Động thái rút khỏi hiệp ước thành lập ICC của Philippines xảy ra sau 1 năm Tổng thống Rodrigo Duterte than phiền về việc ông cảm thấy các quan chức Liên Hiệp Quốc đã "nỗ lực phối hợp" để khiến ông trông như "kẻ vi phạm nhân quyền máu lạnh và tàn nhẫn". Ông Duterte bày tỏ sự phản đối về "những lời chỉ trích chưa từng thấy, vô căn cứ và thái quá nhắm vào tôi".
Sau khi được ký kết và ban hành bởi 123 nước vào năm 1998 trong một hội nghị ngoại giao tại Rome - Ý, Quy chế Rome về ICC đã trao cho phiên tòa này quyền tài phán về tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh.
Vào tháng 2-2018, ICC đã tiến hành một cuộc điều tra sơ bộ về chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi của ông Duterte. Từ khi ông nhậm chức vào giữa tháng 6-2016, cảnh sát cho biết hơn 5.000 nghi phạm đã bị bắn chết trong những cuộc truy quét ma túy. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền khẳng định số người chết thực chất là hơn 20.000, trong đó 2/3 bị giết bởi những sát thủ được cảnh sát hậu thuẫn.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters
Trước khi bị ICC điều tra, ông Duterte đã bị chỉ trích về "tội ác chống lại loài người" do những vụ giết người nêu trên.
Philippines ký hiệp ước Quy chế Rome vào năm 2000 và phê chuẩn nó vào năm 2011. Việc Philippines rút khỏi ICC không ngăn cản được phiên tòa theo đuổi các vụ kiện chống lại ông Duterte.
Trước đó, Burundi là nước đầu tiên rời khỏi ICC vào năm 2017 trong bối cảnh những cuộc điều tra nhắm vào "tội ác chống lại loài người trong quá khứ" của nước này.
Theo NLĐ