Để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Đồng Nai đã cấp bách ban hành nhiều biện pháp.
Lập thêm chốt kiểm soát
Đồng Nai đặc biệt chú trọng đến việc kiểm soát lượng heo ra vào tỉnh. Cụ thể, song song với việc tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh, giết mổ heo trên địa bàn, Đồng Nai còn thành lập 1 chốt kiểm dịch tạm thời nằm trên quốc lộ 20, tại địa bàn H.Tân Phú để kiểm soát heo từ hướng Lâm Đồng xuống.
Còn trên quốc lộ 1 đã có sẵn 1 chốt kiểm dịch đóng tại xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc) kiểm soát heo từ phía bắc vào.
Cán bộ thú y ở trạm kiểm dịch Xuân Hòa đang kiểm tra một chiếc xe chở heo |
Tại các điểm này lực lượng yêu cầu có ít nhất 3 thành phần gồm 1 cán bộ thú y, 1 cán bộ quản lý thị trường và 1 cán bộ công an, sẽ trực 24/24 để kiểm tra người và phương tiện vận chuyển thịt heo sống lẫn heo đã chế biến ra vào tỉnh.
Về hướng xử lý khi có dịch xảy ra, Đồng Nai quy định rõ: trường hợp ổ dịch là chăn nuôi nhỏ lẻ không có dãy chuồng riêng biệt, khi phát hiện dịch thì xử lý tiêu hủy ngay trong vòng 24 giờ. Các đàn heo xung quanh, liền kề cũng buộc tiêu hủy, kể cả khi chưa có kết quả xét nghiệm.
Đối với trang trại số lượng lớn, có dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ heo trong dãy chuồng có bệnh. Những dãy trại khác áp dụng biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu xét nghiệm định kì, nếu có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn bộ trang trại.
Cần quy định mức giá hỗ trợ phù hợp
Trao với với PV, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho rằng để đối phó với dịch tả lợn châu Phi cần phải có sự đồng lòng của cả chính quyền và người chăn nuôi.
Theo ông Công, về phía chính quyền, cần công bố rõ ràng chính sách hỗ trợ khi heo của người dân bị mắc bệnh, mức giá hỗ trợ hợp lý và thủ tục nhanh gọn để người dân sẵn lòng thông báo ngay nếu heo mình đang nuôi nhiễm bệnh. Còn nếu dân thấy thủ tục phiền hà, mức hỗ trợ thấp, thì họ sẽ giấu và lén lút mang heo đi tiêu thụ, làm tăng nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Về phía người chăn nuôi heo, cũng theo ông Công, cần áp dụng tuyệt đối và tuyên thủ nghiêm ngặt các biện pháp sinh học thì có thể ngăn chặn được mầm bệnh. Cần thực hiện chính sách cấm trại 100%, cấm người lạ vào, người trong trại thì ra vào hạn chế và có biện pháp khử trùng, tiêu độc.
Trong thời gian này, các hộ chăn nuôi, các trang trại.. nên hạn chế mang thịt heo từ ngoài vào, vì bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nhưng thịt heo bên ngoài có thể có mầm bệnh.
Người nuôi heo ở Đồng Nai đang căng mình bảo vệ đàn heo |
Ông Công lo lắng nhất về khả năng lây lan của dịch bệnh này trong quá trình vận chuyển, vì heo ủ bệnh 7 ngày mới phát ra bệnh. Vài ngày đầu, nếu có mắc bệnh, nhưng khó biết, các trạm thú ý kiểm soát trên đường khi kiểm tra có thể xảy ra sơ sót.
“Vì vậy, người phụ trách thú y tại địa phương, nơi xuất heo đi, phải là người nắm rõ nhất trại nào, bầy heo nào có sức khỏe tốt, có dấu hiệu mang mầm bệnh hay không, nếu thú y địa phương làm tốt thì ngăn chặn, hạn chế được việc heo bị bệnh địa phương này lây sang địa phương khác trong quá trình vận chuyển”, ông Công nói.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai, bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh và chữa bệnh, 100% heo mắc bệnh này đều chết. Do đó, Chi cục cũng khuyến cáo người chăn nuôi phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại trang trại, không để dịch bệnh lây nhiễm, xem đó là biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất.
Theo Thanh Niên