Sáng 18/3, loa phát thanh hai xã Thanh Khương, Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh) liên tục phát thông báo tới gia đình có con em học trường mầm non trên địa bàn đến lấy mẫu máu xét nghiệm sán lợn tại trường. Việc này được thực hiện miễn phí, những trường hợp kiểm tra tại bệnh viện trung ương trước 17/3 được hỗ trợ. Hiện mỗi mẫu tốn từ 700.000 đến một triệu đồng.
Tại Trường mầm non Thanh Khương, khu vực lấy máu xét nghiệm đặt tại tầng hai, nơi nhân viên y tế kê sẵn bàn, chuẩn bị dụng cụ lấy máu. Do phụ huynh bế con đến đông nên nhân viên y tế phải dùng loa kêu xếp hàng. Cả dãy phòng học ầm ĩ tiếng trẻ con khóc, kêu đau vì bị chọc kim tiêm lấy máu.
Giữ chặt miếng bông gòn trên cánh tay cháu, bà Nguyễn Thị Mai, 58 tuổi, nói: "Khổ thân cháu tôi, sáng mới ăn được bát cháo. Lấy máu xong chắc mệt lắm. Mong rằng cháu không bị nhiễm sán lợn".
Con trai học lớp 1, không nằm trong danh sách được xét nghiệm, chị Nguyễn Thị Thảo (34 tuổi) vẫn đưa con đến. "Con tôi từng theo học trường Thanh Khương 2 năm. Bạn cùng lớp mẫu giáo của cháu mới có kết quả dương tính sán lợn. Tôi rất lo lắng, muốn đưa con đi kiểm tra, nhưng nhà trường thông báo chỉ thực hiện với học sinh đang học tại trường", chị Thảo nói.
Đến 10h30, hơn 120 học sinh được lấy mẫu xét nghiệm. Nhiều phụ huynh bày tỏ không tin tưởng việc lấy mẫu tại trường. Một số cầm biển đề nghị hỗ trợ cho những học sinh bị dương tính với sán lợn; yêu cầu đảm bảo thực phẩm sạch trong trường học và xử lý công ty cung cấp thực phẩm...
Theo kế hoạch, học sinh ở 19 trường mầm non đóng tại 18 xã, thị trấn của Thuận Thành sẽ được lấy máu. Mỗi ngày, nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương sẽ tiến hành tại hai xã, lần lượt đến 28/3. "Tất cả mẫu máu được gửi ra Viện Sốt rét xét nghiệm, vì thế kết quả hoàn toàn đáng tin cậy", ông Hoàng Đình Minh, Chủ tịch xã Thanh Khương, trấn an người dân.
Phụ huynh xếp hàng đăng ký cho con xét nghiệm tại trường mầm non Thanh Khương sáng 18/3. |
Bốn ngày qua UBND huyện Thuận Thành liên tục họp với đại diện 18 xã, thị trấn, hiệu trưởng và các phòng ban. "Đây là sự việc ngoài mong muốn. Chúng tôi rất buồn", Phó chủ tịch huyện Lê Văn Nho nói và cho biết huyện đã yêu cầu các trường từ ngày 6/3 dừng sử dụng thực phẩm do Công ty TNHH Tài chính Hương Thành cung cấp. Thống kê có hơn 9.500 học sinh thuộc 19 trường mầm non và hai trường tiểu học sử dụng thực phẩm của doanh nghiệp này.
Trả lời về quy trình kiểm soát thực phẩm vào các trường, ông Nho cho biết, việc chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, kiểm soát chất lượng được giao cho các trường tự chủ, hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm. Tại trường Thanh Khương, hiệu trưởng đã bị đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm khi để thực phẩm kém chất lượng vào trường.
Theo ông Nho, đến ngày 15/3, tất cả trường tìm được nguồn thực phẩm thay thế, tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh có nhu cầu. Số học sinh ăn bán trú đạt 85%.
Nhân viên y tế tỉnh Bắc Ninh lấy mẫu máu xét nghiệm cho học sinh trường Thanh Khương. |
Kế hoạch xét nghiệm cho học sinh mầm non ở Thuận Thành được triển khai sau khi hàng nghìn trẻ tại đây được đưa lên Hà Nội khám do nghi sán lợn. Đến tối 17/3, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã xác định 209 ca dương tính với sán lợn. Đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng, bởi nhiều phụ huynh tiếp tục đưa con lên Hà Nội khám.
"Bình thường tỷ lệ nhiễm sán lợn trong cộng đồng rất thấp, việc tại một khu vực như Thanh Khương có nhiều cháu bé nhiễm sán là bất thường, cần được quan tâm", giáo sư Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nói.
Hiện chưa rõ nguyên nhân học sinh bị nhiễm sán lợn từ đâu. Trước đó cuối tháng 2, một số phụ huynh đăng video ghi lại món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán lợn trong bữa ăn tại trường Thanh Khương. Một tuần sau, phụ huynh vào kiểm tra bếp ăn của trường, phát hiện thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh đã bị mủn, có mùi, khác với cam kết cung cấp thịt tươi sống. Cơ quan công an đã lập biên bản, niêm phong số thực phẩm và đưa đi kiểm nghiệm.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sán lợn xuất hiện do thực phẩm nhiễm các ký sinh trùng trong đất, trong nước. Sán vào cơ thể người do con người ăn rau không rửa sạch, thực phẩm không nấu chín... Khi con người nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày nở ra ấu trùng. Ấu trùng đến ruột non sẽ xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu, di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt rồi sẽ hóa nang. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện có 55 tỉnh, thành phố ghi nhận căn bệnh này. Phác đồ điều trị hiện nay, cần một ngày để tiêu diệt sán trưởng thành và hai tuần diệt hết trứng sán. |
Theo VNE