Tín dụng đen: "Vòi bạch tuộc" tác oai tác quái

Thứ bảy, 09/03/2019, 09:08
Công an Thanh Hóa vừa tiếp tục triệt xóa 1 tổ chức tín dụng đen có quy mô toàn quốc, cho vay với lãi suất “cắt cổ”, hoạt động núp dưới danh nghĩa một công ty kinh doanh nhiều lĩnh vực.

Lãi suất “cắt cổ”- hơn 300%/năm

Tổ chức tín dụng đen hoạt động dưới danh nghĩa Công ty Tín Nghĩa do Nguyễn Giang Huy (SN 1986, ở Lạch Tray, Lê Chân, Hải Phòng) cầm đầu. Với nguồn vốn tự có, một số đối tượng ở Hải Phòng đăng ký kinh doanh vận tải, phòng vé máy bay, đồ gỗ mỹ nghệ lấy tên chung là Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ vận tải Tín Nghĩa. Tuy nhiên, công ty này không hoạt động đúng ngành nghề kinh doanh đăng ký mà thực hiện các hành vi cho vay nặng lãi (lãi suất từ 5.000- 9.000 đồng/1 triệu/1 ngày- tương đương với mức lãi suất từ 182,5%/1 năm đến 328%/1 năm). Các đối tượng lập ra nhiều chi nhánh, mỗi chi nhánh có quản lý, kế toán, nhân viên thu nợ.

Thủ tục vay tiền gồm giấy vay tiền viết tay hoặc hợp đồng thuê xe máy (nhưng thực tế không nhận được xe máy nào). Trong giấy vay tiền, tổng số tiền vay của khách hàng trong giấy vay nợ sẽ là tiền gốc và tiền lãi gộp lại; giấy bàn giao xe và cam kết khách hàng.

Số lượng tiền cho vay thường giao động từ 5 đến 70 triệu đồng. Thời hạn vay tối đa 50 ngày, số tiền thu nợ sẽ bao gồm cả gốc và lãi. Hàng ngày tại các địa điểm (phòng vé) đã thuê, các nhân viên thu nợ theo ngày như đã hẹn với khách hàng. Kế toán sẽ đứng ra tổng hợp khách đã thu, chưa thu sau đó gửi qua email cho kế toán khu vực. Mỗi ngày, kế toán khu vực gửi danh sách các khách hàng, số tiền thu hàng ngày cho kế toán tại các địa điểm để thu nợ. Khách hàng có thể trực tiếp nộp tiền mặt tại các điểm giao dịch hoặc chuyển khoản.

Quy định về pháp luật chưa chặt chẽ

Theo thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, hoạt động tội phạm có liên quan đến tín dụng thường rất tinh vi, nhiều thủ đoạn đối phó để tránh việc đấu tranh, xử lý của các cơ quan chức năng. Các quy định về pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng chưa chặt chẽ, rõ ràng. Một số điều luật như tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến khó khăn trong việc phân định về quan hệ dân sự, hình sự khi điều tra xử lý đối với loại tội phạm này...

Có nhiều nguyên nhân khiến cho thực trạng tín dụng đen phát triển, trong đó có cả quy định của pháp luật chưa đủ nghiêm, đủ mạnh để xử lý, ngăn chặn, giải quyết các vấn đề liên quan phát sinh từ hoạt động này. Ngoài ra, công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tín dụng, ngân hàng còn có những bất cập.

Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, thời gian tới, lực lượng công an tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tích cực tham gia tuyên truyền về tình hình, phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm trên... Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh; chỉ đạo các cơ quan Tư pháp phối hợp điều tra, xử lý nghiêm minh đối với các vụ án có liên quan đến hoạt động tín dụng đen...    

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn