"Tắc" bến bãi cho xe buýt

Thứ hai, 18/03/2019, 10:08
Trong bối cảnh xe buýt phải là chủ lực của hệ thống giao thông công cộng tại TP.HCM thì việc đầu tư cho loại hình này lại tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là hệ thống bến bãi.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát xe cá nhân trên địa bàn TP, trong đó nêu rõ mục tiêu ít nhất đến năm 2030, xe buýt vẫn là chủ lực của hệ thống giao thông công cộng (GTCC). Tuy nhiên, những mục tiêu đặt ra bị xem là khó khả thi trong bối cảnh hệ thống xe buýt đang còn nhiều hạn chế.

Thiếu đất xây bến bãi

Theo quy hoạch, hệ thống bến bãi cho GTCC tại TP.HCM là 1.145,88ha nhưng hiện mới chỉ đạt khoảng 20% (còn thiếu hơn 900ha). Vấn đề này, theo Sở GTVT TP là không chỉ khiến việc phát triển mạng lưới xe buýt tại TP gặp khó mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác. Đơn cử như việc lập điểm đầu - cuối cho các tuyến xe, hiện phần lớn đang phải tổ chức dưới lòng, lề đường hoặc những vị trí ít có nhu cầu đi lại.

Có thể kể đến khu vực trước Trường THPT Hiệp Bình trên đường Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) hiện đang tổ chức làm điểm cuối của tuyến xe buýt số 89. Tuyến đường này khá hẹp lại ở đoạn trước cổng trường làm tình hình giao thông trở nên lộn xộn. Ngoài ra, xe buýt đậu dọc bên đường, chắn ngang lối ra, vào nhà khiến sinh hoạt người dân bị đảo lộn.

Tương tự, điểm cuối của tuyến xe buýt số 31 đặt trong khu dân cư Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh), vị trí xung quanh là các căn biệt thự nên cư dân ít có nhu cầu đi xe buýt. Dù vậy, do là điểm cuối nên các xe bắt buộc phải vào đậu để chờ tài, bàn giao ca... dẫn đến lộ trình của tuyến xe bị kéo dài và gây lãng phí trong quá trình hoạt động.

Điểm cuối của tuyến xe buýt số 31 đặt trong khu dân cư Bình Lợi, nơi các cư dân ít có nhu cầu đi xe buýt nên thường vắng khách khi xuất phát tại đây

Theo một cán bộ thuộc Trung tâm Quản lý GTCC - Sở GTVT TP.HCM, quỹ đất dành cho việc xây dựng bến bãi xe buýt không chỉ thiếu trầm trọng mà còn phân bổ không đều, ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức mạng lưới cũng như hoạt động của các tuyến xe. Riêng việc tổ chức điểm đầu - cuối cho các tuyến xe buýt, dù trước khi lập ra đã có khảo sát và tính toán nhưng trong quá trình hoạt động vẫn phát sinh nhiều bất cập, phải liên tục điều chỉnh, di dời qua vị trí mới.

Bị quy hoạch điều chỉnh

Trong một báo cáo trình UBND TP.HCM hồi tháng 9-2018, Sở GTVT đánh giá tại nhiều quận, huyện, một số vị trí quỹ đất có chức năng bến bãi phục vụ hoạt động VTHKCC bằng xe buýt đã được sở đưa vào danh mục đầu tư công nhưng đã bị thay đổi chức năng hoặc lồng ghép vào các dự án xây dựng khu đô thị.

Điển hình tại quận Thủ Đức, theo quy hoạch chung, bến xe buýt được bố trí trong khuôn viên ĐHQG TP.HCM, dọc hành lang xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên, trong quy hoạch của ĐHQG được phê duyệt, vị trí bến xe buýt này lại quy hoạch tại vị trí ngã ba đường trục trung tâm và Quốc lộ 1 (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Cũng tại quận Thủ Đức, vị trí bãi đậu xe buýt tại phường Tam Bình - Hiệp Bình Phước có chức năng là bãi kỹ thuật xe buýt nhưng quy hoạch chi tiết xây dựng lại có chức năng là đất cây xanh ven rạch.

Tương tự, tại quận 3, bến xe buýt được xác lập lồng ghép trong quy hoạch chi tiết ga Hòa Hưng nhưng quy hoạch chi tiết (tỉ lệ 1/2.000) liên phường 9-13, quận 3 được UBND TP phê duyệt năm 2013 lại không bố trí trong ga Hòa Hưng nên hiện nay không có cơ sở để triển khai. Tình trạng trên, theo Sở GTVT còn diễn ra tương tự ở một số vị trí thuộc các quận 4, 7, 12, Bình Tân, Tân Bình và huyện Bình Chánh, Hóc Môn.

Thực trạng này khiến hoạt động VTHKCC đang gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức phát triển mạng lưới tuyến, người dân cũng khó tiếp cận các phương tiện GTCC. Trong khi đó, việc thiếu bến bãi, mạng lưới xe buýt hoạt động có tỉ lệ trùng lắp của các tuyến xe hiện còn cao.

Những con số "không tưởng"?

Theo đề án tăng cường VTHKCC kết hợp hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM vừa tổ chức phản biện ngày 1-3, mục tiêu đến năm 2025, thị phần VTHKCC tại TP phải đảm nhận từ 20,5% - 26,6%, đến năm 2030 đảm nhận từ 29,3% - 36,8%, hướng tới dừng hoạt động của xe máy trong giai đoạn 2025- 2030 cũng như hạn chế việc sử dụng ôtô cá nhân. Hầu hết các ý kiến đều đồng tình việc phát triển GTCC là giải pháp căn cơ để giảm kẹt xe, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trước thực tế hiện nay, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng những con số đề ra ở đề án nêu trên là "không tưởng".

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn