Tin xấu cho Trung Quốc: Mỹ có thể quay lại thời pháo hạm

Thứ sáu, 08/03/2019, 09:19
Loại chiến hạm to lớn này có thể đáp trả những hành vi gây hấn của Trung Quốc bằng việc vô hiệu hóa các cảm biến dưới đáy biển hoặc cắt cáp ngầm của họ. Tàu hoàn toàn chịu được việc đâm va, hành động ưa thích của Trung Quốc.

Nói về các pháo hạm, hãy điểm qua những pháo hạm lừng danh trong lịch sử quân sự. Trong thế chiến 2, soái hạm Nhật Bản Yamato và Musashi, mỗi tàu được trang bị 9 đại bác cỡ nòng 460mm, khẩu pháo trên tàu chiến lớn nhất từng được triển khai, nhưng chúng chưa hề đánh chìm được một tàu chiến Mỹ nào.

Trong một trận chiến được quyết định bởi không quân hải quân, các tàu Yamato và Mushashi được sử dụng chủ yếu là tàu soái hạm, chở quân. Với kích thước to lớn (dài 263m, rộng 39m, lượng choán nước đầy tải 72.000 tấn, hơn cả tàu Liêu Ninh với 58.500 tấn), các soái hạm Nhật Bản thời thế chiến 2 thực sự là những con khủng long bằng thép.

Làm thế nào đánh chìm được chúng? Câu trả lời là: rất khó khăn. Phải trúng 11 quả ngư lôi và 6 quả bom, tàu Yamato mới chìm. Tàu Mushashi phải dính 19 quả ngư lôi và 17 quả bom mới chịu chìm. Ở thời điểm bị chìm, cả hai tàu  đã dính nhiều ngư lôi trong các trận chiến trước đó và đã được vá víu tạm.

Pháo hạm USS New Jersey của hải quân Mỹ, từng tham chiến tại Việt Nam

Sau Thế chiến 2, học thuyết hải quân của Mỹ xoay quanh tàu sân bay. Nhưng nay tình thế đang có nhiều thay đổi, khi hải quân Mỹ phải đối đầu với Trung Quốc trên một số vùng biển, trong đó có Biển Đông. Mỹ thường triển khai các chuyến hải hành cho tàu chiến ở vùng biển này, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn tránh đối đầu trực tiếp các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ.

Nhưng các tàu khu trục Mỹ rất dễ bị tổn thương. Tháng 6/2018, tàu USS Fitzgerald đã phải ngừng nhiệm vụ giữa chừng vì va chạm với một tàu chở container, 7 thủy thủ thiệt mạng. Đến tháng 8, tàu USS John S. McCain suýt chìm khi đụng phải một tàu chở dầu. 10 thủy thủ trên tàu Mỹ thiệt mạng, trong khi tàu chở dầu không có ai bị thương. Gạt qua một bên vấn đề năng lực đi biển, hai vụ va chạm này cho thấy một bất cập lớn đối với các chiến hạm: khả năng sống sót thấp. Trong lịch sử, các tàu chiến là mối đe dọa đối với các tàu chở dầu, không phải theo hướng ngược lại.

Vấn đề đặt ra là hải quân Mỹ nay cần  sức mạnh từ nhóm tàu sân bay với các chiến hạm trang bị các tên lửa hành trình đáng sợ, nhưng họ cũng  cần đến các tàu có thể đụng độ trực tiếp mà vẫn không hề hấn gì. Nhu cầu này ngày càng bức thiết khi Trung Quốc đang phát triển năng lực tấn công chính xác bằng tên lửa, trong một cuộc tấn công bất ngờ. Theo một bài báo trên National Interest, rồi sẽ đến lúc hải quân Mỹ cảm thấy quá nguy hiểm nếu con tàu của họ đi trên Biển Đông không phải là một thiết giáp hạm.

Công nghệ tàng hình là một cách để giúp con tàu tránh bị bắn trúng và Mỹ đang dẫn đầu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đã tàng hình, tức không cho người ta thấy thì không thể thực hiện hiệu quả chương trình “tự do hàng hải”, vốn cần được nhiều bên biết đến. Và một pháo hạm to lớn kiểu cổ là câu trả lời. Nhưng đương  nhiên hải quân Mỹ sẽ đóng những thiết giáp hạm kiểu mới, với trang thiết bị hiện đại.

Từ vài năm trước, thông tin về việc Mỹ quay lại ý tưởng thiết giáp hạm đã râm ran. Một thiết giáp hạm của thế kỷ 21 là kết hợp của các vật liệu bọc giáp tiên tiến, hệ thống kiểm soát hư hại tự động, giúp con tàu không thể bị đánh chìm. Trang bị vũ khí của tàu có thể tùy theo từng nhiệm vụ, nhưng vấn đề cốt lõi là tính sống sót cao của tàu.

Chiến hạm này có thể là câu trả lời cho bài toán chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc nhằm loại bỏ hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn