Tại hội thảo Tương lai của bán lẻ Việt Nam do Tập đoàn Vingroup tổ chức ngày 28/2 nhiều chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt những xu hướng bán lẻ đã và đang dẫn dắt thị trường.
Bán lẻ theo chuỗi
Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, Đinh Thị Mỹ Loan cho biết, mở rộng chuỗi là xu thế tất yếu của các đơn vị kinh doanh bán lẻ. Hiện dư địa tăng trưởng của mô hình này vẫn còn lớn tại thị trường Việt Nam. Bà Loan cho hay, kinh doanh theo chuỗi tại nhiều tỉnh thành phát triển trong nước đang có mức tăng trưởng 20 - 30% mỗi năm.
Theo chuyên gia này, Việt Nam vẫn còn nhiều không gian để bán lẻ theo chuỗi bứt phá mạnh mẽ. Hậu phương vững chắc của mô hình bán lẻ theo chuỗi là quy mô dân số hơn 90 triệu dân. Tuy nhiên, vấn đề sống còn đối với việc bán lẻ theo chuỗi chính là lựa chọn mặt bằng hiệu quả.
Bên trong một khu mua sắm phía Nam TP HCM. |
Bán lẻ trực tuyến kết hợp với cửa hàng offline
Theo bà Rebecca Pearson, Phó giám đốc Công ty CBRE châu Á, 90% những người mua sắm ở khu vực châu Á Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) sẽ mua nhiều hơn nếu họ đến cửa hàng thực thể (cửa hàng offline) nhận những mặt hàng đã đặt trực tuyến. Các cửa hàng thực thể này nên được đầu tư có vị trí thuận tiện để kết nối với người mua.
Khách hàng hiện đại thích đặt hàng online nhưng mong muốn được đến tận cửa hàng để chạm, sờ, cảm nhận sản phẩm... trước khi nhận hàng. Các thương hiệu lớn và cả các nhà kinh doanh trực tuyến lớn như Everlane, Amazon, Habitat... đều mở cửa hàng thực thể. Ví dụ Uniqlo đã tăng doanh thu 40% nhờ các cửa hàng thực thể này.
Xu hướng hiệu nay các nhà bán lẻ trực tuyến mở các cửa hàng thực thể (cửa hàng offline) để trưng bày, cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm và tăng hiệu quả kinh doanh. Các doanh nghiệp hãy nắm bắt và áp dụng công nghệ tại cửa hàng, đừng quan tâm quá nhiều đến cái nhập chuột.
Bán lẻ bổ sung trải nghiệm thực tế
Tại hội thảo, ông Geoffrey Morrison, sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Concept I cho rằng trải nghiệm thực tế là cánh cửa dẫn đến thị trường bán lẻ sôi động. Xu hướng tăng đầu tư để gia tăng tương tác kỹ thuật số trong hệ thống bán lẻ đang là bài toán sống còn. Thế nhưng các trải nghiệm mua sắm mới chính là con át chủ bài. Vì vậy, cần có sự phân biệt khách hàng thường xuyên và vãng lai để mở rộng các trải nghiệm mới mẻ, tạo điều kiện kích cầu.
Bán lẻ 4.0 song hành với truyền miệng
Ông Chris Dobson, Phó Chủ tịch Viện thiết kế Bán lẻ nhận định, dù nền tảng công nghệ đã phát triển và được ứng dụng ngày càng đa dạng vào thị trường bán lẻ nhưng truyền miệng vẫn là kênh phân phối nặng ký. Thị trường đang diễn biến theo chiều hướng 50% mua sắm đựa trên trải nghiệm và 80% mua sắm bằng cách truyền miệng. Các trao đổi của chính khách hàng với nhau sau khi trải nghiệm tại cửa hàng sẽ được kể lại cho bạn bè, người thân... và điều đó giúp việc mua sắm sôi động hơn.
Theo VNE