Càng vào dịp cuối năm, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi càng trở nên sôi động. Nhiều công nhân, sinh viên nghèo vì cần tiền chi tiêu trong dịp Tết đã sẵn sàng tìm đến dịch vụ này dù lãi suất trên trời. Và đằng sau những lời ngọt ngào "cho vay không cần thế chấp, chỉ cần CMND, hộ khẩu, giao tiền tận nơi"… là những tháng ngày bị khủng bố về tinh thần, đe dọa hành hung, thậm chí dọa giết nếu không trả đúng hẹn.
Rất nhiều nạn nhân đã mắc vào tơ nhện, dù chỉ vay một khoản rất nhỏ nhưng trả mãi không hết vì lãi mẹ đẻ lãi con. Không ít người nghĩ quẩn tìm đến cái chết như một cách thoát khỏi tín dụng đen, nhiều người quyết định bỏ trốn, để lại người thân với khoản nợ trên trời. Nhiều người tỉnh táo hơn đã tìm đến các văn phòng luật sư nhờ tư vấn pháp lý để có thể đón một cái Tết yên bình bên gia đình.
Theo những lời giới thiệu trên những tờ rơi quảng cáo xuất hiện nhan nhản khắp nơi, nếu vay dưới 10 triệu đồng, lãi suất sẽ dao động 5.000-6.000 đồng/1 triệu đồng/ngày; khoản vay từ 30 triệu đồng trở lên có lãi suất từ 4.000-5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Mức lãi suất còn được áp dụng với thời hạn vay nhưng thường không quá 50 ngày. Nếu quá hạn, người vay sẽ bị tính lãi suất cắt cổ, hoặc sẽ có luật xử phạt.
Quảng cáo tín dụng đen nhan nhản khắp các con phố, ngõ hẻm. |
Dịp cận Tết, lương thấp, chi phí sinh hoạt cao, nhiều công nhân lại quyết định tìm đến tín dụng đen dù biết có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Ông Nhân Đình Hành (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã 3 năm ăn Tết một mình. Vợ chồng người con trai út vì dính dáng đến tín dụng đen đã phải bỏ đi biệt xứ, bỏ lại ông trong căn nhà rộng rãi, trống trải này. Người đàn ông gần 80 tuổi thường xuyên bị những kẻ cho vay nặng lãi đến đe dọa, khủng bố. Không chỉ hắt dầu luyn, ném sơn đỏ, những kẻ này còn sơn dòng chữ "Về trả tiền" ngay cạnh cổng ra vào. Gần đến Tết, ông Hành không khỏi bồi hồi xót xa khi nghĩ về cảnh đoàn viên ngày Tết.
Những kẻ cho vay nặng lãi sơn dòng chữ "Về trả tiền" ngay cạnh cổng ra vào nhà ông Hành. |
Không chỉ công nhân và người lao động nghèo, những sinh viên tỉnh lẻ cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của tín dụng đen. Câu chuyện của một nam sinh viên Đại học Công nghiệp (Hà Nội) sinh năm 2000 trong phóng sự là một ví dụ. Nam sinh viên này từ quê lên thành phố học đại học, việc chưa biết cách chi tiêu cùng những cám dỗ từ bạn bè khiến cậu tiêu hết tiền bố mẹ chu cấp chỉ trong một thời gian ngắn. Tới lúc cần đóng tiền học, hết tiền nhưng không biết vay ai, cậu chấp nhận vay 6 triệu đồng với lãi suất cao. Tuy nhiên, gần 1 năm, cậu vẫn chưa thể trả hết. Suốt một thời gian dài, cậu liên tục nhận được những tin nhắn đe dọa, thậm chí dọa dẫm cắt chân, cắt tay, thông báo cho gia đình, trường học.
Trốn tránh không được, cậu buộc phải tìm đến văn phòng luật sư, mong nhận được sự hỗ trợ, tư vấn về pháp luật. Sau một hành trình dài làm việc căng thẳng giữa luật sư và những kẻ cho vay, nam sinh viên này chỉ phải trả nốt tiền gốc và một khoản lãi suất hợp lý để yên tâm đón Tết.
Luật sư Trần Xuân Tiến (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: "Bản chất của việc này là cho vay nặng lãi, cho vay quá quy định pháp luật. Về hình thức đó là quan hệ dân sự, nhưng bản chất lại là vi phạm pháp luật hình sự, là tội cho vay nặng lãi. Kẻ cho vay nặng lãi khi không đòi được nợ, đe dọa, nhắn tin như khủng bố, có thể dẫn đến hậu quả là người vay lâm vào tình trạng nguy hiểm, thậm chí sợ hãi tự tử. Việc đó có thể dẫn đến tội hình sự khác. Nói tóm lại, hậu quả của tín dụng đen rất ghê gớm".
Luật sư Tiến cho rằng bản chất của tín dụng đen là vi phạm pháp luật hình sự. |
Dù đã triển khai nhiều biện pháp truy quét những kẻ cho vay nặng lãi nhưng các vụ việc bị đưa ra xử lý chỉ như muối bỏ bể. Vào dịp cận Tết, nhu cầu cần tiền của một bộ phận người dân lại gia tăng, tín dụng đen được coi là lựa chọn nhanh chóng nhất. Tuy nhiên, họ không hề biết rằng chỉ cần một thoáng "tặc lưỡi" có thể trả giá bằng một cái Tết buồn.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý hoạt động tín dụng đen xảy ra tại nhiều địa phương gây bất ổn trật tự xã hội, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngân hàng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Tín dụng đen cho vay lãi suất cắt cổ đang bủa vây người yếu thế từ thành thị đến nông thôn, từng ngóc ngách bản làng. Lo hơn nữa là cách đòi nợ kiểu xã hội đen hiện nay đẩy người vay đến chỗ mất nhà, đẩy gia đình người vay đến cảnh nghèo đói, trở thành những "chị Dậu thời kỳ mới".
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Ngân hàng chủ động phối hợp với Bộ Công an, xử lý tốt hơn tình trạng tín dụng đen, kịp thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tín dụng một cách chính đáng.
Theo VTC