|
Hình ảnh cơ sở phóng tên lửa Sohae (38 North) |
Wall Street Journal hôm qua dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay nước này muốn xác minh mục đích việc Triều Tiên khôi phục lại một số phần của khu thử động cơ tên lửa ở Dongchang-ri, thường được gọi là trạm phóng tên lửa Sohae, sau khi có một số báo cáo nói rằng cơ sở này đang được xây dựng lại các phần bị phá trước đó.
Hôm 6/3, ông Trump nói rằng ông sẽ không vui nếu thông tin về việc Triều Tiên đang xây dựng lại địa điểm phóng tên lửa là thật, sau khi chủ tịch Kim Jong Un đã hứa với ông ở Việt Nam rằng sẽ không thử hạt nhân và tên lửa nữa.
Báo cáo riêng biệt của hai tổ chức tư vấn chính sách tại Mỹ đưa ra đầu tuần này nói rằng Triều Tiên bắt đầu xây dựng lại, trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai của ông Trump với Chủ tịch Kim tại Hà Nội từ ngày 27-28/2.
Hôm 6/3, ảnh vệ tinh thương mại cho thấy cơ sở này đã được khôi phục lại bình thường sau khi bị dỡ bỏ một phần vào năm ngoái. “Chúng tôi theo dõi với thời gian thực những diễn biến ở Sohae và chúng tôi chắc chắn sẽ làm rõ mục đích của các hoạt động đó”, AP dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói hôm qua.
Trong cuộc gặp lần thứ nhất với ông Trump ở Singapore, Chủ tịch Kim cam kết dỡ bỏ cơ sở này. Cam kết được nhắc lại trong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 9 năm ngoái.
Một số nhà phân tích cho rằng việc Triều Tiên khôi phục xây dựng ở cơ sở này là dấu hiệu cho thấy ông Kim đang muốn tiến hành thêm các vụ thử, nhưng những ý kiến khác cho rằng có thể nhà lãnh đạo này chỉ thất vọng vì không đạt được thỏa thuận nào.
Ông Joel Wit, một chuyên gia về giải trừ hạt nhân Triều Tiên và là người đóng góp cho quá trình đàm phán của Mỹ với Triều Tiên vào giữa những năm 1990, nói rằng hoạt động mới ở Sohae là cách ông Kim thể hiện rằng ông ấy “ngày càng mất bình tĩnh khi đàm phán không tiến triển”.
Quan chức ngoại giao Mỹ nói rằng dù cơ sở ở Sohae phải được phá bỏ theo cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, nhưng đây không phải bộ phận quan trọng của hệ thống hạ tầng hạt nhân của Triều Tiên vào thời điểm này, vì các vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây đều được thực hiện bằng các bệ phóng di động ở chỗ khác.
Tránh gay gắt
Các chính quyền Mỹ trước đây đều nêu ra những rủi ro khi hợp tác với Triều Tiên vì cho rằng nước này có tiền lệ quay lưng với các thỏa thuận đã ký kết. Nhưng ông Trump tin rằng ông có thể tạo nên điều khác biệt vì ông Kim công khai thể hiện mong muốn tập trung vào phát triển kinh tế, sau khi hứng chịu hậu quả nặng nề từ những chính sách cấm vận từ Mỹ và Liên Hợp Quốc.
Quan chức ngoại giao Mỹ khẳng định Mỹ sẽ theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn toàn và có thể kiểm chứng đầy đủ trước khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump kết thúc vào năm 2021, và tin rằng điều này có thể làm được. Quan chức Mỹ nói rõ công việc đó sẽ bao gồm loại bỏ tất cả các đầu đạn hạt nhân, vật liệu tên lửa và tên lửa đạn đạo liên lục địa, cũng như đóng băng vĩnh viễn các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.
Ông Trump thích cách gặp trực tiếp ông Kim, nhưng hai bên chưa thảo luận về một gặp thượng đỉnh lần thứ ba. Tuy nhiên, hiện đã có một số hoạt động gặp gỡ và trao đổi ở cấp thấp hơn. Đặc phái viên của ông Trump về Triều Tiên, ông Steve Biegun, đã dùng bữa trưa tại với hai người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc tại Washington hôm 6/3. Hàn Quốc cũng đề xuất đối thoại 3 bên nửa chính thức với Mỹ và Triều Tiên.
Sự kiên nhẫn của chính quyền Trump với chương trình hạt nhân của Triều Tiên đối ngược hẳn với cách phản ứng gay gắt của Washington khi Iran chuẩn bị thực hiện một vụ phóng thiết bị vào vũ trụ tương tự. Những vụ phóng vệ tinh dân sự có thể phục vụ cả mục đích quân sự, vì công nghệ phóng vệ tinh cũng tương tự phóng đầu đạn hạt nhân.
Sau thượng đỉnh ở Việt Nam, những bình luận của ông Trump về Triều Tiên cũng được coi là nhẹ nhàng hơn với Iran, cho thấy ông chủ Nhà Trắng đang tránh đẩy ông Kim ra xa.
Theo Tiền Phong