Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Hà Nội ngày 28/2. (Ảnh: AFP). |
Khi đoàn tàu bọc thép chở Kim Jong-un về Bình Nhưỡng lúc 3h08 sáng 5/3, người Triều Tiên vẫy chào ông với sự phấn khích vô bờ bến, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin.
Tuy nhiên ông Kim trở về từ hội nghị thượng đỉnh với Mỹ mà không đạt được kết quả như kỳ vọng, khi Triều Tiên không được nới lỏng lệnh trừng phạt quốc tế. Điều này đặt ra câu hỏi ông sẽ làm gì tiếp theo. Liệu ông Kim có nối lại những đòn phô diễn chương trình hạt nhân và tên lửa để tái khẳng định đòn bẩy của mình?
Tình báo Hàn Quốc và các chuyên gia cho rằng Triều Tiên đang xây dựng lại cơ sở đã bị tháo dỡ một phần tại Tongchang-ri, nơi nước này thử nghiệm công nghệ cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Động thái này làm dấy lên nghi ngờ rằng ông Kim sẽ quay lại với chính sách "bên miệng hố chiến tranh" bằng các vụ thử vũ khí như căng thẳng sôi sục vào năm 2017, theo NYTimes.
Tuy nhiên, các chuyên gia về Triều Tiên nói rằng ông Kim khó thực hiện điều đó. Không được nới lỏng lệnh trừng phạt đồng nghĩa với việc nền kinh tế Triều Tiên sẽ tiếp tục suy yếu. Những vấn đề kinh tế ngày càng trầm trọng có thể buộc nước này quay trở lại bàn đàm phán.
Với việc khôi phục bãi phóng tên lửa và tiếp tục vận hành nhà máy làm giàu uranium, Triều Tiên chỉ đang cố gắng "tăng cường đòn bẩy trước vòng đàm phán tiếp theo", Koh Yu-hwan, giáo sư tại Đại học Dongguk, Seoul, nhận xét.
"Tôi không nghĩ Triều Tiên sẽ sớm tiếp tục thử tên lửa vì nếu làm vậy, Mỹ - Hàn có thể nối lại tập trận quân sự chung hoặc Washington thậm chí có thể cân nhắc lựa chọn quân sự", ông nói.
Lãnh đạo Triều Tiên từng hứa ông sẽ hồi sinh nền kinh tế và khiến người dân không phải "thắt lưng buộc bụng". Với việc hội nghị thượng đỉnh lần hai không đạt kết quả mong đợi, nhiều người có thể nghi ngờ ông không thực hiện được lời hứa.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, ông Kim tập trung vào việc xây dựng nền kinh tế, cho phép nhiều hoạt động thị trường hơn, cho xây dựng nhiều công trình ở Bình Nhưỡng và các khu du lịch tiềm năng trên bờ biển phía đông và gần núi Baekdu. Đồng thời, ông tăng tốc chương trình hạt nhân và tên lửa, tự hào tuyên bố vào năm 2017 rằng Triều Tiên đã chế tạo được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, cái giá phải trả rất lớn. Kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư vào năm 2016, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua hàng loạt lệnh cấm vận nhắm vào nền kinh tế Triều Tiên, cấm tất cả mặt hàng xuất khẩu chính của nước này như than, dệt may và thủy sản, đồng thời hạn chế khả năng nhập khẩu dầu của nước này.
Sau một quãng thời gian tăng trưởng ổn định kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, tăng trưởng kinh tế Triều Tiên sụt giảm 3,5% trong năm 2017 vì các lệnh trừng phạt, theo ngân hàng trung ương Hàn Quốc. Các nhà kinh tế Hàn Quốc đánh giá kinh tế Triều Tiên có thể giảm 5% vào năm ngoái.
Theo số liệu hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc đã giảm 88%, xuống còn 210 triệu USD vào năm ngoái. Trung Quốc chiếm hơn 93% giao dịch với nước ngoài của Triều Tiên.
Ngày 6/3, các quan chức Liên Hợp Quốc và Hội Chữ thập đỏ cho biết sản lượng lương thực của Triều Tiên năm ngoái đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập niên do đợt nắng nóng kéo dài, sau đó là bão và lũ lụt.
Năng suất ngô đã giảm hơn 30% so với mức trung bình ở một số khu vực và giá gạo có thể sẽ tăng trong năm nay, làm trầm trọng thêm tình hình an ninh lương thực ở Triều Tiên, Margareta Wahlstrom, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thụy Điển, cho biết. Tình hình này khiến khoảng 3,8 triệu người Triều Tiên cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp trị giá 120 triệu USD.
Ha Young-sun, chuyên gia về Triều Tiên ở Hàn Quốc, cảnh báo rằng nếu Triều Tiên không được dỡ bỏ trừng phạt thì chính quyền có thể đối mặt với "Tháng ba đói khổ" thứ hai, đề cập đến nạn đói trong những năm 1990 đã khiến hàng triệu người Triều Tiên thiệt mạng, theo ước tính của quốc hội Mỹ.
Khó có thể ước tính Triều Tiên bị tổn thương như thế nào bởi các lệnh trừng phạt. Liên Hợp Quốc cho rằng nước này vẫn lách luật bằng cách tiến hành chuyển dầu và hàng hóa bị cấm từ tàu này sang tàu khác trên biển.
Tuy nhiên, việc ông Kim nhấn mạnh yêu cầu nới lỏng lệnh trừng phạt trong cuộc gặp với ông Trump cho thấy Triều Tiên đã bắt đầu cảm nhận được hậu quả khốc liệt của các lệnh cấm vận hoặc ông Kim coi chúng là trở ngại lớn nhất đối với kế hoạch xây dựng nền kinh tế tham vọng của mình.
Ông đề xuất tháo dỡ Yongbyon, tổ hợp nghiên cứu và sản xuất nhiên liệu hạt nhân chính từ những năm 1980. Đổi lại, ông yêu cầu ông Trump dỡ bỏ các lệnh trừng phạt được áp dụng kể từ năm 2016. Triều Tiên cho rằng những biện pháp trừng phạt này đang bóp nghẹt nền kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến dân thường.
"Mối quan hệ hòa hảo Trump - Kim có thể sớm tàn, đặc biệt nếu Trump cho rằng ông sẽ thu hút được nhiều sự ủng hộ khi tái tranh cử nếu đi theo đường lối cứng rắn và dồn Kim Jong-un vào góc tường. Tại Hà Nội, ông Trump đã hiểu được ông Kim rất muốn được nới lỏng trừng phạt", Lee Seong-hyon, nhà phân tích tại viện Sejong, nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo Mỹ không nên quá tự tin vào đòn bẩy cấm vận của mình trong dài hạn. "Các lệnh trừng phạt chắc chắn gây tổn thương, nhưng chúng sẽ không khiến chính quyền Triều Tiên đầu hàng", Koh nói. "Nếu các cuộc đàm phán vẫn bế tắc, Triều Tiên sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân và sản xuất thêm nhiều vật liệu phân hạch cho nhiều đầu đạn hạt nhân hơn".
Theo VNE