Có thể đấu thầu công khai chọn nhà đầu tư ga T3 Tân Sơn Nhất

Thứ sáu, 01/03/2019, 17:02
Trả lời PV, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết có thể sẽ phải đấu thầu công khai chọn nhà đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất khi hiện tại có cả tư nhân xin xây dựng.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1/3, Pv đặt câu hỏi tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về đề xuất xây dựng Nhà ga T3 của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đáp lời, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết dự án xây dựng nhà ga T3 trên cơ sở quy hoạch chi tiết của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được phê duyệt, Chính phủ đã giao Bộ GTVT.

Trước điều kiện đầu tư cấp bách do tình hình ách tắc cả trên bầu trời và dưới mặt đất của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhà ga T3 là một trong những công trình ưu tiên kêu gọi đầu tư.

Theo ông Đông, nhà ga T3 là một trong những công trình ưu tiên kêu gọi đầu tư khi ách tắc cả trên không và bầu trời.

"Chúng tôi đã công khai quy hoạch và hiện tại có Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACVACV+0.0%), đơn vị được giao quản lý khai thác cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đề nghị được đầu tư nhà ga T3”, ông Đông nói.

Tuy nhiên, hiện ACV đã chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ông Đông cũng nhắc đến FLC gần đây đã gửi đề xuất tới Bộ GTVT xin xây nhà ga T3.

“Trong trường hợp có nhiều hơn một nhà đầu tư sẽ phải tổ chức đấu thầu cạnh tranh. Chúng tôi đang tập hợp tất cả đề xuất. ACV có nghiên cứu chi tiết tương tự đề án tiền khả thi còn FLC mới đề nghị chưa có nghiên cứu cụ thể”, ông Đông nói.

Một lần nữa, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh sẽ tập hợp lại các kiến nghị và làm việc với các cơ quan của Chính phủ cũng như Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để lựa chọn sớm nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Một số doanh nghiệp tư nhân khác cũng đang xin đầu tư xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn nhất.

Tháng 12/2018, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương - IPP đã có công văn gửi Bộ trưởng GTVT đề nghị được cùng với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư nhà ga hành khách T3.

Quy hoạch sân đỗ máy bay và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Ảnh: Bộ GTVT.

Trước đó, vào tháng 1/2017, Hãng hàng không Vietjet cũng đề nghị Bộ GTVT cho phép đầu tư nhà ga có công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm tại lô đất tiếp giáp khu vực sân đỗ 21ha.

Ngoài ra, Vietjet cũng xin đầu tư dự án tổ hợp kỹ thuật và dịch vụ hàng không Vietjet tại khu đất 30ha với tổng mức đầu tư lên tới 3.048 tỷ đồng để xây dựng một nhà ga hàng hóa công suất 300.000 tấn/năm. Ngoài ra còn có khu sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật tàu bay và chế biến suất ăn.

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng “giục” Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhà ga hành khách T3 . Sau đó trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Theo quy định, AVC thuộc quyền quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sau khi bàn giao từ Bộ GTVT. Do đó, Bộ GTVT không thể trực tiếp thúc giục ACV đẩy nhanh dự án.

Nếu xây thêm đường băng thứ 3, đến năm 2025 Tân Sơn Nhất có thể phục vụ gần 70 triệu khách/năm.

Trong văn bản gửi Thủ tướng vào tháng 1 vừa qua, Bộ GTVT nhấn mạnh: “Trường hợp ACV không thực hiện đầu tư, Bộ GTVT kính đề nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT công bố danh mục kêu gọi đầu tư theo quy định của pháp luật”.

Theo thống kê Cục Hàng không Việt Nam, năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón 38,414 triệu hành khách. Dự kiến con số này sẽ đạt 45 triệu khách vào năm 2025. Trong khi đó, tổng công suất của 2 nhà ga T1, T2 hiện hữu mới đạt khoảng 28 triệu khách/ năm.

Hiện tại đã khoảng một năm sau khi Thủ tướng phê duyệt quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo phương án của tư vấn ADPi (Pháp). Tuy nhiên, việc đầu tư các công trình cấp bách vẫn triển khai rất chậm chạp.

Theo Zing

Các tin cũ hơn