Đặt mua tới 371 máy bay, Vietjet lấy tiền từ đâu?

Thứ hai, 04/03/2019, 09:27
Trao đổi với PV, ông Greg Waldron, quản lý khu vực châu Á của FlightGlobal, chia sẻ nghiệp vụ bán và thuê lại đối với hợp đồng mua máy bay có thể là một lựa chọn của Vietjet.

Bước sang năm thứ 8 hoạt động, Vietjet Air công bố đã nắm trong tay 46% thị phần hàng không nội địa Việt Nam, với đội hình bay gồm 64 máy bay Airbus. Doanh nghiệp này đang thể hiện tham vọng lớn với hàng loạt đơn đặt hàng có tổng số máy bay lên tới 371 chiếc, bao gồm 200 chiếc Boeing 737 và 171 chiếc Airbus. Trong khi các đơn hàng của Boeing dự kiến bắt đầu bàn giao vào quý IV năm nay, thì Vietjet đã tiếp nhận 55 tàu bay từ Airbus. Dự kiến doanh nghiệp sẽ nhận bàn giao đủ 371 máy bay này vào năm 2025.

Bài toán tài chính thế nào?

Nếu chỉ tính các hợp đồng 3 năm gần nhất, tổng giá trị hợp đồng theo giá công bố cho 200 chiếc máy bay Boeing và 70 máy bay Airbus đã là 32,9 tỷ USD. Giá trị hợp đồng sẽ còn lớn hơn nhiều nếu tính đủ cho 371 máy bay mà Vietjet đã đặt hàng. Đây là một con số lớn với mọi hãng hàng không trên toàn cầu. Nhiều người đặt câu hỏi, Vietjet sẽ lấy tiền đâu để chi trả hàng chục tỷ USD cho các hợp đồng 371 máy bay này?

Doanh thu của hãng hàng không lớn nhất thế giới tính theo quy mô đội bay là American Airlines trong hai năm 2016 - 2017 lần lượt là 40,2 và 42,2 tỷ USD. Với riêng Vietjet, tổng doanh thu 3 năm gần nhất từ 2016 - 2018 của hãng hàng không này là hơn 5 tỷ USD.

Bên cho thuê cũng có lợi khi mua lại những dòng máy bay mới, hiện đại mà Vietjet đặt hàng và thu được dòng tiền đều đặn từ việc cho thuê.

Ông Greg Waldron, quản lý khu vực châu Á của FlightGlobal.

Với các hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD nêu trên, chuyên gia cho rằng Vietjet đang sử dụng nghiệp vụ bán và thuê lại (sale & lease back). Ông Greg Waldron, quản lý khu vực châu Á của FlightGlobal, nhận định với PV: "Đây là một nghiệp vụ phổ biến trong ngành hàng không, đặc biệt là với những hãng hàng không giá rẻ".

Tàu bay Airbus A320 của Vietjet mang số hiệu VNA680 mà hãng đang thuê của GECAS, theo Planespotter. Ảnh: Suparat Chairatprasert.

Theo FlightGlobal, các hãng hàng không khi đặt hàng máy bay sẽ nhận được mức chiết khấu lớn hơn so với bên thứ ba. Business Insider từng dự đoán Vietjet có thể được Boeing giảm tới 50% giá niêm yết cho hợp đồng mua 100 Boeing 737 MAX 200 vào năm 2016. Thời điểm đó, bà Joanna Pickup, đại diện Boeing, nói với PV hãng từ chối bình luận công khai hoặc công bố chi tiết về các đàm phán, cũng như hợp đồng bán máy bay.

Bán và thuê lại thực chất là gì?

Trong giao dịch “bán và thuê lại”, các hãng hàng không chỉ cần chuẩn bị vài phần trăm giá trị hợp đồng để đặt cọc cho Airbus, Boeing. Khi nhận máy bay từ nhà sản xuất, hãng sẽ bán lại tàu bay cho bên thứ ba là các công ty cho thuê máy bay. Số tiền bán máy bay cho bên thứ ba sẽ được hãng dùng để thanh toán cho Airbus, Boeing. Sau đó, hãng hàng không lại đi thuê chính những máy bay này từ các công ty cho thuê để khai thác.

Ông Waldron đánh giá giao dịch bán và thuê lại lợi cả đôi đường. Trong khi hãng hàng không có thể sử dụng nguồn vốn tài chính lớn, tiết kiệm số tiền đáng kể và có đội tàu ổn định thì công ty cho thuê tàu bay cũng có lợi.

“Bên cho thuê cũng có lợi khi mua lại những dòng máy bay mới, hiện đại mà Vietjet đặt hàng và thu được dòng tiền đều đặn từ việc cho thuê”, ông Waldron nhận xét.

Trong thực tế, nghiệp vụ bán và thuê lại máy bay cũng là một trong những hoạt động kinh doanh quan trọng trong báo cáo tài chính của Vietjet. Doanh thu từ hoạt động bán và thuê lại máy bay của Vietjet năm 2016 là 11.600 tỷ đồng, tăng lên 19.800 năm 2017 và giảm còn 18.600 tỷ đồng năm 2018, lần lượt chiếm 42%, 47% và 35% tổng doanh thu.

Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động khai thác vận chuyển hành khách có sự tăng trưởng mạnh qua các năm. Doanh thu từ hoạt động liên quan dịch vụ hàng không của hãng đã tăng một mạch gấp 4,8 lần trong 4 năm, từ gần 7.000 tỷ đồng năm 2014 lên gần 34.000 tỷ đồng năm 2018.

Theo đánh giá của CAPA,  bán và cho thuê lại thường hấp dẫn các hãng hàng không khởi nghiệp vì lợi nhuận tức thì. Ghi nhận của CAPA hồi tháng 10/2017 thì 28 máy bay mà Airbus đã bàn giao cho Vietjet thời điểm đó đều dùng để bán và thuê lại. "Về lâu dài, chúng có thể trở thành một điểm yếu, vì các hãng hàng không sẽ phải trả cao hơn giá thuê trung bình khi tuổi đời máy bay của họ già đi, và phải chịu chi phí cao khi trả lại máy bay", CAPA nhận xét.

Vietjet mua máy bay dựa trên kế hoạch phát triển kinh doanh 10 năm

Trong khi đó, trao đổi với PV, một lãnh đạo Vietjet Air nói rằng việc bán và mua lại là một chương trình hợp tác tài chính giữa các doanh nghiệp để đầu tư hiệu quả vào một dự án.

Với Vietjet, việc đầu tư mua máy bay là rất quan trọng. Phát triển đội bay lớn với các hợp đồng mua máy bay từ Boeing và Airbus nằm trong chiến lược phát triển ổn định và bền vững của doanh nghiệp này.

Với việc đặt hàng số lượng lớn giúp cho hãng không chỉ được giảm giá về thương mại mà còn được sự hỗ trợ về kỹ thuật, bảo hành, bảo trì từ các hãng máy bay Boeing và Airbus.

Hiện nay, Vietjet Air là một trong những hãng có chi phí vận hành thấp nhất ngành hàng không, theo số liệu từ CAPA. Chi phí mỗi dặm bay đã trừ phí nhiên liệu của Vietjet Air là 0,24 USD trong quý III/2018, còn mức chưa trừ phí nguyên liệu là khoảng 0,4 USD. Trên thế giới, các hãng hàng không giá rẻ duy trì được mức phí này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, yếu tố giúp cho công ty phát triển ổn định bền vững là các doanh thu đến từ hoạt động vận chuyển hành khách và các doanh thu liên quan đến chuyến bay.

Nhấn mạnh nhu cầu chủ động trong đội tàu bay và khả năng vận hành của hãng, vị lãnh đạo này cho biết các hợp đồng mua máy bay mới của Vietjet Air với Boeing và Airbus đều dựa trên kế hoạch phát triển kinh doanh 10 năm của hãng.

"Đội tàu bay mà Vietjet đã đặt mua không chỉ phục vụ cho phát triển và khai thác tại Việt Nam mà còn sử dụng cho kế hoạch phát triển liên kết mạng bay với các hãng hàng không liên kết tại các thị trường khác. Đơn cử như hãng hàng không liên kết đầu tiên của Vietjet tại nước ngoài là ThaiVietjet, hãng hàng không tại Thái Lan", lãnh đạo Vietjet cho biết.

Vị này nói thêm có rất nhiều phương thức thu xếp vốn để mua tàu bay như - vay từ nguồn vốn hỗ trợ xuất khẩu (ECA) của US Eximbank, Euler Hermes/COFACE/UK Finance (châu Âu), ]AFIC, phát hành trái phiếu, vốn chủ sở hữu, thuê tài chính, bán và thuê lại tàu bay...

Hoạt động bán và thuê lại chính là thuê hoạt động. Giải pháp này giúp giảm chi phí thuê hoạt động trên 40% so với thị trường do hãng đã có kế hoạch đặt hàng và thuê lại với công ty cho thuê tàu bay.

Vị này cũng xác nhận nghiệp vụ bán và thuê lại đóng góp phần doanh thu đáng kể cho Vietjet, lợi nhuận từ hoạt động bán và thuê lại máy bay bắt đầu từ cuối năm 2014.

Theo Zing

Các tin cũ hơn