|
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội |
Phải giải quyết ở khâu cấp và quản bằng
TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng việc bắt người mất bằng lái xe phải thi lại có thể làm phát sinh chi phí xã hội và chi phí của người dân rất lớn.
“Nếu chi phí của việc làm bằng thứ 2, thứ 3 để gian lận có thể là 100 triệu thì chi phí của việc toàn bộ những người mất bằng phải thi lại có thể là 10 tỉ, tức là gấp 100 lần, mà chưa chắc xử lý được vấn đề, vì khi đã muốn gian lận, người ta vẫn có thể chấp nhận thi lại để lấy bằng”, ông Dũng phân tích.
Theo ông Dũng, nguyên nhân của việc lợi dụng cơ chế cấp lại giấy phép lái xe khi bị mất là do hệ thống cấp bằng và quản lý bằng lái xe có vấn đề. Do đó, muốn xử lý được vấn đề này thì phải phải giải quyết ở khâu cấp và quản lý bằng lái chứ không phải ở người dân.
“Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, một giải pháp kỹ thuật hoàn toàn có thể kiểm soát được để đảm bảo khi cấp bằng lái xe mới thì bằng đã cấp trước đó không còn hiệu lực”, ông Dũng nói đề xuất của Bộ trưởng Thể đang “xử lý nhầm đối tượng”
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là không có cơ sở.
“Bất kỳ quy phạm pháp luật nào cũng phải dựa trên cơ sở, căn cứ thực tiễn và nó phải có đạo lý của nó, chứ không phải anh là cơ quan quản lý nhà nước anh muốn ban hành cái gì cũng được”, ông Quyền nói.
Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Theo ông Quyền, việc xác định bằng lái xe bị thu hồi do vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hay mất thật thì các giải pháp kỹ thuật hoàn toàn có thể làm được, chứ không thể vì cơ quan quản lý nhà nước không quản lý được mà bắt người dân phải thi lại.
“Nguyên tắc của nhà nước pháp quyền là nhà nước quản lý không được thì trách nhiệm trước hết thuộc về nhà nước và không bao giờ được đổ phần khó lại cho người dân. Vì thế, không thể vì cơ quan quản lý nhà nước không quản được việc cấp bằng mà bắt người dân phải thi lại”, ông Quyền nói và khẳng định, hoàn toàn không đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
Bất cập trong quản lý nhà nước
Dẫn lại thông tin mà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu tại phiên giải trình, ông Quyền nói rất buồn và cảm thấy rất lạ khi 2 cơ quan chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm an toàn giao thông là Bộ Công an và Bộ Giao thông tới nay vẫn chưa có cơ chế phối hợp, chưa kết nối được phần mềm để chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan đến đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
“Đó là bất cập trong quản lý nhà nước”, ông Quyền nói.
TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, để giải quyết vấn đề những người vi phạm pháp luật an toàn giao thông bị cảnh sát giao thông xử lý nhưng lại báo mất bằng để xin cấp lại hoàn toàn có thể giải quyết nếu Bộ Công an và Bộ Giao thông - vận tải phối hợp tốt.
Ông Nguyễn Đình Quyền cũng nhìn nhận, khi phân định thẩm quyền quản lý nhà nước, nhất là ở những lĩnh vực liên quan nhiều tới quyền lợi, thì bao giờ cũng có tranh chấp giữa các bộ ngành. Tuy nhiên, các bộ, ngành liên quan cần phải ngồi lại với nhau để phối hợp chứ không thể chia cắt, cát cứ khiến hiệu quả công tác quản lý không cao, và khi gặp khó khăn thì lại tìm cách đổ phần khó khăn về phía người dân.
Mất bằng lái xe phải thi lại
Trước đó, tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và xâm phạm an toàn giao thông của Ủy ban Tư pháp Quốc hội ngày 6.3, Bộ trưởng Bộ Giao thông – vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, để giải quyết những bất cập trong việc cấp giấy phép lái xe, Bộ Giao thông - vận tải đang đề xuất những người mất bằng lái xe sẽ phải thi lại.
“Chúng tôi cũng đề xuất phương án những người nào mất bằng lái xe thì phải thi lại toàn bộ để tránh tình trạng lợi dụng nhằm có thêm bằng lái thứ 2, thứ 3 để hoạt động kinh doanh”, ông Thể nói.
|
Theo Thanh Niên