Thượng úy, phi công cấp 1 Nguyễn Văn Thuận (phía trước) bay đơn tại Việt Nam - Ảnh: NVCC
Được khám phá nhiều vùng đất, vùng trời, những cảm xúc đó chỉ có phi công chứng kiến được Phi công NGUYỄN VĂN THUẬN |
Tối nay 19-3, Trung ương Đoàn sẽ vinh danh 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2018 và 10 gương mặt trẻ triển vọng tại Hà Nội.
Thượng úy Nguyễn Văn Thuận, 28 tuổi, phó phi đội trưởng phi đội 2, lữ đoàn 954, Quân chủng hải quân, là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu được vinh danh lần này. Với hơn 1.450 giờ bay huấn luyện và nhiệm vụ tích lũy, anh trở thành phi công cấp 1 - cấp cao nhất của phi công quân sự Việt Nam ở độ tuổi còn rất trẻ.
Nhiệm vụ đặc biệt
Thi đậu Học viện Hải quân với chuyên ngành đào tạo để sau này trở thành thuyền trưởng một con tàu mặt nước, nhưng Nguyễn Văn Thuận lại trúng tuyển vào dự khóa học tàu ngầm, sau đó tiếp tục trúng tuyển phi công.
"Khá bất ngờ như nghề chọn người, nhưng khi cầm lái máy bay rồi thì cảm giác phấn khích, yêu thích nghề nghiệp được hình thành từ lúc đó" - phi công cấp 1 Nguyễn Văn Thuận nhớ lại những ngày đầu bén duyên với máy bay DHC-6 còn được mệnh danh là "thủy phi cơ". Anh là một trong tám học viên đầu tiên được tuyển chọn sang Canada và được đào tạo nhận bằng phi công quốc tế cá nhân và bằng phi công thương mại chở khách.
Thuận nhớ rất rõ ngày 10-3-2011 sau ba tháng học tiếng Anh, thầy giáo vui mừng nói với cậu học trò: "Ngày mai bay nhé". Đó là chuyến bay đầu tiên trong đời của chàng phi công trẻ. "Cảm giác đầu tiên khi người ta đưa máy bay cho mình lái khá lạ lẫm, thú vị xen phần thích thú. Không gian mình chạy xe trên đường bộ khác với không gian đa chiều lái máy bay" - Thuận nhớ lại chuyến bay đầu tiên.
Nhưng khó nhất vẫn là lái thủy phi cơ DHC-6, phi công Thuận cùng các anh em được cử đi học Canada là những phi công đầu tiên của Việt Nam khai thác loại máy bay này. Với các loại máy bay khác ở Việt Nam có cha ông đi trước truyền đạt lại kinh nghiệm, nhưng với loại máy bay mới chỉ có một giáo viên duy nhất là người nước ngoài, học viên phải vượt qua được rào cản ngôn ngữ để học tập, tìm ra khuyết điểm của mình và phân tích để về sau không được phép lặp lại khuyết điểm đó, yêu cầu tỉ mỉ, thận trọng.
Năm 2013, Thuận tốt nghiệp và nhận bằng phi công thương mại ở Canada, chuẩn bị về nước thì được các thủ trưởng giao nhiệm vụ mới: ở lại làm trợ giảng, phiên dịch các lớp kỹ thuật máy bay. Bên cạnh đó chuẩn bị thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt khác: đưa máy bay DHC-6 đầu tiên từ Canada về Việt Nam.
Phi công Nguyễn Văn Thuận là phi công đầu tiên và duy nhất của Hải quân Việt Nam được thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Chuyến bay kéo dài 50 giờ bay trên không, đi qua bảy sân bay, năm quốc gia và kéo dài liên tục trong 10 ngày.
"Rất thú vị là trải nghiệm tuyệt vời nhất của tôi. Được khám phá nhiều vùng đất, vùng trời, những cảm xúc đó chỉ có phi công chứng kiến được" - phi công Thuận xúc động nhớ lại.
Ngày 29-10-2013, báo đài Việt Nam đưa tin tại sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), Quân chủng hải quân đã tổ chức đón thủy phi cơ DHC-6 đầu tiên về Việt Nam.
Đây là máy bay có thể hạ - cất cánh tại sân bay Trường Sa, có thể cất cánh trên mặt nước, tối đa chở đến 19 hành khách và hai phi công, cũng là nhiệm vụ của đơn vị lữ đoàn 954 thường xuyên thực hiện chở, tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, chở thủ trưởng các cấp đi công tác tại Trường Sa và có một nhiệm vụ đặc biệt khác là trinh sát.
Bay ở Trường Sa, không được sai sót dù là 1cm
Đến nay, thượng úy Nguyễn Văn Thuận đã có sáu năm gắn bó trên bầu trời, mặt biển với thủy phi cơ DHC-6, tích lũy hơn 1.450 giờ bay. Danh hiệu phi công quân sự cấp 1 - mục tiêu nghề nghiệp đối với bất cứ một phi công quân sự nào - được trao cho phi công Nguyễn Văn Thuận là minh chứng cho kỹ năng, khả năng bảo đảm an toàn bay khi sử dụng DHC-6.
Sáu năm với hàng trăm chuyến bay ra Trường Sa, thượng úy Thuận thừa nhận đây là một trong những nhiệm vụ cực kỳ khó vì khoảng cách từ Trường Sa đến đất liền rất xa với hơn 250 hải lý, bay hoàn toàn trên biển, khí tượng trên biển thay đổi bất ngờ đòi hỏi phi công lái DHC-6 phải có sự tỉnh táo.
"Sân bay Trường Sa là một trong những đường băng hẹp nhất tôi từng bay. Để đạt được trình độ phê chuẩn cất - hạ cánh ở sân bay Trường Sa đòi hỏi phi công phải có kỹ năng, tính kỷ luật trong bay, không được sai sót dù là 1cm" - phi công Thuận quả quyết.
Anh chia sẻ những tình huống bất ngờ như thời tiết trên biển thì có rađa quan sát thời tiết giúp phi công có thể vòng tránh hoặc dựa vào kinh nghiệm nhìn đám mây biết được có nguy hiểm hay không. Nếu một động cơ hỏng, phi công sẽ khắc phục bay bằng động cơ còn lại và hạ cánh an toàn.
"Nhưng đa số giờ bay của tôi là trên biển nên không được phép xảy ra bất trắc, đảm bảo an toàn tuyệt đối 100%, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối phó mọi tình huống trên không cũng như mặt đất" - thượng úy Nguyễn Văn Thuận chia sẻ.
Năm 2018, thượng úy Thuận thực hiện tám chuyến bay ra Trường Sa. Đặc biệt, anh hoàn thành bay trước tiến độ tất cả các khoa mục bay trên máy bay DHC-6, được phê chuẩn phi công lái chính tất cả khoa mục giản đơn cũng như phức tạp. Anh còn được phép đào tạo học viên thành phi công, được phê chuẩn giáo viên ngày khí tượng giản đơn, khí tượng phức tạp; đêm khí tượng giản đơn, khí tượng phức tạp.
Đi công tác liên miên, xa nhà thường xuyên nhưng niềm vui lớn nhất là gia đình luôn sát cánh bên phi công Nguyễn Văn Thuận. Anh hạnh phúc "bật mí" sắp tới gia đình anh sẽ đón hai "công chúa nhỏ" sinh đôi.
Sau này khi con lớn lên, điều đầu tiên anh muốn nói với con gái của mình là: "Cha là một quân nhân, là một phi công, một phi công bay an toàn". |