suất cho vay, kiểm tra nội bộ một số hành vi tiếp tay thông đồng với các đối tượng tín dụng đen, tăng cường kiểm soát nội bộ ngăn các TCTD chính thức có liên quan đến tín dụng đen”, Thống đốc nói.
Cũng tại hội nghị này, hứa với Thống đốc đại diện các NHTM như Ngân hàng Chính sách Xã hội, Agirbank, LiênVietPostBank đều khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để có thể xử lý tối đa nhu cầu vay vốn của bà con trong thời gian tới theo đúng quy định của ngành.
Theo đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, hiện thủ tục giải ngân của ngân hàng cần 15-20 ngày trong khi đó vay vốn bên ngoài tính theo giờ. Đối với Hội LHPN giải pháp ngoài đẩy nhanh vốn vay, thì mở rộng các kênh cho chị em phụ nữ tiếp cận qua kênh, hội, tổ vay vốn tiết kiệm.
“Có những khoản tiết kiệm nhỏ lẻ chỉ 20-50 ngàn/tháng nhưng đã giúp chị em vay được vài ba triệu/tháng. Chúng tôi cũng đề xuất khi người dân chị em phụ nữ khi nói vay vốn kiểu gì ngân hàng như Agribank vẫn đòi có sổ đỏ. Vấn đề là phải làm sao để chị em tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn”.
Theo Tiền Phong