"Vỗ mông trẻ em không được coi là dâm ô thì không biết hành động nào mới được gọi như vậy", tiến sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục độc lập đặt câu hỏi với tâm trạng bức xúc sau kết luận mà UBND và công an huyện Việt Yên (Bắc Giang) đưa ra trong buổi họp báo ngày 6/3, liên quan đến nghi vấn giáo viên dâm ô nhiều nữ sinh ở Trường tiểu học Tiên Sơn.
"Kết luận như vậy là thiếu trách nhiệm", tiến sĩ Hương bày tỏ."Dâm ô trẻ em nghĩa là sàm sỡ cơ thể chúng. Vậy mà, thầy giáo này đã động chạm vào tất cả các vị trí của trẻ là mũi, má, mông, đùi. Nếu như đó là vỗ vai hay xoa đầu thì khác. Mông là vùng kín, và chạm vào đó chắc chắn là hành vi dâm ô".
Đây có lẽ không chỉ là "nỗi niềm" của tiến sĩ Hương mà còn rất nhiều khác sau kết luận mà giới chức huyện Việt Yên đưa ra, dù đó mới là kết luận ban đầu "chưa đủ căn cứ chứng minh ông Minh có hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi".
TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho rằng bố mẹ cần ở bên cạnh bảo vệ và tạo sự tin tưởng cho con em mình sau khi chúng trở thành nạn nhân của hành vi dâm ô tại trường học. |
Cơ quan quản lý đang giảm nhẹ tội cho người phạm tội?
Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, sự việc cho thấy rõ ràng thầy cô giáo cũng như các cán bộ phòng, sở, không đứng về phía đứa trẻ mà tìm mọi cách để giảm nhẹ tội cho kẻ phạm tội.
"Nếu cứ như vậy thì những đứa trẻ khác là nạn nhân của vụ việc liệu có dám nói ra? Có dám tố cáo câu chuyện mà chúng gặp phải không, khi thấy bạn đi tố cáo nhưng chẳng được gì", tiến sĩ Hương đặt câu hỏi.
Điều này minh chứng bằng sự việc cô bé lớp 10 bị nhắn tin "gạ tình" ở Thái Bình. Vụ này được đưa lên mạng xã hội với mong muốn mọi chuyện có thể khác đi. Nhưng mọi thứ lại quay lại lúc ban đầu, gia đình cô nữ sinh không muốn kỷ luật thầy giáo này vì "chưa có hành vi xâm phạm thân thể". Mọi chuyện đều được dàn xếp êm đẹp và cuối cùng thầy giáo cũng không bị làm sao.
Ở Bắc Giang là trường hợp trẻ mới học lớp 5 và còn quá bé. Những đứa trẻ này luôn tin tưởng thầy giáo là người chăm sóc và bảo vệ chúng, không những thế, thầy còn là người được trả lương để làm việc đó vậy mà thầy lại làm những điều ngược lại.
Xét về phương diện đạo đức nhà giáo, thầy giáo này không đủ đạo đức để đứng lớp. Vì vậy theo tiến sĩ Hương, thầy giáo này nên được "mời" ra khỏi ngành.
Kẽ hở của Luật
Cũng theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, "hiện nay tại Bộ luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em có các phần xử lý những kẻ xâm hại trẻ em, gồm các độ tuổi khác nhau: trẻ dưới 16 tuổi , trẻ dưới 13 tuổi. Thế nhưng, xử lý dâm ô thường rất nhẹ, tối đa là 2 năm; còn đối với xâm hại sẽ nặng hơn.
Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại là định nghĩa "dâm ô" và "xâm hại" hiện chưa rõ ràng. Vậy nên nhiều trường hợp kẻ dâm ô đã "lách luật".
Vụ việc vừa xảy ra ở Bắc Giang chính là một ví dụ cụ thể. Dâm ô sẽ không bao giờ để lại bằng chứng. Thêm nữa, lời khai của trẻ con lại rất khó để xác định. Duy nhất chỉ có vụ án ở Vũng Tàu, vì có ảnh chụp nên mới xử lý được.
Thay vì cương quyết bảo vệ con, cha mẹ lại có tư tưởng dàn xếp
Hiện nay, nhiều phụ huynh lại có tư tưởng muốn dàn xếp sau những vụ việc xảy ra ở trường học, ngay cả với con em mình. Từng có trường hợp phụ huynh có con bị đánh đã ra giá với nhà trường 100 triệu để bỏ qua.
Vì vậy, để giải quyết triệt để những hành vi vi phạm đạo đức giáo viên trong trường học, các vị phụ huynh phải nhất quyết từ chối dàn xếp. Dàn xếp không phải là cách phụ huynh bảo vệ con em mình, mà điều này thậm chí còn khiến chúng cảm thấy mình bị bỏ rơi.
Theo tiến sĩ Hương, khi sự việc xảy ra, phụ huynh cần nói với con rằng con không sai gì cả, những người xâm hại con mới sai trái, và chúng ta phải cương quyết đến cùng để đưa những người đó ra pháp luật. Bên cạnh đó pháp luật phải có trách nhiệm trừng trị nghiêm minh để đứa trẻ cảm thấy yên tâm rằng những kẻ xấu ấy sẽ bị trừng phạt.
Các bậc phụ huynh cũng cần phải nói với trẻ rằng, tuy con bị như vậy nhưng con vẫn là đứa trẻ hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì cả. Điều này giúp trẻ cảm thấy tự tin và tiếp tục đi học bình thường.
Như vậy, điều quan trọng là cha mẹ phải đứng về phía con, sẵn sàng ở bên cạnh con khi gặp vấn đề, nhất là chuyện bị "xâm hại" cơ thể hay tinh thần khi ở trường.
"Các bậc phụ huynh cần phải có tiếng nói cương quyết như vậy thì những kẻ xâm hại mới không dám làm gì con mình. Bởi, những kẻ xấu cũng luôn biết lựa chọn con của nhà ghê gớm và con của bố mẹ dễ tính. Bố mẹ càng dễ tính, càng dễ thỏa hiệp, dàn xếp với kẻ xâm hại thì con càng dễ bị xâm hại", chuyên gia nói.
Trước đó, theo phản ánh của một phụ huynh có con theo học lớp 5A do thầy Dương Trọng Minh chủ nhiệm, thầy giáo đã có những hành vi không đúng chuẩn mực, “sờ nắn” vào vùng nhạy cảm của con gái mình và 12 em học sinh cùng lớp. Tối 1/3, phụ huynh, học sinh đã yêu cầu giáo viên này đến đình làng để họp, đồng thời thông báo cho nhà trường, lãnh đạo xã tới dự. Trước đông đảo người dân, thầy Minh tường trình sự việc. Theo đó, trưa 1/3, nhận lời mời của phụ huynh các lớp học khóa trước về chơi hội thôn Phù Tài, thầy M. đã uống rượu quá chén tại nhà hai phụ huynh lâu ngày mới gặp. Chiều cùng ngày, thầy M. tham gia phụ đạo ngoài giờ cho học sinh và có những hành động: véo mũi, véo tai, vỗ vai, vỗ mông học sinh. Sau đó thầy Minh về nhà và ngủ. Sau đó, ông cùng vợ lên họp tại đình Chúc Núi với các phụ huynh cùng các cơ quan chức năng. "Trong lúc tinh thần hoang mang, chưa tỉnh táo tôi đã không nắm được toàn bộ nội dung của biên bản. Sau đó, tôi đã ký vào biên bản theo yêu cầu", thầy Minh viết. Theo báo cáo của UBND huyện Việt Yên, ngày 3/3, Ban giám hiệu trường Tiểu học Tiên Sơn đã mời 13 phụ huynh đến dự họp. Tại đây, thầy Minh xin lỗi phụ huynh và họ nhận thấy sự việc chưa đến mức nghiêm trọng nên chấp nhận lời xin lỗi của thầy. Ngày 4/3, 13 học sinh vẫn đến lớp học và tham gia các hoạt động bình thường. Nhận được thông tin, huyện Việt Yên nhanh chóng tìm hiểu và ra quyết định tạm đình chỉ đối với thầy Dương Trọng Minh từ ngày 4/3 để phục vụ công tác điều tra. |
Theo VTC