Gần Tết, "tín dụng đen" bủa vây công nhân

Thứ hai, 07/01/2019, 08:48
Cuối năm, tại một số khu công nghiệp (KCN), hoạt động tín dụng đen nở rộ với nhiều hình thức cho vay mới. Nhiều công nhân vay đến hạn không có tiền trả, phải bỏ việc trốn nợ.

"Tín dụng đen" trong KCN hoạt động cả ngày lẫn đêm

Nhận lương từ… tiệm cầm đồ

Tại KCN Yên Bình (Phổ Yên, Thái Nguyên), nơi có hàng chục nghìn công nhân làm việc, nhiều tiệm cầm đồ, cho vay tài chính hoạt động rất sôi động. Chỉ dạo quanh trong một khu chợ ở đây đã thấy có đến hàng chục tiệm cầm đồ với những lời chào mời hấp dẫn.

Từ tiệm cầm đồ bước ra, anh Nguyễn Văn Chung (25 tuổi, Nghệ An) cho biết, anh vừa phải đóng 3 triệu đồng lãi vay tín dụng đen. Lý do là đầu tháng 6/2018 chơi lô đề, anh Chung mắc nợ 20 triệu đồng phải tìm ngay đến tiệm cầm đồ ở trước cổng KCN.

Anh Chung cho biết, chỉ cần chứng minh thư, thẻ công nhân là có thể vay được tiền. Với mức lãi từ 3.000 đến 5.000 đồng/triệu/ngày, công nhân có thể vay từ 1 đến 50 triệu đồng.

Với lãi suất trên, theo tính toán, người vay phải chấp nhận lãi suất khoảng 10-15%/tháng, tương đương 120 - 150%, cao hơn cả chục lần so với lãi suất vay thông thường, thậm chí lên tới hơn 300% mỗi năm. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng cho vay chỉ 10-14 % mỗi năm.

Theo anh Chung, khi vay tiền, công nhân chỉ cần để lại chứng minh thư và thẻ ATM (doanh nghiệp trả lương cho công nhân qua ngân hàng). Chủ tiệm cầm đồ sau khi kiểm tra đúng mật khẩu ATM là  cho vay thoải mái. Thẻ phía chủ tiệm giữ lại. Đến kỳ lĩnh lương, chủ tiệm chủ động rút tiền trong ATM của họ đúng bằng số tiền lãi mỗi công nhân phải đóng hằng tháng.

Bỏ việc vì tín dụng đen

Theo ghi nhận, công nhân tại các KCN vay nặng lãi rất phổ biến. Với mức lương dao động 6-8 triệu đồng/tháng, trừ các chi phí ăn ở, sinh hoạt, số tiền mỗi công nhân tiết kiệm còn lại không nhiều. Do đó, vào cận Tết, nhu cầu mua sắm, vay tiêu dùng tăng cao, nhiều người không đủ tiền tiêu đã tìm đến tín dụng đen.

Anh Lê Quang Hoài (Công nhân tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh) kể, do có nhu cầu mua xe máy mới, vào đầu tháng 12/2018, anh phải vay thêm 15 triệu đồng từ các tiệm cầm đồ, và trả góp dần.

Cụ thể, khi đến vay tiền, anh chỉ cần đăng ký tên món đồ, còn phía cho vay sẽ mua xe thay anh. Sau đó, họ sẽ làm thủ tục dưới dạng cho thuê xe. Khi thanh toán đủ tiền gốc và lãi, sẽ ký hợp đồng mua bán xe cho người vay nợ. Số tiền trả hằng tháng, người cho vay sẽ nhận qua thẻ lương.

Dù vậy, anh Hoài cho biết, phần lớn những người dính vào tín dụng đen thường là công nhân trẻ thua cờ bạc, lô đề. Mức họ vay phổ biến nhất 20 - 30 triệu đồng. Có trường hợp nợ hàng trăm triệu đồng, không có tiền trả, đã bỏ về quê sớm như anh Lê Đức S làm công nhân tại KCN Bắc Ninh.

Ông Lại Hoàng Dũng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Samsung Electronics Việt Nam cho biết, bên ngoài KCN, tín dụng đen hoạt động rất công khai.  KCN Yên Phong có khoảng hơn 200 nghìn công nhân nên có nhiều vấn đề rất phức tạp. Theo ông Dũng, để tránh tình trạng công nhân vay tín dụng đen, các công ty cần quan tâm sâu sát đời sống công nhân.

Đại tá Vũ Xuân Lộc, Trưởng Công an huyện Yên Phong, Bắc Ninh cho biết, Công an tỉnh Bắc Ninh đã giao huyện rà soát lập hồ sơ để quản lý các cơ sở kinh doanh cầm đồ. Phía công an tỉnh vừa triệt phá đường dây tín dụng đen, thu giữ gần 2.700 hồ sơ vay tiền, trong đó có nhiều người là công nhân tại các KCN vay từ vài triệu đến vài chục triệu.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn